TẦM NHÌN VÀ TƯ DUY CÔNG NGHỆ KIỂU VIỆT NAM

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Bằng Mã, 26/5/17.

  1. Bằng Mã

    Bằng Mã Member

    Mặc dù tôi rất thích Bill Gates nhưng tôi cũng hay nói rằng nếu đưa Bill về Việt Nam thì không biết ông ấy có làm nên trò trống gì không, hay là thất bát rồi kéo dài lê thê cuộc đời trong nỗi chán chường thất bại. Sau mười mấy năm dính chặt với công nghệ, thành công có, thất bại có, tôi thay đổi rất nhiều trong cách nhìn về công nghệ thông tin ở Việt Nam. Nếu chúng ta không thích ứng với môi trường này, nhất định sẽ thất bại đến không ngóc đầu lên nổi. Bởi vì không có ở đâu trên thế giới lại sản sinh ra một môi trường công nghệ thông tin (CNTT) kì lạ như ở mảnh đất hình chữ S này. Có rất nhiều cái tệ hại cần phải thay đổi. Nhưng nếu nhìn với tư duy phân tích để tìm ra cơ hội trong hỗn loạn thì rõ là những ai có tư duy và am hiểu văn hóa Việt Nam trong bối cảnh này sẽ là người nắm trọn lấy thời cuộc.

    Bởi vì như tôi đã nói, tất cả những thành tựu nho nhỏ của tôi đều gắn với CNTT, đặc biệt là internet nên tôi sẽ dành khá nhiều thời gian phân tích về chủ đề này. Tôi thực sự phải rất cố gắng để viết thật đơn giản, dễ hiểu vì tôi biết không phải ai cũng có sự tiếp cận như nhau về công nghệ, nhất là phía hậu trường của công nghệ thông tin là thứ chẳng hấp dẫn gì cho lắm. Ôi thôi các dòng code, các con số, máy móc và những thuật ngữ, thuật toán; đặc biệt là các định nghĩa công nghệ thông tin là thứ mà nếu không phải dân trong nghề thì thật là quá kinh khủng để hiểu rõ.

    Tôi ví dụ dạo gần đây tôi thấy rất nhiều người ùn ùn đi đầu tư Bitcoin gì đó, ở nhiều quán cafe tôi thấy họ bàn tán xôn xao cứ như am hiểu Bitcoin ghê lắm vậy. Tôi sợ rằng những người mà từ sáng tới tối cứ ra rả nói về Bitcoin đó thực chất lại chẳng hiểu Bitcoin là cái thứ quái quỉ gì. Hôm bữa nghe nói “Bitcoin” đã len lỏi về tới làng nhà tôi, vợ tôi vội vã gọi cho cô bạn thân làm ngân hàng, định dặn dò đừng có đầu tư rồi mất tiền oan. Nhưng đầu dây bên kia cô bạn thất vọng: “Mày nói muộn quá rồi, tao đã mất hết hơn 10 triệu!”. Họ mất tiền và rồi sợ hãi Bitcoin cứ như rằng Bitcoin là con quỷ hút máu họ vậy!

    Tôi thì hiểu rõ tiền ảo Bitcoin chẳng có tội tình gì, tội tình nằm ở mấy ông bày ra cái trò vớ vẩn rồi lợi dụng khái niệm tiền ảo Bitcoin để che mắt những người không biết và hám lợi. Chính những kẻ như vậy đã làm cho khái niệm Bitcoin sai lệch hoàn toàn trong mắt những người lần đầu tiếp cận. Một tiến bộ của công nghệ lại là thứ bị lợi dụng để làm những điều đi ngược lại với sự tiến bộ.

    Bên trên là một ví dụ để chúng ta thấy rằng một thứ gì đó là cách mạng công nghệ trên thế giới có thể bị chà đạp ở Việt Nam như thế nào.

    Trong case study này, tôi muốn phân tích rõ hơn về tầm nhìn và tư duy công nghệ kiểu Việt Nam để những ai khởi nghiệp tại đây nếu thực sự quan tâm và muốn ứng dụng công nghệ thì sẽ có một góc nhìn hoàn toàn khác. Tôi không cho rằng mình hoàn toàn đúng, nhưng chúng ta cứ thử xem xét về những vấn đề nhức nhối mà tôi sẽ đề cập sau đây thử coi sao, biết đâu sẽ có thể giúp chúng ta khỏi tiền mất tật mang vì thiếu hiểu biết về...công nghệ made in Viet Nam.

    THỨ NHẤT, PHẢI HIỂU RÕ MẶT BẰNG CÔNG NGHỆ Ở VIỆT NAM CỰC THẤP

    Trong phần trước của case study này,, tôi từng nhắc tới Data center (trung tâm dữ liệu) “cùi bắp”, khái niệm lạ quá, thế giới chắc họ cũng chẳng biết nó là gì. Tôi tạm miêu tả như thế này: một cái phòng máy lạnh cà tàng với những case PC đặt ngổn ngang, nối mạng và nghiễm nhiên trở thành Data Center! Nếu bạn nào hiểu rõ khái niệm Data Center sẽ rất ngạc nhiên vì làm gì có cái Data Center nào trên thế giới kiểu như vậy, chẳng có tiêu chuẩn tối thiểu nào! Nhưng tôi đã từng làm việc ở những nơi như thế, tất nhiên ngày nay thì nó đã khác!

    Setup công nghệ kiểu “con nhà nghèo” như thế rõ ràng là chỉ có ở Việt Nam! Nhiều người sẽ lấy lí do chúng ta nghèo thì phải phát triển từng bước kiểu như vậy. Nhưng theo tôi thì có những thứ không thể “tiết kiệm tiền” theo cách khôn lỏi. Đã không bước vào lĩnh vực này thì thôi, đã bước vào thì phải tiến hành một cách bài bản, đàng hoàng.

    Khi tôi nói mặt bằng công nghệ ở Việt Nam cực thấp, tôi không có ý xúc phạm gì tới ai, tôi chỉ nêu lên một thực trạng như vậy. Mà thực trạng thì nó chẳng phụ thuộc vào tôi hay vào bạn, nó đang là như thế! Chúng ta có nhìn thấy, có chấp nhận, có phân tích, có tìm kiếm cơ hội trong đó hay không mà thôi. Riêng tôi, tôi nhìn thấy thực trạng như vậy và vẫn đang tìm kiếm cơ hội trong mớ bòng bong này.

    Rất nhiều cao thủ CNTT thì phát triển ra thị trường nước ngoài vì họ thấy ở đó giàu tiềm năng hơn. Họ không có thời gian đâu để đoái hoài đến thị trường nội địa khó nhai với mặt bằng công nghệ tệ đến thế.

    Rồi nói đến chuyện ứng dụng CNTT vào khởi nghiệp, kinh doanh. Câu chuyện này thì đúng là cười ra nước mắt. Hầu như hiện nay thì tôi thấy doanh nghiệp nào cũng có website, đẹp có, xấu có, rẻ tiền có, đắt tiền có, nhanh có, chậm có...nhưng phần rất lớn các website đang ở tình trạng không có người truy cập. Giống như bạn xây nhà rồi không ai ở, không ai viếng thăm, nó mốc meo, như nhà hoang vậy thôi. Tôi hay đùa phải lập một nghĩa trang website để cho thuê, chắc đông khách lắm! Trên mạng thì chắc Việt nam là số 1 về Marketing Online luôn ấy chứ, ở đâu đâu cũng thấy Marketing Online, nhưng gần như 100% là dạy Marketing Online, thế mới chết! Marketing Online phát triển rầm rộ như vậy mà vẫn tạo ra một nghĩa trang website thì đúng là lạ thật! Tôi thấy thầy Marketing Online đông còn hơn là quân Nguyên, vậy sao không thấy ai làm được cái gì cho thực tế giúp một chút. Đọc chỗ nào cũng thấy những từ ngữ hoành tráng, cao siêu, hiệu quả ghê lắm nhưng cuối cùng thì đó chỉ là từ ngữ mà thôi!

    Rồi nói đến chuyện rất cơ bản của một doanh nghiệp đó là phần mềm quản lý bán hàng (POS) chẳng hạn mà cũng lắm chuyện để nói ở Việt Nam. Tôi đã từng có cơ hội làm việc với nhiều doanh nghiệp về vụ này và đúng là cười ra nước mắt thật. Có ông chủ tịch hội đồng quản trị của một vài nhà hàng không biết google hay nghe ai nói mà nhất quyết phải sử dụng phần mềm gọi món Online (Cloud) mới chịu, gọi món bằng tablet, smartphone hẳn hoi. Triển khai online thì tất nhiên cũng được thôi, cũng hạp thời đại đó, nhưng phải hiểu là phải đầu tư hạ tầng rất khủng mới được. Nào là máy chủ, nào là đường truyền, nào là thiết bị, nào là app system phải tối ưu, xử lý phải cực tốt, bởi triển khai online đòi hỏi rất nhiều thứ. Tôi từ chối tư vấn triển khai, họ cũng cố mua phần mềm Cloud của đơn vị nào đó để xài. Mỗi khi khách đông thì hệ thống chứ đơ lên đơ xuống không biết kêu ai, bây giờ hình như hệ thống nhà hàng đó chán nản lắm chuyển về xài kiểu tạm bợ như xưa rồi!

    THỨ HAI, PHẢI ĐẶT DẤU HỎI VỀ SỰ TÔN NGHIÊM TRONG NGÀNH CNTT VIỆT NAM

    Rồi vì trình độ công nghệ thấp nên khi doanh nghiệp đi thuê ngoài hoặc sử dụng dịch vụ công nghệ thì không xem xét những cam kết cũng như chuẩn mực đạo đức của các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT. Ở Việt Nam đáng tiếc tôi phải nói thẳng là có quá nhiều công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT làm ăn chẳng đâu vào đâu. Hơn 10 năm nay, cực chẳng đã tôi mới mua tên miền quốc gia ở các đơn vị trong nước, còn lại thì cứ chơi với các công ty uy tín ở nước ngoài cho nó lành. Tất nhiên ở đâu thì cũng có ngon có dở, nhưng cái quan trọng là sự mập mờ của các doanh nghiệp trong nước khiến tôi cảm thấy muốn tránh xa. Vừa rồi tôi có đọc một bài phân tích rất sâu sắc nói về việc các công ty bán phần mềm quản lý bán hàng Cloud sẵn sàng luộc chín dữ liệu kinh doanh của khách hàng để phục vụ mục đích riêng. Tôi e là việc đó có thật!

    Nhiều cái để nói lắm nhưng tạm nói về vài thứ như vậy để chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về CNTT, đặc biệt là Thương mại điện tử Việt Nam. Hiện nay thì đã “đỡ” lắm so với trước rồi đấy mà vẫn còn đầy rẫy vấn đề như vậy! Nhưng tóm lại tôi thấy vấn đề không nằm ở Công nghệ, vấn đề nằm ở con người, dường như khôn lỏi và sẵn sàng làm chuyện xấu là đặc tính của chúng ta vậy! Chúng ta không chịu làm kinh doanh để ngẩng mặt mà làm kinh doanh kiểu cúi mặt, có kiếm được bao nhiêu chăng nữa thì cũng thật thảm hại! Sự tôn nghiêm không có thì mãi mãi tầm vóc sẽ chỉ ở mức độ trọc phú mà thôi.

    THỨ BA, CHÚNG TA RẤT NGẠI HỌC VỀ CÔNG NGHỆ Ở MỨC KIẾN THỨC NỀN

    Tôi thấy giờ đây cứ mì ăn liền là các doanh chủ, quản lý, các bạn khởi nghiệp...thích lắm. Cái tool nào sử dụng nhanh kiếm xu là ào ào đi học. Khóa nào mà thiên về ứng dụng thì đông thôi rồi luôn. Nhưng để tư duy, ứng dụng CNTT có chiều sâu và lâu dài, chúng ta buộc phải có kiến thức nền tảng về công nghệ.

    Nhiều bạn hay vặn tôi rằng Jack Ma là giáo viên tiếng Anh thôi vẫn có thể dựng nên một công ty bự đến thế. Tôi cá với bạn rằng Jack Ma đã học về CNTT hơn cả một tiến sĩ CNTT luôn ấy chứ, trong suốt quá trình dựng nghiệp của ông ấy.

    Quan điểm của tôi luôn là phải học căn bản, học cơ bản, học bài bản thì mới có cơ may trở thành cao thủ được. Đáng tiếc là chúng ta vội kiếm tiền quá!

    Năm 2004, lúc đó tôi mới thực sự nhìn thấy sức mạnh của Internet, rồi từ đó suốt hơn mười mấy năm nay, tôi chưa bao giờ thôi học về Công nghệ. Ban đầu, nó khá khô khan, nhưng dần dần, nó trở nên thú vị, rồi càng gắn bó, CNTT có gì đó thật lãng mạn! Bởi vì nó cho phép chúng ta mơ về những giấc mơ hoang đường nhất.

    NHƯNG DÙ NÓI THẾ NÀO, TÔI VẪN CHO RẰNG ỨNG DỤNG CNTT LÀ QUAN TRỌNG SỐ 1 ĐỂ KHỞI NGHIỆP

    Quay lại câu chuyện “mảnh đất hoang” xe xích lô, nếu không có internet thì chắc chắn tôi không thể triển khai được. Bởi vì nhu cầu về dịch vụ và sản phẩm xích lô là có thật nhưng điểm khó là tôi thấy khách hàng sẽ không tập trung ở một nơi nào cụ thể (local business quá khó để triển khai), và rõ ràng trong quá trình kinh doanh tôi thấy đúng như vậy, khách hàng họ ở rải rác khắp thế giới. Dựa trên thực tế đó nếu triển khai kiểu truyền thống nhất định sẽ thất bại và thực sự thì cũng không có giải pháp để tiến hành marketing và bán hàng theo kiểu cũ.

    Internet mở ra một cơ hội cho xe xích lô. Sự kết hợp giữa đất hoang và sức mạnh internet đã tạo thành một con đường thênh thang. Khách hàng và doanh nghiệp của tôi kết nối lại với nhau thật đơn giản. Tôi không tốn quá nhiều chi phí cho marketing bởi không có đối thủ cạnh tranh, tuyệt nhiên không có bất kì ai làm!

    Bạn thấy đó, khi mọi thứ được xâu chuỗi lại với nhau thì sẽ tạo ra hiệu quả, chứ không phải sự nỗ lực, chiến đấu, cạnh tranh, chơi xấu nhau trên thương trường. Tôi thấy phần lớn chúng ta quá tham lam và cũng quá thiếu chiều sâu, thấy cái gì hot là nhảy ngay vào làm không chịu phóng tầm mắt ra xa hơn.

    Ngày 25/01/2013 tôi cho xích lô lên online, khách hàng và doanh nghiệp xích lô nho nhỏ của tôi vẫn cứ tìm thấy nhau một cách đơn giản như thế, nhờ CNTT.

    Thế nhưng giấc mơ triệu đô của tôi vào xích lô vẫn chưa có lối ra, vẫn chưa thể tìm ra chìa khóa để đưa xích lô vươn cao vươn xa.

    Trong các phần sau, dần dần tôi sẽ miêu tả rõ ràng làm thế nào một startup nho nhỏ vớ vẩn kiểu xích lô có thể nhờ Internet mà biến thành doanh nghiệp triệu đô.

    Cảm ơn các bạn đã đọc.

    Link bài viết: TẦM NHÌN VÀ TƯ DUY CÔNG NGHỆ KIỂU VIỆT NAM
     
    Last edited by a moderator: 26/5/17
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng

Chia sẻ SEO tới mọi người