Từ hôm qua giờ mạng xã hội lại ồn ào về vụ bốc thăm vô trường mẫu giáo nào đó ở Hà Nội. Nghe nói, số học sinh đăng kí vô trường nhiều gấp đôi số khả năng tiếp nhận của trường, nên nhà trường mới “phát minh” ra phương pháp bốc thăm, thay vì thi tuyển. Theo tôi, nếu số đăng kí nhiều gấp đôi khả năng tiếp nhận, thì việc phải chọn hình thức nào đó để tuyển chọn người được vô là chuyện cần làm. Đây là lớp mẫu giáo, không lẽ tổ chức thi môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, hay môn kinh tế chính trị Mác Lê nin, Toán Hóa Sinh, Toán Lí Hóa, hay Văn Sừ Địa? Hay duyệt xem nhà nào có thể đóng góp sổ vàng nhiều hơn? Nói tóm lại, trong khuôn khổ của một ngôi trường mẫu giáo, việc bốc thăm tuyển chọn học sinh vô học có thể là giải pháp ít tiêu cực nhất. Hãy đừng phê phán ngôi trường, cũng như các thầy cô tại đó. Họ cũng là bị bắt buộc phải chọn ra một giải pháp nào ít xấu nhất trong các giải pháp mà thôi. Mà cũng không thể trách cha mẹ các cháu tham gia bốc thăm. Hãy hỏi những nhà hoạch định chính sách, rằng tại sao không có đủ trường để các cháu vô học. Hay tại sao lại có trường tốt hơn, trường xấu hơn, trường thu nhiều tiền hơn, trường thu ít tiền hơn cho cấp bậc đầu tiên của các cháu khi đến trường. Nhà nước đã làm gì khi đưa ra qui định phổ cập giáo dục? Có cấp đủ ngân sách để xây dựng trường lớp chưa? Có chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chưa? Mà thôi, chuyện quản lí nhà nước của cái xứ nào đó thì vốn dĩ nó đã là vậy, thắc mắc coi chừng đi tù. Thôi thì chúng ta cứ chịu khó chơi trò xổ số vậy. Từ đời ông đời cha đã chấp nhận trong nhờ đục chịu, mọi việc để cho họ lo, thì việc bốc thăm may rủi của các cháu hôm nay có là gì đâu.