Trong quá trình đi đào tạo hướng nghiệp và chia sẻ kỹ năng cho sinh viên, tôi thường bảo 1 công việc tốt thường được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính: “Lương – Môi trường và Chế độ.” Tạm không bàn về lương, bữa nay tôi sẽ bàn về môi trường, chế độ và triết lý cục kẹo. Triết lý cục kẹo đại khái thế này: “Khi bạn cho ai đó một thứ gì quá thường xuyên, nhiều khi họ không nghĩ đó là một món quà mà họ nghĩ đó lại là bổn phận, là trách nhiệm mà bạn phải làm cho họ. Đến một ngày, khi bạn không cho họ thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt. Cũng như với 1 đứa trẻ, dù bạn có cho nó kẹo mỗi ngày, nó sẽ chỉ nhớ duy nhất ngày mà bạn đã không cho.” Triết lý tưởng như đơn giản này lại là một thực trạng xảy ra thường xuyên trong rất nhiều doanh nghiệp. Ví dụ: CHUYỆN VỀ TRỄ CỦA NHÂN VIÊN Hầu như bất cứ vị sếp nào cũng thường khuyên bảo nhân viên “Hãy làm nhiều hơn, hãy đi sớm hơn, hãy về trễ hơn”, nhưng họ không hiểu rằng, về trễ không có nghĩa ngày nào cũng phải về trễ, mà chỉ khi nào có nhiều việc, thì mới cần sự hy sinh thêm giờ làm của nhân viên. Và khi người nhân viên hôm ấy về trễ, chấp nhận bỏ thời gian dành cho gia đình, làm ngoài giờ để hoàn thành công việc, cần được ghi nhận và khích lệ. Tiếc thay, trong nhiều doanh nghiệp, nhiều vị sếp lại xem đó là việc bình thường, và việc nhân viên về trễ mỗi ngày là trách nhiệm phải làm. Họ hiểu sai, hay cố tình hiểu sai sự CỐNG HIẾN TỰ NGUYỆN trở thành NGHĨA VỤ ÉP BUỘC. Và lâu dần, chính điều đó giết chết sự hào hứng, tự nguyện cống hiến nơi nhân viên vì mỗi ngày chính họ đang phải làm thêm giờ và “cống hiến” liên tục ngày này qua ngày nọ như một việc phải làm dù không muốn. Tôi từng làm việc trong rất nhiều doanh nghiệp, nhờ đó may mắn trải nghiệm khá nhiều môi trường khác nhau. Đa phần, các doanh nghiệp nước ngoài xây dựng môi trường khá thoải mái. Họ thích đánh giá năng lực của nhân viên thông qua KẾT QUẢ, không cần câu nệ quá nhiều về quá trình và hình thức. Còn doanh nghiệp Việt lại thích quản lý dựa trên 2 từ TRÁCH NHIỆM đầy nặng nề và áp lực. Bạn đi trễ, ok, giải trình, kỷ luật, trừ lương. Ở lại làm thêm giờ, đó là việc của bạn. Khi đó, nếu bạn là nhân viên, liệu bạn sẽ muốn về đúng giờ hay về trễ để làm thêm? Chưa kể, một số sếp tạo áp lực vô hình lên nhân viên bằng cách tỏ vẻ không hài lòng khi bạn về đúng giờ, hoặc khó chịu khi bạn muốn nghỉ phép dù nó nằm trong chế độ và quyền lợi của mỗi nhân viên mà bạn đáng ra được hưởng. Kết quả, đến cuối năm bạn vẫn dư cả chục ngày phép vì không được duyệt nghỉ, thì liệu bạn có muốn gắn bó lâu dài? Tôi còn nhớ có 1 dạo, 1 tấm hình chụp trên facebook về lời nhắn nhủ của 1 người sếp dành cho nhân viên của anh ta, đại khái là “HÃY RỜI VĂN PHÒNG ĐÚNG GIỜ” đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. Các sếp nhà ta khen hay, kháo nhau rằng đây là lời nhắn nhủ mang đầy tính nhân văn và đua nhau học hỏi, phải mang về áp dụng cho công ty mình. Thế nhưng, nói là 1 chuyện, làm lại là 1 chuyện khác. Cũng như "Hiểu" và "Biết" là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Tiếc là đa số chúng ta thì thường thích gom lại thành “hiểu biết”, từ đó dẫn đến tìm hiểu cái gì cũng tìm hiểu nửa vời, học hỏi cái gì cũng học hỏi không đến nơi, và thường tạo ra hậu quả thay vì kết quả. Với lượng công việc giao nhiều hơn, áp lực hơn thì việc nhân viên rời khỏi văn phòng đúng giờ là điều hoàn toàn không thể. Và khi nhân viên về trễ, thì các sếp lại đưa lý do rằng, do tụi em không quản lý thời gian hiệu quả, không phân bổ công việc hợp lý (vốn nhiều đến mức 4 chữ “công việc ngập đầu” trở thành quen thuộc), nên về trễ là đúng chứ tụi anh... đâu có muốn. Tóm lại, lỗi do nhân viên, không phải lỗi sếp. Chả biết lỗi do ai, chỉ biết, một ngày đẹp trời, nhân viên thập thò nộp đơn xin nghỉ, lại tuyển đứa mới. Ở cương vị một nhà quản lý nhân sự có TÂM, có bao giờ chúng ta tự hỏi: “Tại sao, trong một số doanh nghiệp, có những người gắn bó hàng chục năm, thậm chí cả cuộc đời. Lại có những công ty, thay máu nhân sự liên tục. Lỗi do nhân viên, hay do quản lý???”