TƯ DUY SÁNG TẠO

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Y Dược, 13/7/17.

  1. Y Dược

    Y Dược Member

    Bạn nghĩ ai cần có tư duy sáng tạo? Chỉ những người làm nghệ thuật như họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thiết kế… hay những người làm chuyên ngành Marketing, Quảng cáo ư? Thật ra tất cả các sản phẩm, dịch vụ xung quanh bạn đều là kết quả của những phát minh hay ý tưởng, là thành quả của tư duy sáng tạo của con người.

    Chúng ta sử dụng tư duy sáng tạo hàng ngày để giải quyết hàng loạt vấn đề nhưng không để ý. Vì suy cho cùng, cuộc sống vốn là một chuỗi các vấn đề. Các doanh nghiệp được lập ra cũng nhằm giải quyết vấn đề cho khách hàng thì mới lấy được tiền của họ. Khi vận hành, công ty cũng phải giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan đến tài chính, nhân sự, sản xuất, tiếp thị, bán hàng, hậu cần, hậu mãi… Mà để giải quyết vấn đề thì bạn sẽ phải suy nghĩ & cần đến tư duy sáng tạo để nghĩ ra nhiều phương án rồi chọn được phương án tối ưu. Vì vậy nên tư duy sáng tạo càng tốt thì bạn càng hiệu quả hơn trong công việc & thành công hơn trong cuộc sống.

    Tư duy sáng tạo có thể được rèn luyện thông qua một số phương pháp sau:

    1. Thay đổi góc nhìn: Đôi khi chỉ cần đứng ra xa một chút, nhìn lâu hơn một chút, thay đổi hệ quy chiếu… bạn sẽ thấy đồ vật hay vấn đề có những hình dáng, bản chất rất khác nhau. Trong thương lượng đàm phán, khi đặt mình vào thế của người khác, bạn sẽ hiểu họ thật sự cần gì, mong muốn gì để lái họ theo hướng họ muốn mà vẫn có lợi cho bạn, hoặc lái họ theo hướng bạn muốn mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho họ. Trong bán hàng, khi đặt mình vào vị trí của khách hàng, bạn sẽ biết lắng nghe & thấu hiểu nhu cầu của họ hơn để đáp ứng nhu cầu đó tốt nhất bằng sản phẩm, dịch vụ của mình.

    2. Kết nối dữ liệu (connecting the dots): Đôi khi những ý tưởng hay chỉ là kết quả của việc kết nối những gì đã có sẵn. Càng cố gắng liên kết những gì tưởng chừng như không liên quan, bạn lại càng dễ đạt được những kết quả bất ngờ. Dựa trên nền tảng công nghệ, Uber trở thành hãng taxi lớn nhất thế giới khi liên kết người cần xe với người có xe, Airbnb trở thành khách sạn lớn nhất thế giới khi liên kết người cần chỗ ở với người có nhà, Facebook trở thành công ty truyền thông lớn nhất thế giới khi liên kết các người dùng với nhau, chính cộng đồng này tự nguyện cung cấp nội dung cho nhau (tin tức, kiến thức, hình ảnh, thông tin giải trí…) & cung cấp cho Facebook một kho dữ liệu khách hàng khổng lồ giúp các nhãn hàng tiếp cận đúng mục tiêu hơn.

    3. Đừng vội phán xét: Để kích thích tư duy sáng tạo & giải quyết một số vấn đề then chốt, các công ty rất hay dùng kỹ thuật động não (brainstorming) để tất cả mọi người trong buổi họp đều có quyền đưa ra ý tưởng xung quanh vấn đề đó, sau khi đã liệt kê ra hết các ý tưởng đóng góp thì mới tiến hành phân tích & chọn ra ý tưởng khả thi nhất hay thích hợp nhất. Nguyên tắc quan trọng trong brainstorming là không ai được phép có ý kiến về ý tưởng của ai trong giai đoạn liệt kê, sử dụng tối đa “được đấy, VÀ còn gì nữa?” (yes and) để phát triển thêm ý tưởng mới dựa trên ý tưởng đã liệt kê, tuyệt đối không nói “cũng được, NHƯNG mà…” (yes but) vì chữ “nhưng” sẽ vô tình giết chết ý tưởng & triệt tiêu ý định nói lên ý tưởng mới của tác giả.

    4. Tìm nhiều giải pháp: Cố gắng suy nghĩ để ra được càng nhiều giải pháp càng tốt, để sau đó có nhiều sự lựa chọn hơn & đạt xác suất thành công cao hơn. Thường các sếp cũng thích & đánh giá cao những nhân viên chủ động mang đến cho họ nhiều giải pháp hơn là những nhân viên chỉ biết báo cáo cho họ những vấn đề.

    5. Tưởng tượng: Thử hình dung ra những kịch bản để tự xem xét & test các tình huống theo kiểu “Nếu tôi làm thế này thì…” (what if). Ví dụ như khách hàng đang nổi giận, nếu bạn chống chế & chối bỏ trách nhiệm thì khách sẽ phản ứng thế nào, nếu bạn xin lỗi thì khách sẽ nghĩ gì, nếu bạn đề nghị đền bù thì khách sẽ thấy sao…

    6. Đơn giản hóa: Sử dụng phép ẩn dụ, liên tưởng đến những gì tương tự để đơn giản hóa & hệ thống hóa các vấn đề phức tạp. Khóa dán Velcro hay có trên giày, giúp chúng ta khóa & mở một cách nhanh chóng dễ dàng, được kỹ sư Thụy Sỹ George de Mestral phát minh qua quan sát cách hạt ngưu bàng bám vào gấu quần, vì các móc tí hon trên hạt cho phép chúng bám dính vào những thứ có cấu trúc xoắn thòng lọng như các sợi cotton của quần.

    Để tôi kể bạn nghe 2 ví dụ mà tôi đã ứng dụng tư duy sáng tạo một cách hiệu quả nhé:

    1. Trong công việc chuyên môn về Marketing:
    Khi còn làm Giám đốc Marketing tại Big C giai đoạn 2007-2008, tôi được giao nhiệm vụ phải nghĩ ra câu slogan cho Big C Việt Nam. Vì biết chủ trương của Big C là giá rẻ & hình ảnh sếp luôn muốn sử dụng trên mọi phương tiện truyền thông là gia đình, nhóm tôi bắt đầu liệt kê ra tất cả từ khóa liên quan đến giá & gia đình: giá rẻ, giá tốt, mua sắm thông minh, tiết kiệm, gia đình, nhà, tổ ấm, mái ấm… (trong quá trình brainstorming còn rất nhiều từ khác nữa mà tôi không thể liệt kê ra hết ở đây) Sau đó tôi ráp thành nhiều tổ hợp khác nhau kết hợp thăm dò thêm ý kiến đồng nghiệp rồi trình những câu nghe có vẻ hay nhất cho sếp (nhiều giải pháp). Và kết quả cuối cùng là câu “Giá rẻ cho mọi nhà” mà Big C còn đang sử dụng đến giờ. Trong một lần đi phỏng vấn ở Lotte Mart năm 2011, ông sếp Hàn Quốc có yêu cầu tôi tóm tắt về những thành tích đạt được tại Big C & hỏi tôi là cái nào quan trọng nhất, tôi không nhớ đã trả lời gì nhưng theo ông ấy thì đó chính là câu slogan này (tuy nhiên thời điểm đó tôi lại không nhận offer của Lotte Mart & Masan mà quyết định chọn L’Oréal vì lỡ bị cám dỗ bởi thế giới ngạt ngào mùi nước hoa & lung linh sắc màu son phấn [​IMG]☺️).

    2. Trong giải quyết vấn đề:
    Tôi đã từng đòi lại thành công tiền đóng mua một căn hộ dự án bị trễ tiến độ hơn 2 năm trời. Hẹn gặp mấy lần họ mới chịu ký biên bản thanh lý, nhưng lần lữa không trả lại tiền đúng hẹn như đã ghi trong biên bản. Sau rất nhiều lần gọi điện cũng như hẹn nhân viên kinh doanh đến nhà mà không giải quyết được vấn đề, tôi thấy cần phải lên tận văn phòng của họ để tạo áp lực (lựa chọn cách thức mới chủ động hơn trong nhiều cách khác nhau). Đến nơi họ mời tôi vào phòng chờ theo kiểu hoãn binh vì thấy tôi làm căng ở sảnh chính sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến nhân viên hay khách hàng khác. Chờ một hồi không thấy ai xuất hiện, tôi lại ra sảnh yêu cầu gặp nhân viên kinh doanh phụ trách hợp đồng của tôi thì họ đưa nhân viên kinh doanh khác ra thế mạng vì bạn kia chưa đến. Tôi từ chối tiếp chuyện & yêu cầu gặp người có thẩm quyền ký lệnh chuyển tiền hoặc kế toán (sau khi kết nối dữ liệu, tôi suy ra được đối tượng liên quan trực tiếp đến việc chi trả). Họ vẫn cố gắng thuyết phục tôi vào phòng đợi nhưng tôi kiên quyết đứng ở sảnh để chờ gặp đúng người. Không muốn tiếp tục mất nhiều thời gian vào trò chơi câu giờ của họ, tôi bảo họ có 1 phút để đi tìm kế toán, nếu không tôi sẽ đưa câu chuyện này lên Facebook để khách hàng không mua dự án của họ nữa & ảnh hưởng đến uy tín của họ (đơn giản hóa vấn đề, đặt deadline giống như bom hẹn giờ [​IMG]). Họ ráng vớt vát vài câu nhưng tôi đã bấm timer trên điện thoại & cho họ thấy số đếm ngược trên màn hình. Dĩ nhiên là họ không kịp chạy đi tìm kế toán với vài chục giây ngắn ngủi còn lại. Tôi suy nghĩ nhanh, nếu mình cứ ở đây chờ tiếp thì cũng chẳng ra sao vì đã lỡ dọa rồi, nếu mình bỏ về thì có thể họ sẽ sợ hơn vì nghĩ mình nói là làm, & tôi quyết định bỏ về một nước (tưởng tượng “what if”). Tôi bắt đầu nghĩ tiếp, nếu mình là họ thì sẽ sợ gì & sẽ trả tiền cho khách hàng trong trường hợp nào, thế là tôi quyết định gọi cho nhân viên kinh doanh phụ trách hợp đồng của tôi để ra tối hậu thư rằng họ có 24h để trả tiền cho tôi, nếu không thì tôi sẽ công khai câu chuyện này kèm tên & số điện thoại của Phó giám đốc cũng như của chính bạn nhân viên đó, vì tôi hiểu ra người ta chỉ thật sự hành động khi đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi cá nhân của họ, không phải quyền lợi chung chung của công ty nữa (thay đổi góc nhìn). Sau khi mất một buổi sáng đấu trí tại văn phòng họ, ngay trong chiều hôm đó tôi nhận được tiền [​IMG]

    Vậy bạn còn chờ gì nữa để bắt đầu luyện tập tư duy sáng tạo nhỉ? Hãy thử áp dụng ngay những phương pháp trên trong việc giải quyết các vấn đề & kể cho tôi nghe câu chuyện sáng tạo của bạn nhé [​IMG]

    [HASHTAG]#nguyenphuochuyenanh[/HASHTAG] [HASHTAG]#konned[/HASHTAG] [HASHTAG]#airbnb[/HASHTAG] [HASHTAG]#creativethinking[/HASHTAG]

    Nguyễn Phước Huyền Anh
    Founder - CEO of KonnEd .com, trang web kết nối giáo dục (KONNecting EDucation)
    Airbnb Superhost & Consultant
     
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...