Vòng quay của đồng tiền

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Bằng Mã, 5/5/17.

  1. Bằng Mã

    Bằng Mã Member

    Trong nền kinh tế đồng tiền được tạo ra để làm vật trung gian trao đổi hàng hoá, dịch vụ, từ đó nó cũng là một tài sản có giá trị lưu trữ bên cạnh quyền năng biến hoá thành bất cứ dạng tài sản nào khác. Đồng tiền, ngoại trừ tiền cổ, theo thời gian đều có thể " hao mòn", mất giá như bất cứ các dạng tài sản nào khác. Khoa học tài chính gọi đó là giá trị thời gian của đồng tiền (time value of money), một khái niệm hết sức cơ bản và quan trọng trong khoa học tài chính, mà theo quan điểm của người viết, nếu không có nó thì thậm chí có thể không tồn tại môn học tài chính.

    Chính vì đồng tiền mất giá theo thời gian nên, một đồng nhận được trong tương lai sẽ rất khác so với một đồng hiện tại. Do đó, trong bất cứ quyết định đầu tư nào, cơ sở để xem xét quyết định chính là việc đánh giá hành trình của những đồng tiền "mẹ" mà ta bỏ ra, xem chúng sẽ biến đổi ra sao, đẻ ra những đồng tiền "con" khác như thế nào? Khả năng (rủi ro) đi đến nơi về đến chốn ra sao. Cuối cùng là động tác quy đổi đồng tiền tương lai về giá trị hiện tại (present value), để xem quyết đinh đầu tư đó có thực sự kiếm được nhiều tiền hơn con số ban đầu bỏ ra hay không.

    Trên đây là vòng quay lớn của đồng tiền từ lúc chủ doanh nghiệp bỏ tiền lập công ty, cho đến khi chốt lời, thoái vốn.

    Vòng quay này có thể dài đằng đẵng vài chục năm, và liệu nó có kết quả mỹ mãn hay không chính là phụ thuộc vào những vòng quay ngắn hơn mà người chủ doanh nghiệp lúc nào cũng phải theo sát. Những vòng quay ngắn đó chính là quá trình kinh doanh để kiếm lời, kiếm được nhiều hơn số tiền vốn ban đầu bỏ ra.

    Đồng tiền trong doanh nghiệp mà vẫn là tiền thì chỉ có một cách sinh lời là đem cho vay kiếm lãi suất, đó là đầu tư thụ động và người cầm tiền không nhất thiết phải làm doanh chủ. Người chủ doanh nghiệp bằng kỹ năng riêng của mình có thể biến hoá đồng tiền ban đầu thành các loại hàng hoá, dịch vụ khác để cống hiến cho thị trường những giá trị gia tăng nhằm thu về thặng dư từ những giá trị gia tăng đó. Trong suốt quá trình này để quản lý tốt tài sản là đồng tiền ban đầu,vốn đã được biến đổi qua các hình thức khác, chủ doanh nghiệp cần phải có hệ thống kế toán- tài chính hỗ trợ. Sổ sách kế toán thực chất là một bức tranh chân dung, mô tả sự vận động của đồng tiền một cách chi tiết và sinh động nhất.

    Hãy lấy 1 ví dụ về lĩnh vực kinh doanh sản xuất hàng hoá. Đồng tiền ban đầu sẽ được chuyển đổi thành máy móc, nhà xưởng, thành chi phí hoạt động, tiền lương, thành nguyên vật liệu, thành phẩm dở dang, thành phẩm tồn kho, thành công nợ, và lại thành tiền. Mỗi vòng quay như vậy là một hành trình đơn lẻ mà đồng tiền cũ có thể "đẻ" ra đồng tiền mới. Sự thành công của doanh nghiệp này, so với doanh nghiệp khác chính là ở chỗ thiết kế cái vong quay đó ngắn nhất, với khả năng sinh lời cao nhất. Cụ thể là nguyên vật liệu phải biến thành thành phẩm nhanh chóng, ít hao hụt; thành phẩm không được nằm mãi trong kho, phải được bán nhanh, ở mức giá có lời; bán xong rồi nếu có nợ phải thu, thì phải sớm đòi được nợ. Sau mỗi vòng quay như thế doanh chủ lại nắm trong tay một số tiền lớn hơn và họ lại phải thiết kế hành trình mới cho đồng tiền với quy mô lớn hơn. Sự kết nối của các vòng quay nhỏ này, tương tự như vận hành các bánh răng trong một chiếc đồng hồ vậy, chúng giúp đẩy chiếc kim chỉ giờ về đúng vị trí mong đợi, vẽ nên vòng quay đầu tư như được nói đến lúc ban đầu.

    Quản trị một doanh nghiệp không chỉ là tạo ra giá trị gia tăng được thị trường chấp nhận, mà đó chính là quản trị vòng quay của đồng tiền, doanh chủ phải bảo đảm tiền phải quay lại thành tiền, chứ không phải nằm mãi ở một hình thức tài sản kinh doanh nào khác.

    Việt Ba

    Bài viết được chia sẻ bởi Forum SEO SEOtime.edu.vn
    Link bài viết: Vòng quay của đồng tiền
     
    Last edited by a moderator: 18/5/17
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...