Nhân chuyến vào công tác Sài Gòn, anh Tô Chính Nghĩa vừa dành 1 buổi chia sẻ cho lớp CEO3 về chủ đề “Xây dựng & phát triển mô hình quản trị chiến lược cho startup & SME”. Một số bạn thắc mắc sao học chiến lược nhiều quá, nhưng khi học rồi mới biết kiến thức mênh mông, vô tận, mỗi thầy có một góc nhìn riêng, trải nghiệm riêng & những câu chuyện rất riêng của mình. Như khi anh Nghĩa chia sẻ, muốn xây dựng được mô hình quản trị chiến lược cho doanh nghiệp thì trước tiên phải biết quản trị bản thân & gia đình trước. Nói cách khác, tư duy lãnh đạo & quản trị phải đi từ những điều cốt lõi nhất – tiềm năng & năng lực cốt lõi của bản thân. Bản thân mà còn chưa quản trị tốt thì làm sao chúng ta quản trị người khác hay xây dựng chiến lược cho công ty. Khỏi phải nói về bề dày kinh nghiệm Sales của anh Nghĩa với 18 năm làm Giám đốc Sales & Marketing cho tập đoàn Samsung khu vực miền Bắc & miền Trung, dân trong ngành ai cũng nể phục anh về kinh nghiệm quản trị chiến lược Sales & Marketing, quản trị đội ngũ Sales, quản trị nhà phân phối, quản trị các mối quan hệ… Nhưng chính anh thừa nhận rằng mình đã chưa thật sự quản trị tốt cuộc đời mình trong những năm tháng tuổi trẻ khi không dành đủ thời gian cho cô con gái đầu để theo sát quá trình phát triển của con, hiểu điểm mạnh điểm yếu để định hướng cho con. Rồi một ngày vợ anh phải nhắc nhỏ anh cần dành chút thời gian đi họp phụ huynh cho con thì anh mới nhận ra rằng mình chưa phân bổ thời gian hợp lý cho gia đình vốn là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Thời gian sau đó anh cố gắng gần gũi con hơn & giờ cô con gái đầu tiên đã có một công việc tốt về Marketing trong An Nam Gourmet Market sau khi tốt nghiệp Đại học tại Paris. --> Bài học: Cũng giống như việc lần mò nuôi dạy đứa con đầu của các bậc cha mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm, các startup không phải lúc nào cũng có khởi đầu thuận lợi & bài bản. Điều nên làm là phải biết dừng lại xem xét & điều chỉnh trước khi quá muộn cũng như biết sắp xếp lại toàn bộ hệ thống để ưu tiên, tập trung cho những điều quan trọng nhất. Rút kinh nghiệm từ con cả, đối với cô con gái thứ hai, vợ chồng anh thấy con thích vẽ & có niềm đam mê thời trang nên quyết định cho con qua Singapore tham gia cuộc thi thiết kế thời trang do trường Raffles Design Institute tổ chức. Cô đã xuất sắc giành được giải nhì cùng suất học bổng theo học tại đây khi vừa học xong cấp 2 & tốt nghiệp trong top đầu của Học viện Thời trang khi tròn 18 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa mới vào Đại học. Về Việt Nam, cô tiếp tục khiến ba mẹ tự hào khi là 1 trong 12 thí sinh bước vào ngôi nhà chung của Project Runway Vietnam 2014. Nhìn thấy con tỏa sáng ở các cuộc thi, anh Nghĩa đã ủng hộ con khởi nghiệp với thương hiệu thời trang LILT, anh tư vấn cho con nhưng vẫn để con được tự do quyết định & tự chịu trách nhiệm về từng quyết định của mình dù đúng dù sai, để từ những va vấp con có được bài học quý giá & trưởng thành hơn. Đến nay những thiết kế của con gái anh đã dần khẳng định thương hiệu & được các khách hàng nam nữ cá tính chọn mặc để xuất hiện tại những sự kiện thời trang danh giá như Vietnam International Fashion Week. Cô con gái thứ ba của anh còn đặc biệt hơn cả vì ngay từ lớp 10 cô nàng đã xác định luôn sứ mệnh cuộc đời mình là trở thành thợ làm bánh giỏi nhất Việt Nam, sau đó mới hoàn thành tiếp bằng quản trị nhà hàng trước khi trở thành founder café fashion cùng các chị (trong khi nhiều chủ doanh nghiệp & công ty còn đang loay hoay chưa biết tầm nhìn, sứ mệnh của mình là gì!). Từ khi còn ngồi ghế nhà trường Vinschool, cô bé đã biết làm bánh mang vào trường bán cho thầy cô bạn bè & được mọi người ủng hộ đặt mua thường xuyên vì bánh ngon hơn ngoài tiệm (trong khi nhiều startup vẫn chưa tìm ra mô hình kinh doanh hiệu quả, chưa biết bán gì cho ai như thế nào!). --> Bài học: Phát hiện sớm đam mê, khả năng của con để định hướng đúng cho con cũng giống như việc doanh nghiệp phải biết mình khao khát muốn tạo ra giá trị gì cho khách hàng & có đủ khả năng, nguồn lực để làm việc đó cho đến cùng hay không. Nhiều doanh nhân nay thích cái này mai thích cái khác, cả thèm chóng chán (không thật sự có đam mê mà chỉ có sở thích nhất thời) hoặc không đủ khả năng, nguồn lực (thiếu kiến thức, chuyên môn, đội ngũ) hoặc không biết kinh doanh (không biết lập mô hình kinh doanh - công thức kiếm tiền) hoặc không tạo ra được cái mà khách hàng & xã hội cần (không giải quyết được vấn đề của họ mà chỉ tập trung vào vấn đề của mình) thì khi khởi nghiệp sẽ nắm chắc thất bại. Có thể nói anh Nghĩa đã ứng dụng thành công & nhuần nhuyễn tư duy quản trị vào chính bản thân, gia đình & sự nghiệp của mình, đi từ những triết lý sống tràn đầy cảm hứng của những con người vĩ đại: “Ta không phải là sản phẩm của hoàn cảnh. Ta là sản phẩm của những quyết định của chính mình.” (Stephen Covey) “Cuộc đời không làm tôi hài lòng, vì vậy tôi tự tạo nên cuộc đời mình.” (Coco Chanel) “Các bạn phải tìm ra cái mà mình yêu thích. Cách duy nhất để làm những việc vĩ đại là yêu những gì bạn làm. Nếu bạn chưa tìm được điều đó, hãy tiếp tục tìm kiếm, đừng dừng lại.” (Steve Jobs) Ngoài những bài học nhỏ từ cách anh Nghĩa dạy con, bài học lớn mà tôi rút ra được từ buổi chia sẻ của anh chính là muốn khởi nghiệp thành công, trước tiên hãy học cách tư duy từ những nhà quản trị giỏi & áp dụng những tư tưởng vĩ đại vào những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày. Có quản trị bản thân & gia đình tốt thì mới quản trị được doanh nghiệp, xã hội hay quốc gia. Một lần nữa, lớp CEO SG3 cảm ơn anh thật nhiều về buổi chia sẻ rất chất lượng & mong sớm gặp lại anh trong những buổi học giá trị khác! PS: May mắn & tình cờ gặp anh Tô Chính Nghĩa & anh Nguyen Hoai Thi - 2 người thầy tài giỏi & tâm huyết của lớp CEO - để xin chụp ké hình làm ảnh minh họa cho bài viết này! Cảm ơn các anh nhiều vì đã luôn dành thời gian quý báu của mình để truyền tải lượng kiến thức, kinh nghiệm vô giá cho cộng đồng QTvKN bằng tất cả trái tim <3