Không biết cuộc sống của các bạn ban D như nào, nhưng với dân A như mình, Văn luôn là môn học cho đủ điểm lên lớp. Mình có thể đi học thêm Toán, Lý, Hóa, thậm chí là tiếng Anh, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ đi học thêm Văn. Với cảm nhận của mình trong suốt 12 năm đi học, đây là môn chán kinh khủng khiếp. Nhưng điều kỳ lạ là khi lớn hơn, khi bước chân vào nghề Marketing cũng như các hoạt động viết lách, mình mới nhớ lại và thấy môn Văn hay đến nhường nào. Tất cả những gì được học ngày xưa đều có ý nghĩa. Ví dụ: - Kỹ năng lập dàn bài và tóm tắt hơi thở của viết lách. Trước khi viết một bài PR ta cần tóm tắt tổng hợp thông tin, sau đó lập dàn ý, thiết lập mục tiêu cho từng đoạn trong bài viết. - Kỹ năng làm văn miêu tả luyện cho ta óc quan sát và trí tưởng tượng miên man trù phú. - Kỹ năng làm văn tự sự luyện cho ta cách kể chuyện hấp dẫn lôi cuốn logic, luyện kỹ năng sắp xếp xâu chuỗi sự việc. - Kỹ năng làm văn nghị luận luyện cho ta cách trình bày vấn đề sao cho sáng tỏ, súc tích và thuyết phục. - Kỹ năng về ngôn từ con chữ, luyện cho ta cách dùng câu chữ sao cho có tính mục đích, viết sao cho không lặp từ, nói sao cho không bị lủng củng. Một người giỏi toán lý hóa có thể làm một kỹ sư, một người giỏi văn có thể thuyết phục và ảnh hưởng tới cả thế giới. Học văn không phải là để trở thành nhà văn hay nhà thơ. Dù bạn làm bất cứ nghề nào thì những kỹ năng của môn van đều có thể giúp bạn rất nhiều Nhưng tại sao 12 năm đi học mình không hề cảm nhận được 1 chút nào những giá trị đó. Tại sao trong suốt 12 năm tất cả chỉ là việc chống đối và hời hợt. Có lẽ vì các giáo viên đã không truyền tải cho học trò những điều thú vị đó. Cách học môn văn ngày đó chỉ đơn giản là chúng tôi phải cố gắng làm sao để viết ra cho giống các ý các cô nhất. Nó không thực sự là những suy nghĩ, những ý tưởng của chúng tôi. Ngày xưa tôi rất bức xúc, vì k hiểu sao lại cứ phải ngồi miêu tả cây bàng, sao có mỗi chiếc lá rơi mà phải phân tích nửa trang giấy, sao phải so sánh chiếc lá với cái này cái kia. Sau này tôi hiểu, tất cả những kỹ năng đó có thể biến 1 thông tin thô ráp thành 1 thông tin có cảm xúc. Một phần trình bày có thuyết phục không chỉ phụ thuộc vào những lý lẽ, nó còn phụ thuộc rất lớn vào cảm xúc của người nghe người đọc. Thay vì chỉ cho lũ trẻ những điều kỳ diệu đó, hệ thống giáo dục xưa chỉ chăm chăm vào việc đào tạo ra những cái máy cố gắng bới móc tình tiết để viết sao cho dài nhất. Thật là đáng tiếc khi hàng vạn học sinh lại có chung một người bà, người có mái tóc bạc da nhăn nheo điểm nốt đồi mồi. Thật đáng tiếc khi thời của chúng tôi không được truyền cảm hứng để yêu thích văn học từ sâu thẳm trái tim. Bài viết này không nhằm mục đích so sánh môn Văn với các môn học khác. Môn nào cũng hay, môn nào cũng giá trị, nhưng trước khi giảng dạy thì giáo viên phải truyền tải được những giá trị ấy cho người học, đó là điều mà tôi cực kỳ tâm đắc. Chốt lại là sau này mình sẽ cố gắng đồng hành với con để gieo tình yêu môn củ chuối này cho con. Chủ quán trà đá! ---------------------------------- Một vlog mình làm từ 2 năm trước, chủ đề: Dốt văn vẫn viết CONTENT tốt, Bí quyết là gì?