Ở góc độ người tiêu dùng, Uber hay Grab hay một ứng dụng kết nối nào khác trong tương lai chắc chắn có quá nhiều ưu điểm so với taxi truyền thống. Công nghệ phát triển nhanh khiến luật pháp không theo kịp cũng là chuyện bình thường, không chỉ ở Việt Nam. Cũng mừng là các nhà làm luật cũng tương đối cởi mở giúp người tiêu dùng Vn vẫn đang hưởng lợi từ Uber và Grab. Đề án thí điểm này chắc chắn sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Hành động vừa rồi của Vinasun vô tình đã giúp "educate" thị trường hơn nữa về các đối thủ. Một quyết định có vẻ hơi bộc phát và tuyệt vọng. Thị trường vẫn luôn có chỗ cho taxi truyền thống, có lẽ Vinasun mãi ngủ quên trên chiến thắng nên không kịp phản ứng gì từ khi Uber và Grab có mặt cách đây 3 năm. Ở góc độ nhà quản lý, một cách công bằng thì cũng đã đến lúc phải xét tới việc quản lý chung tổng số lượng xe taxi (cả truyền thống và công nghệ) có mặt trên đường. Uber, Grab bây giờ đã vượt ra khỏi nghĩa đen "kinh tế chia sẻ" rồi. Theo định nghĩa ban đầu thì hai ứng dụng này giúp kết nối người có nhu cầu đi xe và những "xe nhàn rỗi" đang có sẵn trên thị trường. Giờ thì đã khác xa, có người đầu tư mua thêm xe mới để chạy Uber và Grab. Tức là ít nhiều thì số lượng xe ô tô mới xuất hiện trên đường gia tăng đáng kể từ khi có Grab và Uber. Một số ý kiến cho rằng, song song đó nhờ Grab và Uber mà số người quyết định mua xe mới giảm đi? Chưa có thống kê rõ về hai con số này nên cũng khó kết luận. Tại TP HCM, theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ, đến năm 2020, số lượng taxi trên địa bàn không vượt quá 12.700 xe. Nhưng chỉ đến giữa năm 2010 thì số lượng xe đã tròm trèm cán mức đó (Số liệu của Sở GTVT). Dù đã có biện pháp khống chế nhưng lượng xe vẫn có tăng, chưa kể từ 2014 đến nay là lượng bổ sung của Grab, Uber, và các hãng xe dù lẻ tẻ. Xe đông vượt mức cho phép tất nhiên sẽ gây ra các vấn đề như thiếu bãi đậu xe, ùn tắc, đua điểm giành khách... Khi chưa có Uber/Grab thì có số lượng xe của các hãng truyền thống cũng đã được cho là cung vượt cầu. Ngoài vấn đề công nghệ, vốn là điểm khác biệt lớn nhất của hai mô hình Uber/Grab và taxi truyền thống, thì tất nhiên khi đã lưu thông xe ô tô trên đường thì Uber/Grab và taxi truyền thống cũng phải được đặt dưới sự quản lý công bằng. Một số tuyến đường cấm taxi, nhưng Uber/Grab hoạt động như taxi nhưng vẫn lưu thông thì rõ ràng là bất công. Tiện lợi cho người dùng là tất yếu, nhưng nếu nhà quản lý không có những động thái rõ ràng với tầm nhìn dài hạn, những hệ luỵ từ việc phát triển nóng của mô hình taxi công nghệ là khó tránh khỏi, nhất là với thực trạng hạ tầng giao thông tại Vn. Ở phía các hãng truyền thống, giờ kêu gào kiểu dán decal chắc chỉ có tác dụng ngược. Thay vào đó, họ cần tập trung 3 mục tiêu: một là lobby chính sách để tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, hai là cải thiện chất lượng dịch vụ phân khúc khách hàng không dùng công nghệ/ứng dụng, và ba là nhảy vào cuộc chơi công nghệ. Mục tiêu số 3 thì hiện tại Vinasun đã có apps và Mai Linh chuẩn bị có "xe ôm công nghệ". Cái này muốn thành công thì còn tuỳ thuộc vào sự cởi mở của lãnh đạo và khả năng săn team developer. Thực tế thì team Việt Nam dư sức xây được một hệ thống "gọi là chạy ổn" tương tự Uber/Grab, một người bạn kỹ sư người Việt của mình, hiện đang lead một team developer cho một startup công nghệ đình đám của Đông Nam Á khẳng định chắc nịch như thế. Tóm lại, muốn cạnh tranh với công nghệ thì chỉ có dùng trí tuệ công nghệ 4.0 chứ không thể dùng decal giấy màu được! Hình: Internet