Nhân dịp đầu năm mới, xin mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc sau kỳ họp chiến lược của Công ty 3 ngày cuối năm vừa qua tại Quy Nhơn. Lần đầu viết bài chia sẻ, chỉ ước mong Việt Nam sớm có nhiều DN tầm cỡ toàn cầu hơn nữa. Xin các vị tiền bối, anh/chị/ em đừng ném đá nhé ^^ Thế giới đang chuyển động mạnh mẽ trong kỷ nguyên số - Thời đại của Vạn vật kết nối (IoTs). Cơ hội nhiều năm có một để các Doanh nghiệp Việt bứt phá trong 3 năm tới. Nếu như tài chính và dòng tiền được coi là máu và huyết mạch trong cơ thể doanh nghiệp, thì công nghệ ứng dụng trong quản trị hệ thống là hệ thần kinh trong toàn bộ cơ thể doanh nghiệp. Máu có thể lưu thông tốt nhưng hệ thần kinh yếu thì trên bảo dưới không nghe là chuyện tất yếu. Giống như não bộ thông thái còn chân tay tê liệt. Chúng ta vẫn tự hỏi tại sao và ngạc nhiên đến thán phục về tốc độ ra sản phẩm mới của Inditex (chủ sở hữu thương hiệu thời trang Zara). Chỉ chưa đầy 3 tuần họ đã ra được bộ sưu tập mới. Hàng ngàn cửa hàng của Inditex trên toàn cầu nhận những sản phẩm mới trung bình 2 lần 1 tuần. Chúng ta vẫn tự hỏi, tại sao gã khổng lồ Alibaba lại có thể xử lý khoảng 12 triệu gói đồ mỗi ngày với 26 ngàn nhân viên, trong khi Amazon xử lý khoảng 3 triệu gói đồ với 109 ngàn nhân viên. Câu trả lời chính xác có lẽ cần đến từ các ông chủ của 3 đế chế này. Nhưng điều dễ nhận thấy là các mô hình kinh doanh này đều ứng dụng công nghệ quản trị hệ thống sao cho việc ra quyết định được nhanh nhất, hệ thống vận hành đơn giản và tối ưu “khoảng trống” tốt nhất. Bối cảnh chung là vậy. Nhưng thực tế Chỉ số ứng dụng Công nghệ thông tin (ICT Index) của các doanh nghiệp Việt còn rất thấp. Ngay cả với các DN Lớn và SME chứ không riêng gì các DN SSE (siêu nhỏ, quy mô gia đình). Dệt may Việt Nam hay các ngành khác như nông nghiệp (Cà phê, gạo, rau củ quả…) vẫn đang nổi lên như một thương hiệu quốc gia trên thế giới. Kim ngạch XNK may mặc Việt Nam mỗi năm khoảng 30 tỷ USD, với 6.000 DN tham gia lĩnh vực này. Nhưng đa số mới chỉ là những DN sở hữu đội ngũ nhân công hùng hậu, chân đạp máy khâu cả ngày để nhận về những đồng thu nhập vô cùng thấp trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu mà các nhà tư bản Mỹ, Hong Kong, Châu Âu đang sở hữu. Những thương hiệu thời trang Việt nổi lên một thời như PT 2000, NinoMaxx, Việt Tiến, May 10 hay gần đây là chuỗi cửa hàng thời trang Canifa, ARISTINO cũng vẫn đang loay hoay bài toán xây dựng và quản trị hệ thống điểm bán trong nước, bao phủ thị trường nội địa. Chưa có thương hiệu và chuỗi cửa hàng thời trang Việt nào vươn ra được thị trường quốc tế từ nhiều năm nay. Để làm được điều đó không dễ dàng chút nào. Nhưng không có nghĩa là chúng ta bó tay đứng nhìn DN nước ngoài độc diễn sân chơi toàn cầu. Các DN Việt nói chung và các DN thời trang Việt Nam nói riêng đang đứng trước một cơ hội lớn nhiều năm có một để bứt phá lên dẫn đầu, nếu thật sự đầu tư nghiêm túc vào hệ thống quản trị ứng dụng công nghệ, khai thác dữ liệu lớn (Big Data), và tạo ra phương thức sản xuất mới (Platform) kết nối các nguồn lực xã hội đang hoạt động rời rạc, đơn lẻ trên toàn quốc. Khi đó, một ngày không xa trong vòng 10 năm tới, những doanh nhân Việt thế hệ 8X, 9X – những người tiếp xúc nhiều hơn về Internet và công nghệ - sẽ là ông chủ những tập đoàn hùng mạnh, sánh ngang với Inditex (Zara) của Ortega hay Alibaba của Jack Ma. Hãy cùng nghĩ lớn và hành động thật nhanh, tạo sự khác biệt ngay từ hôm nay để bứt lên dẫn đầu trong tương lai, thay vì cầu chúc cho nhau những lời hay ý đẹp nhân dịp mỗi đầu năm mới đến! (Chien Tran - Deputy CEO, K&G Vietnam Investment JSC)