TAXI TRUYỀN THỐNG, CHẾT HAY SỐNG?

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Người đưa tin, 6/11/17.

  1. Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm khi báo chí, truyền thông và cả mạng xã hội đều rầm rầm câu chuyện có thể coi là "cuộc chiến" giữa Taxi công nghệ và taxi truyền thống. Với kinh nghiệm thực tế của mình khi đang vận hành Taxi Media Việt Nam (Thương hiệu của Unique Ads, khai thác hoạt động quảng cáo trên Taxi truyền thống & Taxi công nghệ Grab, Uber), tôi xin chia sẻ một số điểm ngắn gọn để quý anh chị tham khảo thêm:
    1. Hoạt động kinh doanh của Taxi truyền thống có khó khăn hơn nhiều không?
    Câu trả lời là có, đặc biệt với các hãng taxi nhỏ tại các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Bởi Grab và Uber (gọi tắt là GU) là sản phẩm thay thế, hầu hết người dùng Taxi truyền thống là dân văn phòng, những người rất nhạy bén để cập nhật công nghệ, nên chắc chắn hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều.
    Tôi đã làm một khảo sát nhỏ bằng việc cứ lên bất cứ xe taxi truyền thống nào trong ngày từ Giảng Võ sang KS Pullman và ngược lại, tôi đều hỏi tài xế: "GU ra đời anh bị khó khăn hơn nhiều không?", hầu hết anh em trả lời là "Có" nhưng "chưa đến mức chết được, chỉ không kiếm được nhiều hơn trước thôi."
    Vì anh em taxi truyền thống chạy rất chăm và sẽ lui tới những điểm như bến xe, bệnh viện để đón khách không dùng công nghệ.
    Thế nhưng, các anh lớn (Hà Nội có Taxi Group), Mai Linh, Vinasun hay Vinataxi Vàng Hồ Chí Minh liệu có khó khăn?
    Có đấy nhưng cũng không đến mức sẽ chết tức tưởi đâu.
    Vì sao vậy?
    Vì các hãng này sẽ tập trung chạy sảnh tòa nhà và khách sạn, bệnh viện nhiều. Thường khách du lịch hoặc khách đi đoạn ngắn sẽ không gọi GU.
    Điểm mấu chốt quan trọng nữa mà nhiều người chưa nghĩ hoặc nhắc tới là thực tế Mai Linh hiện nay khai thác tại 53 tỉnh thành, như vậy Mai Linh chỉ bị mất, mà chính xác là giảm ở 3 tỉnh thành lớn nhất như kể trên. Trong trường hợp này, lượng xe lại được điều chuyển sang các tỉnh thành khác để tập trung kênh tỉnh, song song có tập trung cho hoạt động cho thuê quảng cáo để tăng doanh thu. Như vậy, là câu chuyện dịch chuyển thị trường mục tiêu, điều chỉnh chữ "Place" trong 4P đúng không nào?
    Tương tự, Vinasun và Vinataxi Vàng cũng như vậy nên câu chuyện thách thức và khó khăn thực sự là dành cho các hãng nhỏ chỉ có ở 3 tỉnh thành có GU và là câu chuyện "chia sẻ miếng bánh ngon" cho các ông lớn như đã nêu ở trên.

    2. Liệu Grab và Uber sẽ xưng vương?
    Câu trả lời chúng ta còn phải chờ đợi rất lâu nữa để có lời đáp. Bởi sự thực hiện nay trong trường hợp quy định nhà nước thông qua một số đề xuất bắt buộc để thắt chặt hoạt động quản lý GU:
    - Yêu cầu bắt buộc dán tem GU trên xe taxi công nghệ -> Lái xe GU chuyên nghiệp không ảnh hưởng nhưng lái xe làm thêm sẽ cảm thấy không thoải mái.
    - Khi đã bị dán tem, GU và Taxi truyền thống đều công bằng: Không đi vào phố cấm Taxi, giờ cấm -> GU mất lợi điểm cạnh tranh khá lớn.
    - Khi bị dán tem, GU cũng sẽ bị cấm vào các bãi xe sân bay để đón khách vì ở đó các hãng taxi truyền thống đã bao sân, nơi mà hiện nay GU đang kiếm rất nhiều tiền, có rất nhiều khách.
    - Yêu cầu lái xe đăng ký, đăng kiểm xe dịch vụ và thuộc quyền quản lý của các HTX -> Thủ tục phức tạp sẽ khó khăn hơn cho lái xe tham gia làm thêm, kiếm thêm.
    Chưa kể tới một số điểm như:
    - Việc tăng cước giờ cao điểm/mưa bão cũng sẽ đẩy người dùng lựa chọn taxi truyền thống vì người dùng hầu hết đều rất thông thái. Không chỉ có vậy, người dùng hiện có thói quen sử dụng GU khi có chương trình khuyến mãi.
    - Anh em lái xe bị trừ phí từ GU khá nhiều nên khi không còn được hỗ trợ sẽ không còn động lực để tiếp tục mưu sinh vì thực tế thu nhập bây giờ đã không còn cao như trước.
    - GU khó để có mặt ở tất cả 63 tỉnh thành phố trên toàn quốc vì nhu cầu sử dụng thường xuyên chỉ tập trung ở các thành phố trực thuộc trung ương.
    Đó là những thông tin tôi có được xin chia sẻ cùng quý anh chị em, để chúng ta có cái nhìn tổng quát hơn về hoạt động kinh doanh cũng như là cơ hội, thách thức của Taxi truyền thống và Taxi công nghệ, xin quý anh chị cùng góp ý, bổ sung thêm.
    Theo tôi thì đây không phải là cuộc chiến mà chỉ là câu chuyện chia sẻ thị phần cho một sản phẩm thay thế trên thị trường. Nó thật tốt cho người dùng chúng ta để taxi truyền thống cũng tự hoàn thiện dịch vụ của mình để đã tốt phải tốt hơn và tốt hơn nữa.
    Taxi truyền thống sẽ chỉ có thể chết khi con cháu các ông chủ trong tương lai đã quá giàu và chán chẳng buồn làm, lấy tiền đi chơi mà thôi.
    Phạm Ngọc Linh
    CEO & Founder Taxi Media Việt Nam.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng

Chia sẻ SEO tới mọi người