Vì sao hàng hiệu Nhật Bản lại có chất lượng tốt

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Bằng Mã, 23/5/17.

  1. Bằng Mã

    Bằng Mã Member

    Đang ngồi ăn cơm với gia đình, chợt âm thanh Tivi phát lên rất vang chương trình quảng cáo: “ Bạn hãy yên tâm nhé! Sản phẩm của chúng tôi là hàng Việt Nam, chất lượng Nhật”.
    Quả là người Nhật đã thành công tại Việt Nam khi tạo được ấn tượng bất di, bất dịch: “ Cứ hàng Nhật là tốt, là bền”. Hàng Nhật Bản đã nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới về chất lượng, độ bền cũng như thương hiệu của mình.

    [​IMG]

    VẬY, VÌ SAO HÀNG HIỆU NHẬT BẢN LẠI CÓ CHẤT LƯỢNG TỐT?

    TRIẾT LÝ KINH DOANH CỦA NGƯỜI NHẬT.

    Người Nhật có triết lý kinh doanh là luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Các nhà sản xuất Nhật Bản quan niệm rằng, càng ngày con người sẽ dần dần chọn cho mình những sản phẩm tốt để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của mình. Vì vậy, doanh nghiệp nào cung cấp những sản phẩm có chất lượng không tốt thì sẽ không có được sự phát triển, không có thành công một cách bền vững. Ở bất kỳ doanh nghiệp Nhật Bản nào, yếu tố CHẤT LƯỢNG sản phẩm đều được ưu tiên hàng đầu. Làm thế nào để sản xuất ra 1 sản phẩm chất lượng tốt nhất để phục vụ khách hàng và chiếm được lòng tin của khách hàng là kim chỉ nam của các doanh nghiệp Nhật.

    QUY TRÌNH QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CHẶT CHẼ

    Trong sản xuất hàng hóa, các doanh nghiệp Nhật luôn có những quy trình quản lý chặt chẽ. Từ khâu nhập khẩu, kiểm tra nguyên vật liệu đầu vào, đến các công đoạn sản xuất, kiểm tra thành phẩm, xuất cho khách hàng. Các nhân viên khi mới vào cần phải học thuộc đúng các quy trình đó mới được thao tác thực tế. Công đoạn sau là khách hàng của công đoạn trước. Vì vậy, để làm hài lòng khách hàng gần nhất thì cần thiết phải nâng cao hiệu quả thao tác, liên tục cải tiến tại vị trí công đoạn của mình.

    CON NGƯỜI LÀM NÊN CHẤT LƯỢNG

    Người Nhật là những con người rất cầu toàn, biết giữ chữ tín và rất chăm chỉ. Điển hình là họ không bao giờ đi muộn, dù chỉ là 1 phút. Ở Nhật Bản, những chiếc xe buýt hay tàu điện cứ đúng giờ là chạy, không bao giờ chờ đợi ai. Nếu có trường hợp bất khả kháng do thiên tai, thời tiết ( thường là rất ít) … thì khách hàng trước khi xuống xe đều được phát cho 1 tờ giấy xác nhận thời gian đi muộn với lý do gì để có thể nộp lại cho cơ quan nơi mình làm việc.

    Nếu có lỗi, người Nhật sẽ thật lòng nhận lỗi, nếu sản phẩm bị hỏng hóc, họ sẵn sàng thu hồi sản phẩm, xin lỗi người tiêu dùng, khắc phục một cách thỏa đáng nhất để đảm bảo uy tín. Với người Nhật, xin lỗi là một điều hoàn toàn bình thường. Bởi xin lỗi không phải là thất bại, không phải là bị cấp trên đánh giá thấp… mà đó chính là sự nhìn nhận thẳng thắn vào sự thật để có sự cải tiến cho công việc tiếp theo, rút ra kinh nghiệm cho mình. Do đó, người Nhật quan niệm rằng, người nào biết xin lỗi là người có ý chí cầu tiến, phát triển mình và sẽ được đánh giá cao.

    Tôi đã có dịp sang Nhật công tác đúng vào giữa tháng 3 năm 2011, ngay sau khi động đất sóng thần ở vùng Đông Bắc Nhật Bản xảy ra. Tôi vẫn nhớ mãi ngày đi ra sân bay Narita để trở về Việt Nam, tôi đã nhìn thấy một băng rôn khẩu hiệu rất to được treo ngay ngắn ở cửa sân bay: “ Tất cả người dân Nhật Bản vô cùng xin lỗi quý khách vì trận động đất sóng thần này, chúng tôi rất hy vọng quý vị sẽ quay trở lại Nhật Bản trong thời gian sớm nhất” Trong khi một số người nước ngoài lo sợ phóng xạ, vội vã mua vé bay về quê hương thì ắt hẳn khi họ đọc được những dòng chữ này, họ sẽ thấy thật khâm phục người Nhật. Những người Nhật – họ xin lỗi ngay cả khi họ chẳng có lỗi gì cả mà chỉ là họ cảm thấy làm phiền người khác.

    Với tính cách và đặc trưng của người Nhật như vậy, họ luôn tự nhận trách nhiệm và luôn ý thức việc làm ra sản phẩm chất lượng hàng đầu là ưu tiên số 1.

    NGẪM NGHĨ

    Ở ta, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ thường rất hay quan tâm đến thương hiệu, trong khi cái cần quan tâm là chất lượng thì thường ít được chú trọng hơn. Hàng Việt Nam chất lượng cao thì xuất khẩu, còn hàng trong nước thì hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí còn gian dối gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…

    Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của thầy Sơn Đức Nguyễn trong bài giảng về Thương hiệu ở lớp CEOHN01: “ Tôi đã từng từ chối rất nhiều khách hàng đề xuất tư vấn về thương hiệu vì xét thấy chất lượng sản phẩm của các khách hàng đó không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tôi đã nói với họ: xin hãy làm tốt chất lượng sản phẩm của mình rồi hãy nghĩ đến thương hiệu!” Một câu nói thật đáng suy ngẫm!

    Tác giả: Bùi Thị Thu Hằng.
    Link bài viết: Vì sao hàng hiệu Nhật Bản lại có chất lượng tốt
     

    Các file đính kèm:

    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng

Chia sẻ SEO tới mọi người