Bài viết này không chỉ dành cho những người đã hay đang đi làm mà còn là hành trang vô cùng hữu ích cho học sinh, sinh viên, những ai mong muốn, khao khát được khẳng định dấu ấn của bản thân Chúng ta có cần phải xây dựng thương hiệu cá nhân nơi làm việc không? Nếu bạn không muốn mờ nhạt trong một tập thể và thực sự muốn khẳng định bản thân, phát triển sự nghiệp thì chắc chắn câu trả lời của tôi sẽ là CÓ. Không chỉ trong môi trường làm việc mà ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa khi mà thế giới như một làng toàn cầu, mọi thông tin đều được biết đến, mọi giá trị đều mang tính phổ quát, được chuẩn hóa thì việc khẳng định thương hiệu cá nhân là điều cực kỳ quan trọng và cần thiết. VẬY THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN LÀ GÌ? Một cách lý giải đơn giản nhất: Thương hiệu cá nhân (personla brand) là hình ảnh, giá trị bản thân của một cá nhân giúp người khác phân biệt được cá nhân đó với mọi người xung quanh. Hay nói như Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon: Thương hiệu của bạn là cái mà người ta nhắc đến bạn khi bạn không ở đó. Đây là điều không hề dễ dàng chút nào. TẠI SAO CẦN PHẢI XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN NƠI LÀM VIỆC? Khi bạn bước vào một nơi làm việc có nghĩa là bạn sẽ tham gia vào một tổ chức với rất nhiều thành viên khác nhau, cùng nhau thực hiện những mục tiêu chung. Ở đó, bạn sẽ đảm nhận một chức năng chuyên môn nhất định, có những đóng góp riêng cho tổ chức mà mình gia nhập đồng thời là nơi bạn thể hiện năng lực, hình ảnh, giá trị của bản thân. Nếu bạn thực sự muốn phát huy được những tiềm năng đó, khẳng định vị thế của bản thân thì việc xây dựng thương hiệu cá nhân là cực kỳ cần thiết. Bởi quá trình này sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân mình, biết mình là ai, có những ưu, nhược điểm gì, có mong muốn, nhu cầu gì, giá trị mà mình theo đuổi. Từ đó, bạn sẽ gia tăng được giá trị bản thân, tăng sự tự tin. Điều quan trọng là bạn sẽ tạo nên được sự khác biệt. Và tất nhiên rồi, khi những điều đó được khẳng định thì đi cùng với nó là những lợi nhuận mà bạn có được nhờ sự nổi tiếng của thương hiệu cá nhân (đồng nghĩa với những cơ hội trong lĩnh vực của mình). Điều mà tôi tin chắc rằng khi bạn tham gia cống hiến vào một tổ chức ngoài những thụ hưởng về mặt tinh thần, thiết lập các mối quan hệ thì kinh tế là một phần không thể thiếu để giúp chúng ta duy trì và phát triển cuộc sống. CÁC BƯỚC ĐỂ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN NƠI LÀM VIỆC Trước hết, bạn cần phải định vị bản thân: Xác định rõ điều mình mong muốn, có mục đích nghề nghiệp rõ ràng, biết tạo động lực cho bản thân để theo đuổi khát vọng nghề nghiệp. Đồng thời bạn phải hiểu rất rõ (tự nhận thức) về điểm mạnh, điểm yếu, kỹ năng, cảm xúc…của bản thân mình và sử dụng chúng để tạo nên sự khác biệt. Trên cơ sở đó, chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho công việc hiện tại và những định hướng tương lai. Thứ hai, bạn cần tạo dựng được hình ảnh, giá trị trong mắt người khác. Bạn là ai? Giá trị riêng của bạn là gì? Người khác biết đến bạn vì điều gì? Tất cả những gì bạn bè, lãnh đạo, đồng nghiệp, người khác nhắc đến bạn chính là hình ảnh, thương hiệu của bạn trong mắt người khác. Muốn làm được điều này bạn cần: - Thể hiện và khẳng định năng lực, giá trị bản thân: điều này đến từ thái độ và kết quả của bạn đối với công việc. Đã nhận công việc thì cần hoàn thành một cách tốt nhất, thậm chí hoàn thành một cách xuất sắc nhất có thể với tinh thần trách nhiệm cao; cố gắng làm cho công việc của mình trở thành thương hiệu riêng mà nếu thiếu bạn khó có ai có thể thay thế được. Và đừng ngại thể hiện cho sếp thấy những đóng góp và nỗ lực của bản thân. - Xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp: Xây dựng kế hoạch làm việc và thực thi hiệu quả, không để cuộc sống riêng ảnh hưởng đến công việc, luôn đúng hẹn, đúng giờ, tác phong làm việc nhanh nhẹn, năng động. - Hãy luôn là người giải quyết vấn đề: Thay bằng sự kêu ca, phàn nàn, bỏ cuộc hãy là người luôn muốn giải quyết vấn đề và đưa ra giải pháp, không bao giờ đẩy việc cho cấp trên và người khác, giúp đỡ mọi người bất cứ khi nào có thể, kể cả là những việc nhỏ nhất. - Hợp tác cùng đồng nghiệp cũng là cách tạo dựng dấu ấn về năng lực bản thân. Thứ ba, luôn xây dựng và phát triển các mối quan hệ với tinh thần cởi mở, quảng giao. Hãy luôn là người sống chủ động, tích cực, lan tỏa nguồn năng lượng cho mọi người xung quanh. Chủ động, tận dụng cơ hội để bắt chuyện với những người xung quanh bởi những người xung quanh bạn đều là có những giá trị, thế mạnh riêng mà bạn có thể học hỏi và biết đâu rằng họ sẽ là một đối tác tốt, một khách hàng tiềm năng, sợi dây nối kết bạn với một ai đó, một công việc, một quan hệ nào đó. Đồng thời giao tiếp, kết nối cũng chính là một cách để bạn thực hành, phát triển các kỹ năng hòa nhập trong cộng đồng, tìm kiếm và thu nhận thông tin. Luôn biết động viên, khuyến khích, chia sẻ với đồng nghiệp, nhằm tạo tình cảm và có sự kết nối tốt với đồng nghiệp. Luôn tôn trọng đồng nghiệp và những người xung quanh. Sự tôn trọng lẫn nhau được coi là nguyên tắc hàng đầu trong giao tiếp bởi đó là nhu cầu, mong muốn, là quyền của bất cứ ai. Có rất nhiều cách thể hiện thái độ tôn trọng đối với người khác: sự có mặt đúng như lời hứa, ngôn ngữ giao tiếp đề cao nhân thân của bên kia (ví dụ: gọi tên, gọi đầy đủ tên và chức vị, đánh giá vấn đề thay vì quy chụp về con người,…), điệu bộ cử chỉ phù hợp (trang phục, dáng điệu khi đi đứng, ngồi, điệu bộ tay, chân, mắt, ..) đánh giá cao, thể hiện sự quan tâm đến công việc của người khác đều là những cách để thể hiện sự tôn trọng đối với người khác, đồng thời, thể hiện sự tự trọng của chính mình. Khi bạn thể hiện thái độ tôn trọng đối với người khác thì ngược lại bạn cũng sẽ được người khác tôn trọng. Chủ động tham gia các hoạt động, sự kiện liên quan; kết nối với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong lĩnh vực của mình để học hỏi và tạo mối quan hệ; mở rộng tầm nhìn, tạo vị thế nhất định trong nghề nghiệp. Thứ tư, bạn cần tạo một hồ sơ cá nhân nổi bật, kiến tạo thương hiệu riêng và sẵn sàng PR bản thân. Một trong những cách để bạn có thể xây dựng được thương hiệu cá nhân là bạn cần phải biết xây dựng hình ảnh ra thế giới bên ngoài. Bởi “Xây dựng thương hiệu cá nhân là quá trình cá nhân làm mình nổi bật lên giữa đám đông thông qua việc xác định và trình bày các tuyên ngôn giá trị độc đáo về chuyên môn hoặc cá nhân; sau đó truyền thông các thông điệp và hình ảnh nhất quán để đạt được một mục đích cụ thể. Bằng cách này, các cá nhân sẽ nâng cao được sự ghi nhận như là chuyên gia trong lĩnh vực của họ, làm nên danh tiếng và sự tín nhiệm, thúc đẩy sự thăng tiến trong nghề nghiệp và xây dựng sự tự tin” (Dan Schawbel). Thế nên bạn đừng ngần ngại kiến tạo thương hiệu riêng cho bản thân mình và sẵn sàng PR cho bản thân. Tuy nhiên, điều đầu tiên bạn cần phải làm là cần phải có một hồ sơ cá nhân nổi bật (với những công việc mình đang phụ trách, công việc đã làm được và mục tiêu tương lai). Hãy luôn biết nắm bắt những cơ hội bất ngờ, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng và luôn nỗ lực để đạt được những thành tích nhất định trong công việc và được ghi nhận. Trong thời đại bùng nổ của internet, mạng xã hội hiện nay hãy phát huy sự ảnh hưởng của bản thân và quảng bá hình ảnh ra bên ngoài. Bạn có thể dùng trang facebook như một kênh thông tin chia sẻ những bài viết, những quan điểm cá nhân về các vấn đề trong đời sống, trong nghề nghiệp; thể hiện tầm nhìn, sự hiểu biết, trình độ; luôn cập nhật hình ảnh, những trải nghiệm của bản thân, năng lượng sống tích cực; cập nhật những thay đổi; là nơi thiết lập, kết nối các mối quan hệ…Về lâu dài, bạn nên xây dựng cho mình những câu chuyện thương hiệu riêng, đặt tên, logo, slogan thể hiện chính xác về mình một cách độc đáo và dễ nhớ nhất. Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn rằng, “xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là thần thánh hóa bản thân với 100% hình ảnh tốt mà là một con người thật thể hiện rõ nét ba yếu tố: năng lực, cá tính và sự đóng góp xã hội”. Hãy nhớ xây dựng thương hiệu riêng là hết sức khó khăn. Nó đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực và học hỏi không ngừng. Xây dựng được thương hiệu cá nhân đã khó nhưng để duy trì sự tồn tại và được công nhận thì còn khó hơn nhiều. Và mọi sai lầm trong việc tạo dựng thương hiệu cá nhân đều phải trả giá bởi “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Chúc các bạn thành công trên hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân của mình.