TĨNH NHƯ XỬ NỮ, ĐỘNG NHƯ THOÁT THỎ

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Khởi Nghiệp, 23/8/17.

  1. Chuyến đi San Fransico này của tôi nhằm mục tiêu "chào sàn" một số doanh nghiệp mà tôi đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Một người bạn dặn tôi "ở New York, anh hãy mặc đồ lớn (suits), còn ở San Fransico thì ngược lại, hãy mặc thật thoải mái"...Nhưng dù cách thức ăn mặc có khác nhau, có một điểm chung giữa New York và San Francisco, đó là tốc độ và độ lớn của các thương vụ đầu tư vào start-ups. Điều đáng ngạc nhiên là, cho dù các công ty công nghệ của chúng tôi còn quá nhỏ so với mức độ để được quan tâm, các đối tác tiềm năng của chúng tôi đều đồng ý với cách nhìn của chúng tôi về chiến lược phát triển các công ty này.

    [​IMG]

    Trong mười lăm năm vừa qua, tôi đã đầu tư vào khoảng gần 20 doanh nghiệp "khởi nghiệp" (không phải start up). Tôi mất 7 năm để xây dựng doanh nghiệp đầu tiên thành công trong M&A, các doanh nghiệp sau thường mất khoảng 3 năm để đạt giá trị lọt vào tầm radar của các đối tác M&A khác (trong lĩnh vực mà tôi đầu tư, thông thường các công ty sẽ lọt "tầm radar" khi giá trị công ty đạt khoảng 5 triệu đô)

    Tôi học được điều gì trong quá trình xây dựng "micro VC" (công ty đầu tư mạo hiểm mi-ni) của mình?

    Đó là sự thú vị giữa "nhanh và chậm"!

    Các công ty thành công thường " chậm rãi" trong chiến lược phát triển. Nó kiên trì với chiến lược ban đầu, không vì "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào". Thời gian để một chiến lược phát triển cho thấy kết quả phải mất ít nhất hai năm (theo kinh nghiệm của tôi). Trong khoảng thời gian đó, nó vừa phải tập trung phát triển sản phẩm, phát triển bộ máy và nhân lực (một bộ máy cũng mất khoảng hai năm để có thể vận hành trong hình hài của một tổ chức gắn kết) vừa phải bán hàng. Đừng quan tâm đến truyền thông, đến thương hiệu hay quảng bá ở giai đoạn đó. Đó là giai đoạn vô danh của công ty, và chính sự vô danh sẽ là chiếc nôi ủ cho nó lớn. Có thể các bạn không tin, nhưng những dự án thành công hoặc "nổi" quá sớm ở giai đoạn này lại là mối nguy hiểm cho công ty trong tương lai. Truyền thông, thương hiệu, quảng bá nên tập trung vào trong nội bộ của công ty chứ không hướng ra bên ngoài. Tôi hay đùa đó là giai đoạn Địa Tạng Vương của công ty "ẩn nhẫn bất động như đại địa, tịnh lự thâm mật tựa bí tạng". Kiên trì, bình tĩnh và chăm chỉ là phương châm quan trọng ở giai đoạn đầu.

    Nhưng các công ty thành công cũng rất "nhanh" trong việc triển khai chiến lược. Nó không vội vàng, nhưng hành động quyết liệt, hay nói như Steve Balmer, vị CEO của Microsoft là "carpe diem"-"seize the day"-túm ngay lấy cơ hội, không để một ngày lãng phí. Người Trung Quốc hay nói "sư tử vồ thỏ cũng dùng toàn lực"- cho dù chưa phải là sư tử, thì cũng phải dùng toàn lực để vồ những chú thỏ, những cơ hội nhỏ xuất hiện hàng ngày. Nếu có đủ thời gian để suy xét, bạn sẽ thấy sự nghiệp của bạn có thể bắt đầu từ những cơ hội rất nhỏ. Công ty đầu tiên của tôi được lựa chọn vì tôi chọn đúng nhà hàng mà một vị chủ tịch tập đoàn toàn cầu ưa thích, công ty thứ hai tôi có thể bán cho một công ty công nghệ hàng đầu thế giới ở thời điểm đó vì một người bạn trên mạng giới thiệu, công ty thứ ba do nhân viên của tôi giới thiệu với một chuyên gia, công ty thứ tư do người cùng đầu tư với tôi ở công ty của vị chuyên gia kia mời...những cơ hội trong kinh doanh xuất hiện hàng ngày, và khi dùng toàn lực để vồ lấy nó, bạn có thể quyết định rất nhanh xem có đáng theo đuổi nó hay không. Chậm chạp, hời hợt trong việc túm lấy các cơ hội nhỏ hàng ngày sẽ hạn chế cơ hội phát triển nhanh của bạn.

    Vậy những công ty như thế nào thường không thành công? Cũng "nhanh" hay "chậm"

    Những công ty không thành công là những công ty không kiên trì với chiến lược phát triển, khi gặp những khó khăn đầu tiên thì lập tức thay đổi chiến lược, chạy đi theo những chiếc bánh vẽ có vẻ hào nhoáng, những cơ hội nhất thời. Áp lực của việc kiếm tiền để tồn tại khiến họ sa vào những dự án vặt vãnh đem lại những lợi ích ngắn hạn, với hi vọng "lấy ngắn nuôi dài", nhưng mải mê trong cái "ngắn", lâu dần họ quên đi cái "dài" trong tư duy của thủa ban đầu. Hơn ai hết, tôi hiểu áp lực của việc không có khách hàng, không có doanh thu nhưng cuối tháng phải đóng tiền văn phòng, tiền lương nhân viên, tiền trả nhà cung cấp...nhưng tối đến, đừng quên nghĩ xem dù khó khăn thế nào mình cũng phải nhích vài bước về hướng đã chọn.

    Những công ty không thành công cũng là những công ty "tà tà" trong việc triển khai chiến lược. Khi lãnh đạo công ty cho rằng ngày làm việc của họ kết thúc vào lúc 5h chiều và tuần làm việc dừng lại vào buổi chiều thứ 6. Là chủ một doanh nghiệp (cho dù một phần) nhưng họ làm việc như một công chức được trả lương tháng. Nỗ lực để xây dựng ownership trong tư tưởng của họ dội lại bởi sự thoả mãn của những thành công ban đầu hay của ảo tưởng rằng dù thế nào thì công ty VC cũng không để cho họ chết. Cho dù chiến lược có đúng đắn, nhưng tư tưởng cứ tà tà mà hành động thường thủ tiêu động lực phát triển, dẫn đến việc công ty bị những đối thủ cạnh tranh khác vượt lên hoặc chịu cảnh "mãi không chịu lớn".

    Cho nên, thành hay bại cũng nằm ở trong thái độ của chúng ta trong công việc, nhanh cái cần nhanh mà chậm cái cần chậm, "tĩnh như xử nữ, động như thỏ chạy" là vậy.
     

    Các file đính kèm:

    • tinh.jpg
      tinh.jpg
      Kích thước:
      44.1 KB
      Đọc:
      249
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...