Chuyện kể rằng, Thương Ưởng khi bắt đầu làm quan ở Nước Tần, đã sai quân dựng một cây gỗ dài ba trượng ở phía Nam Thành và nói với dân chúng: ai mang được cây gỗ này đến cửa phía Bắc thì ta thưởng mười lạng vàng. Việc rất dễ, nhưng không ai làm, vì các quan toàn chỉ nói mà không làm quá nhiều rồi; dân không tin, chỉ đứng bĩu môi cười trừ, cho là trò hề. Điều này sau đó Mác – Lê Nin Giải thích: “ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội”: Tồn tại xã hội như thế nào thì nó phản ánh ở ý thức như thế; Nước Tần lúc đó hỗn loạn, dân cướp bóc của nhau hàng ngày, quan thì đục khoét và tham nhũng; dân có tội thì chết, quan có tội thì chỉ cần “tự răn mình”. Thấy chẳng ma nào thèm làm, Thương Ưởng tăng mức thưởng lên 50 lạng vàng. Có một người đã thử vận may, vì biết đâu không được vàng cũng được mang gỗ về làm củi. Thương Ưởng lập tức ban thưởng đúng như mình đã nói; đồng thời, tuyên bố Ban hành bộ pháp chế lần thứ nhất của Nước Tần: Ai có công thì thưởng, có tội thì bị phạt. Thưởng từ "lá cây, ngọn cỏ” trở lên không phân biệt sang hèn; phạt thì phạt từ vương hầu khanh tước phạt xuống, không có vùng cấm. Trong nỗ lực duy trì lề lối của mình, Thương Ưởng đã định tội đến cả Thái Tử, điều mà thời bấy giờ nghĩ còn chưa dám chứ không nói là làm. Lòng tin của dân ngày càng cao, từ đó người Tần đều theo lệnh; người ngoài đường không nhặt của rơi, trong núi không có trộm cướp, nhà đủ người no, Nước Tần lớn mạnh. Cốt chuyện lấy nguồn từ wikipedia. Tôi có thêm chút "mắm muối" chỗ học thuyết của Mac - Lê và vài câu từ khác do biết thêm chút lịch sử thời bấy giờ. ............ Mình thích cách mà Thương Ưởng đã “LAUNCHING” bộ pháp chế của ông Anyway, nhưng cái quan trọng hơn rút ra từ bài học này cho quản lý đất nước hay doanh nghiệp là: Mọi thứ nên làm theo điều luật và quy định. Khi làm theo luật, thì bạn phạt người ta, người ta không oán, bạn thưởng người ta, người ta không phải hàm ơn. Nếu bạn muốn nhân viên của mình hàm ơn khi bạn thăng chức, tăng lương... cho họ, thì khả năng lớn là họ sẽ oán giận khi bạn giáng chức hay trừng phạt… vì đơn giản, nó không được vận hành theo “những điều đã quy định”. Hồi còn làm việc ở công ty của Mỹ, tôi thấy nhân viên không ghét hay trách cứ Sếp khi bị phạt và cũng không hàm ơn khi được thưởng hay thăng chức. Các lãnh đạo của công ty này cũng không hề biểu hiện có tý mong muốn nào về việc nhân viên của họ cần hàm ơn họ. Tôi nhớ có lần thấy cần cảm ơn cấp trên nên đã nói: Thank you for the bonus, anh ấy trả lời: there is nothing to do with me, it is all on you, ý anh ấy là anh ấy chỉ làm theo quy định của công ty. Dĩ nhiên, sự cảm kích và ân tình cá nhân thì ai cũng có dù giữa sếp với mình hay đồng nghiệp với mình vì chúng ta đều biết trân trọng và ghi nhận tình cảm và sự giúp đỡ lẫn nhau, nhưng sẽ có vấn đề nếu nó được ''tích hợp" vào cơ chế chính sách trong quản lý vận hành đất nước hay tổ chức. Đừng để họ phải hàm ơn khi bạn thưởng, đừng khiến họ oán giận khi bạn trừng phạt, có phải là nguyên tắc quản lý đáng xem xét? Cơ chế "xin cho" có phải là một phần nguyên nhân làm gia tăng sự hàm ơn cũng như là vô ơn? Mời anh chị em cho ý kiến. Chúc cả nhà một tuần mới hiệu quả và nhiều niềm vui! Nguyễn Dương, Customer Experience Transformist, Former Country Director Singtel Vietnam