Xin chào, cũng lâu rồi tôi không post bài cùng Group, dù rằng hình như thỉnh thoảng vẫn thấy Avatar mình trong danh sách Top Influencer từ ngày sáng lập Group đến nay. Hôm nay để tiếp tục thực hành tinh thần chia sẻ, tôi muốn trích ra một bài viết nhỏ trong tác phẩm Sách "Trước Bình Minh Luôn Là Đêm Tối" - Best Seller cả năm 2017 của Alphabooks dù chỉ chính thức họp báo ra mắt và lên kệ vào tháng 12 cuối năm ngoái. Tôi muốn nói đến một sự kết nối đặc biệt hay bị lãng quên: khi Sự sống kết nối với Cái chết. Chắc hẳn bạn đang sử dụng điện thoại Smartphone, nếu điện thoại của bạn không được Connect (kết nối) với Internet, nó sẽ giảm giá trị sử dụng đi rất nhiều. Tương tự, nếu cuộc sống của chúng ta, những nhà kinh doanh, mãi bị cuốn theo guồng quay mỗi ngày của công việc, mà quên mất "Connect" với cái chết, chúng ta sẽ sống một cuộc đời kém giá trị. Chúc bạn enjoy bài viết này nhé. HÃY KẾT NỐI VỚI CÁI CHẾT CỦA BẠN Những chiếc máy bay đã rơi. Và những giọt nước mắt cũng rơi. Cho dù tỷ lệ thiệt mạng khi bay là thấp nhất nếu so sánh với các phương tiện khác như ô tô, xe buýt, tàu lửa, xe máy, và kể cả... đi bộ, con người vẫn bị ám ảnh và có một nỗi kinh hoàng trước những tai nạn hàng không. Nỗi sợ xuất phát từ nhận thức rằng: Mình có khả năng kiểm soát được tình huống hay không? Chúng ta có một “cảm giác” chắc chắn hơn về khả năng kiểm soát khi sử dụng các phương tiện đường bộ, ví dụ: Nếu có sự cố gì khi ngồi trong xe thì có thể... nhảy ra ngoài đường chẳng hạn (cho dù đây cũng là một việc không hề an toàn). Còn khi lơ lửng ở độ cao 11.000 mét trên không trung và phải giao phó tính mạng cho những người xa lạ, chúng ta cảm thấy khả năng kiểm soát lúc này là một con số 0 to tướng. Đó là nguồn gốc của nỗi sợ: Không thể kiểm soát được tình hình. Ngoài ra, các tai nạn trên đường bộ đôi khi diễn ra rất đột ngột, người gặp nạn nhiều khi cũng không kịp nhận ra chuyện gì đã xảy ra với mình. Đối với một vụ rơi máy bay thì khác, con người phải đối diện với nỗi sợ của mình trong khoảng thời gian khi máy bay rơi, nên nỗi sợ này càng kinh khủng hơn, vì họ phải đối diện với một sự thật về chính mình, một sự thật muộn màng! Tôi đã bay đến Thổ Nhĩ Kỳ và có mặt ở quảng trường nơi chỉ một tuần sau vụ nổ bom kinh hoàng. Đã bay đến Israel và đi qua nơi mà chỉ mới tuần trước ở đó diễn ra vụ khủng bố bằng súng khiến nhiều người chết. Đã bay từ Dubai đến Nga chỉ ít lâu trước khi vụ rơi máy bay thảm khốc cùng tuyến bay. Tôi cũng đã có một vài trải nghiệm không mong muốn với những chuyến bay. Đó là một buổi sáng phải lên máy bay. Vì sắp trễ giờ nên tôi vội vàng mang hành lý lên xe ra phi trường. Vì vậy, tôi chỉ kịp chào vội mẹ mình và nghe tiếng mẹ chào tôi ở phía sau, có lẽ mẹ chỉ nhìn thấy được bóng dáng của tôi từ phía sau. Khi ở trong xe, tự nhiên tôi cảm thấy bất an, lo lắng, cảm thấy chưa trọn vẹn, và đau nhói! Tôi tự nhủ rằng lần sau mình sẽ chuẩn bị mọi thứ tốt hơn để không phải vội vàng như vậy, và lần sau để làm tốt hơn, tôi sẽ ôm ba mẹ mình trước khi lên đường. Không hiểu sao tôi lại bị ám ảnh bởi việc này trên suốt chặng đường ra sân bay... Chỉ ít phút sau, tôi hiểu vì sao mình có cảm giác đó. Máy bay bị rung lắc rất mạnh. Dường như nó đang rơi. Mọi người bắt đầu nháo nhào. Nó đang mất độ cao. Đã có những tiếng thét đầy sợ hãi vang lên. Tim tôi đập mạnh hơn. Cuốn sách trên tay tôi đã rơi xuống từ lúc nào. Dường như tình hình đang dần tồi tệ hơn. Tôi nhìn thấy một người mẹ đang ôm chặt đứa con của mình vào lòng, mắt bà nhắm lại, còn đứa trẻ thì khóc ré lên. Mọi thứ đang mất dần kiểm soát. Điều kinh khủng nhất sắp sửa diễn ra! Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì trong khoảnh khắc ấy? Trong thời khắc đó, tôi chỉ ước rằng mình đã ôm mẹ một cái trước khi đi. Đó là tất cả những gì mà tôi kịp nghĩ đến. Rồi tôi lại nhớ đến điều mình đã tự nhủ khi ngồi trong xe ra phi trường: Lần sau sẽ luôn ôm ba mẹ trước khi đi. Nhưng bây giờ, liệu có còn cái “lần sau” đó không? Tôi lấy điện thoại di động của mình ra, mở danh bạ tìm đến tên người yêu mình, và nhắn cho cô ấy một tin nhắn “Anh yêu em”. Ở độ cao 11.000 mét thì không thể nhắn tin, biết vậy nhưng tôi vẫn bấm vào nút gửi. Tin nhắn đó đã không thể nào được gửi đi. Tôi cảm thấy bất lực, và bật khóc! Một sự tiếc nuối vô hạn chỉ trong vài chục giây rung lắc ngắn ngủi mà đối với tôi cứ như một thời gian dài chịu đựng sự tổn thương và đau đớn. Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta cũng thường hay như vậy, phải đến giây phút cuối cùng thì mới biết điều gì là đáng quý. Sự thật đó lại được “ưu ái” nhận ra vào những giây phút cuối cùng khi mà tất cả mọi thứ có thể sẽ nhạt nhòa đi trong giây lát. Điều đó thật bất lực! Chỉ cần “nắm tay những người thân yêu”, “ôm chặt con trẻ vào lòng”, chỉ cần “trao gửi ánh mắt yêu thương”, hay đơn giản “nói một lời từ biệt”. Vào một lúc nào đó thì đó là tất cả những gì chúng ta cần trong cuộc sống này. Chuyến bay đó, thật may mắn, đã hạ cánh an toàn. Tôi thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy mình đã vượt qua nỗi sợ, cảm giác tổn thương và đau đớn để rút ra một bài học thật quan trọng trong cuộc đời mình. Nói cách khác, chuyến bay đó đã giúp tôi "thực hành” một bài học vô cùng thấm thía: Hãy sống như thể mỗi ngày là ngày cuối cùng. Hãy sống như thể mỗi chuyến bay là một chuyến bay cuối cùng. Sau này, mỗi khi ngồi trên một chuyến bay, tôi hay tự hỏi bản thân một câu: “Nếu chuyến bay này có sự cố gì và nếu nó là chuyến bay cuối cùng? Có điều gì khiến mình hối tiếc hay không?” Câu trả lời luôn rất thật: Đó là những điều mình chưa làm! Nhưng những gì thú vị nhất vẫn còn ở phía dưới.Thật ngạc nhiên khi việc khiến tôi đau lòng nhất và nuối tiếc nhất lại không phải vì “đại nghiệp” của tôi còn chưa thành, giấc mơ còn dang dở. Dù tôi yêu nó vô cùng, đam mê nó vô cùng. Điều này có thể vì tôi cũng đã sống rất hết mình rồi, tôi đã sống với ước mơ mỗi ngày rồi, nên không có gì phải nuối tiếc, kể cả khi nó thành hay chưa thành thì mình cũng đã rất tận hưởng con đường đó rồi! Việc chưa kịp làm khiến tôi hối tiếc trong thời khắc thập tử nhất sinh lại là những việc rất bình thường và dung dị trong cuộc sống này. Với tôi thì chỉ là ra phi trường vội quá mà quên ôm ba mẹ một cái. Hay là quên nhắn tin “anh yêu em” cho người bạn gái trước khi chông chênh ở độ cao 11.000 mét! Đó tuy là những suy nghĩ thoáng qua nhưng lại “in” rất sâu và rất đậm trong tôi. Dường như vào lúc đó, chỉ cần làm được như vậy, tôi đã cảm thấy rất mãn nguyện. Sự thật là, những điều tưởng như nhỏ nhặt đó mới thật sự quan trọng trong đời người. Bởi ở giây phút đó, người ta không còn tự lừa dối bản thân và sống với những ảo ảnh nữa. “Luôn xem mỗi chuyến bay là chuyến bay cuối cùng” là điều tôi hay tự nhắc mình trước mỗi chuyến công tác. Mỗi chuyến bay như một cột mốc để “kết nối” với cái chết. Để cái chết nhắc nhở tôi về cách mình đang sống. Để cái chết nhắc tôi rằng ngày hôm nay điều gì là quan trọng nhất, điều gì là điều mình cần làm ngay bây giờ? Phải sống thế nào để cảm nghiệm được sự trân trọng và biết ơn cuộc đời này? Chúng ta có thể còn quá trẻ để chết, nhưng chúng ta cần phải đủ thông minh để nghĩ đến cái chết. Vì vậy sau sự cố đó, tôi đã hình thành nên một thói quen: Luôn ôm ba mẹ trước mỗi chuyến bay. Cho đến thời điểm viết nên những dòng chữ này, tôi đã thực hiện được với 100% chuyến bay xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh (nghĩa là tôi có di chuyển từ nhà ra sân bay). Nhờ vậy tôi thoải mái tận hưởng chuyến đi đến những phương trời khác. Tôi cảm thấy an lòng để tiếp tục hành trình và sứ mệnh của mình. Giờ đây bắt đầu mỗi chuyến đi, tôi luôn mỉm cười khi ra phi trường. Và nếu bạn cũng đang mỉm cười khi đọc đến dòng chữ này, hãy quan sát lại cuộc sống, thói quen của mình mỗi ngày. Hãy nhận ra những gì mình cần làm, dù nhỏ nhưng thật ý nghĩa, mà thật ra với những người thân yêu thì không có hành động nào là “lớn” hay “nhỏ” cả. Hãy luôn tự nhủ mình câu thần chú: “Nếu đây là lần cuối cùng (làm một điều gì đó) thì bạn cảm thấy thế nào?” Tự nhắc mình bằng câu hỏi đó giúp chúng ta có thêm sức mạnh để sống tỉnh thức trong hiện tại! “Bởi điều quan trọng nhất bây giờ là sống làm sao để sau này không phải hối tiếc gì cả. Hãy kết nối với cái chết của mình. Để cái chết nhắc nhở chúng ta về cách sống. Chúng ta có thể còn quá trẻ để chết, nhưng chúng ta cần phải đủ thông minh để nghĩ đến cái chết.” –Trích sách "Trước Bình Minh Luôn Là Đêm Tối" - TMT Tạ Minh Tuấn Chủ tịch TMT Group, YUP Education Forbes 30 under 30 Asia, thành viên ban chuyên môn Group Quản trị và Khởi nghiệp