Vào giữa thế kỷ 19, Nhật Bản là một nước phong kiến, bế quan tỏa cảng, xã hội phân chia thành các giai cấp sĩ, nông, công, thương và chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Thế rồi chiến thuyền Mỹ của đô đốc Perry xuất hiện ở cảng Edo năm 1853 đã khuấy động cả xã hội phẳng lặng đó. Đến năm 1858, Perry lại đến và yêu cầu ký kết các hiệp ước bất lợi cho Nhật với hai nội dung chính là Nhật mất chủ quyền về thuế quan (không được dùng thuế quan để bảo hộ sản phẩm trong nước khi mậu dịch với nước ngoài) và không có quyền tài phán đối với người nước ngoài cư trú tại Nhật. Chính quyền Mạc Phủ sợ các nước phương Tây gây chiến nên đồng ý ký các hiệp ước đó. Ngoài Mỹ, các nước khác như Pháp, Anh, Hòa Lan, Nga cũng ép Nhật ký các hiệp ước tương tự. Trước khả năng nước ngoài tìm cách thôn tính Nhật, những nhà lãnh đạo hai bên Mạc Phủ và Thiên Hoàng - hai phe đang tranh giành quyền lực tại Nhật Bản thời đó - phải có quyết định để tránh tổn thất lớn cho đất nước. Cuối cùng, phân tích lực lượng hai bên và tình hình thế giới, và suy nghĩ về tương lai đất nước, tướng Katsu đã đi đến quyết định là phải đầu hàng quân đội Thiên Hoàng thì mới cứu được nước Nhật ra khỏi thảm họa. Cuộc đàm phán giữa hai tướng Saigo và Katsu đã diễn ra thuận lợi ngoài dự tưởng của Katsu, nhất là thái độ rất hòa nhã và khiêm tốn của Saigo đối với người thế yếu đã làm phía Tokugawa thấy yên tâm và không hề có mặc cảm của người thất thế. Phía tướng Katsu cũng trình bày nội tình của phe Tokugawa với thái độ chân thành. Saigo đã đồng ý các điều kiện đầu hàng. Ông về thuyết phục những người chủ chiến phía Thiên Hoàng. Với uy tín của Saigo, mọi người đã chấp nhận chấm dứt chiến tranh theo kết quả cuộc hội đàm của Saigo và Katsu. Lịch sử đã ghi lại sự kiện này bằng bốn chữ Vô huyết khai thành (mở cửa thành đầu hàng để tránh đổ máu). Vài tháng sau sự kiện vô huyết khai thành, Edo được đổi tên là Tokyo (tháng 7-1868) và sau đó ít lâu Minh Trị Thiên Hoàng dời đô từ Kyoto về Tokyo (tháng 10-1868), đánh dấu một thời đại mới. Trên đây là một phần nội dung trong quyển sách "Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam" của Giáo sư Trần Văn Thọ tặng cho QTvKN ngày 21/8/2017. Mời các bạn đọc nhận xét ở bìa sau về giá trị của quyển sách. Nhìn lại sự kiện Vô huyết khai thành, những người quyền lực nhất của Nhật Bản thời đó đã hạ mình xuống để nâng cả một dân tộc đi lên. Họ lùi lại, ngay trước kẻ thù của của mình, để cả dân tộc tiến lên... Ngày xưa họ làm như vậy, còn ngày nay thì sao? Tôi có dịp may mắn được đi Nhật, thấy họ vẫn làm vậy. - Trong kinh doanh, họ cúi chào thấp hơn đối tác, để cuối cùng hai bên đều có lợi. - Trong thảm họa, họ xếp hàng và nhường nhịn nhau, để cuối cùng ai cũng có phần (ngày 11/3/2011, thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản đã xóa sổ nhiều thị trấn và khiến hàng nghìn người dân rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Trong hoàn cảnh đó, người dân Nhật vẫn trật tự xếp hàng để nhận cứu trợ). - Trong giao thông, họ nhường nhau để tất cả cùng đi nhanh hơn. Nói về giao thông, tuần trước tôi ở Bangkok, Thailand và cũng lặn ngụp trong kẹt xe ở đó. Nhưng xe ô tô ở Thái luôn dành chỗ trống cho xe gắn máy chạy qua. Nhờ vậy mà bớt kẹt xe rất nhiều và người có việc cần đi nhanh luôn có thể chọn xe hai bánh để đi mà không sợ bị kẹt. (Uber và Grab 2 bánh ở Thái bằng giá 4 bánh hoặc có khi còn mắc hơn). Chúng ta cũng vậy, hãy lùi lại để cùng tiến xa hơn nhé ❤ Cám ơn Giáo sư Trần Văn Thọ về quyển sách quý này và cám ơn Ban Điều hành của QTvKN đã tổ chức một buổi gặp gỡ đầy ý nghĩa với Giáo sư! Thăng Long