Bạn đã biết: cảm xúc làm thúc đẩy hành động mua hàng của khách. Nhưng cảm xúc nào cần được tạo ra trong content? Cảm xúc là lĩnh vực đang được nghiên cứu, và nó là thứ phức tạp nhất của con người. Tạo ra cảm xúc là một nghệ thuật. Hiện chưa có công thức để tạo ra cảm xúc trong content. Nhưng định hướng về các loại cảm xúc - những cảm xúc làm tăng mạnh mẽ động lực mua hàng - sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong việc sáng tạo content thành công. Có những cảm xúc tác động trực tiếp đến quyết định mua hàng của khách như sợ hãi, tham lam, tự hào& kiêu hãnh (pride), yêu thương, cảm động, hi vọng, vị tha, đố kỵ. Những loại cảm xúc khác nếu không tác động trực tiếp cũng sẽ giúp gây ấn tượng với khách hàng, làm tăng sự nhận biết, ghi nhớ của thương hiệu. Do đó vẫn làm tăng đơn hàng. 1. Sợ hãi: có thể đánh vào cảm xúc sợ hãi của khách hàng, ví dụ như sợ ung thư khi dùng thực phẩm bẩn, sợ hàng giả hàng nhái, sợ bệnh tật, sợ xấu, sợ hại da, sợ mất tài sản, sợ mất tình yêu.... Và dĩ nhiên sản phẩm của bạn sẽ là vị cứu tinh giúp khách hàng xóa tan nỗi sợ hãi đó. Có nhiều bạn tạo được nỗi sợ hãi cho khách hàng đối với các đối thủ cạnh tranh, nhưng lại không thể nào chứng minh được SP của bạn không nằm cùng loại với đối thủ. Kết quả là khách hàng sợ luôn SP của bạn và đối thủ của bạn. Đây là một sai lầm khá phổ biến. Bạn nên nhớ sợ hãi và tức giận là 2 cảm xúc mạnh nhất của con người, vì đó chính là cảm xúc sinh tồn trong thế giới tự nhiên. 2. Tham lam: đánh vào lòng tham của khách hàng bằng cách: cho họ nghĩ họ mua được món hời, hoặc giá trị món hàng sẽ tăng lên trong tương lai. Món hời: thường là các chiêu khuyến mãi, giảm giá Giá trị tăng lên: thường áp dụng cho bất động sản ( ví dụ mua nhà hôm nay 1 tỉ, năm sau giá nhà tăng lên 2 tỉ), cổ phiếu, hay … bán hàng đa cấp. Tôi còn nhớ đa cấp có một câu chuyện về ống dẫn nước và tôi cũng được bạn bè rủ vào đa cấp với lí do: “bạn có muốn sau này không làm gì mà tiền vẫn vào túi không?”. Nhờ vậy mà đa cấp đã phát triển mạnh mẽ những năm qua. Theo tôi được biết thì những người giàu có nhất lại là những làm việc nhiều nhất, vì phần lớn họ đang làm việc họ đam mê nên họ không muốn dừng lại. 3. Yêu thương: những cảm xúc trong tình yêu khá mạnh mẽ, gần bằng với cảm xúc sinh tồn như sợ hãi và giận dữ. Do đó bạn thấy các chủ đề về tình yêu luôn được người xem quan tâm nhiều nhất, hầu như ở mọi độ tuổi, mọi giới tính. Đánh vào cảm xúc yêu thương: - Làm cho khách hàng yêu thích sản phẩm, thương hiệu. - Khách hàng sẽ có tình yêu, được yêu nhờ vào sản phẩm của bạn: như mỹ phẩm, dịch vụ làm đẹp, .. - Khách hàng thể hiện được tình cảm của họ cho người họ yêu nhờ vào sản phẩm của bạn. Như hoa, quà tặng, áo đôi, áo gia đình… hay các loại sản phẩm khác cho trẻ em ( tình mẫu tử) - Hoặc câu chuyện về tình yêu có sự hiện diện của sản phẩm: để khách hàng bồi hồi cảm xúc mỗi khi nhìn thấy sản phẩm, hoặc mỗi khi nghĩ đến câu chuyện tình yêu là nghĩ đến sản phẩm Ví dụ tôi đã viết 1 bài về áo đôi đoạn đầu như sau: -------------------------- Yêu từng phút, chứ không chỉ một lúc Yêu hết tim chứ không ngắn như phim Cùng buồn, cùng vui, cùng chia sẻ Cùng mặc áo đôi, thề yêu không bao giờ thôi --------------------------- 4. Tự hào: là trạng thái hài lòng, hãnh diện về những điều mà bản thân hoặc tập thể có được (mà người khác không có). Ví dụ trở thành người đầu tiên sở hữu iphone X tại việt nam, hoặc là người duy nhất sở hữu chiếc xe hạng sang của Toyota … Tự hào có thể không cần dựa vào những điều lớn lao, mà chỉ cần những điều bình dị như: bố mẹ thấy tự hào vì con ngoan, con biết chia sẻ, biết làm việc nhà, học giỏi.. Hãy cho khách hàng sự tự hào khi sỡ hữu sản phẩm của bạn 5. Cảm động: một câu chuyện cảm động có thể gây ấn tượng mạnh với khách hàng khiến họ sẽ mua hàng. Một lí do cảm động tại sao bạn lại bán sản phẩm này, cũng như quy trình nghiêm ngặt về chất lượng cũng sẽ khiến khách hàng hành động. 6. Hi vọng, vị tha, đố ky Mang lại cho khách hàng niềm hi vọng ví dụ như hi vọng sẽ may mắn, phát triển tài lộc..sức khỏe bền bỉ, sống lâu hơn.. Cũng sẽ khiến họ mua sản phẩm.. Các loại sản phẩm như: vòng đá phong thủy, cây phong thủy đang được bán dựa trên điều này. Khách hàng mua dùng vì hi vọng sản phẩm sẽ giúp họ may mắn hơn, loại trừ xui rủi, bệnh tật. Vị tha: là mang lại lợi ích của ai khác mà không phải bản thân mình, dù ít nhưng con người ta ai cũng có chút lòng vị tha. Nhờ vậy mà nhiều người làm từ thiện, nhiều người hi sinh lợi ích bản thân để mang lại lợi ích cho người khác Đố kỵ: đố kỵ có vẻ đối nghịch với vị tha, và hầu như tính đố kỵ mạnh hơn lòng vị tha nhiều. Nhất là với đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ rất khó chịu khi biết có ai đó hơn mình. Đánh vào lòng đố kỵ: hãy cho khách hàng của bạn biết nếu họ không mua sản phẩm thì đối thủ cạnh tranh của họ sẽ mua và vượt mặt họ ( nhà hàng xóm sẽ mua và mặc đẹp hơn họ, hàng xóm sẽ mua với giá rẻ hơn họ…). Có lẽ tính khan hiếm hiệu quả là nhờ vào ‘đố kỵ’ và ‘tự hào’: nếu mua thì tự hào, nếu không mua thì mình không có và bị ‘đố kỵ’ Cảm xúc con người thì có rất nhiều, với khả năng hạn chế của mình chỉ liệt kê được bao nhiêu đó. Hi vọng sẽ giúp ích cho bạn khi muốn đánh vào cảm xúc của khách hàng. Dù cảm xúc là khởi phát của hành động mua hàng nhưng nó không phải tất cả, khách hàng không chỉ dựa vào cảm xúc không mà họ còn dùng đến lý trí. Vậy vai trò của lý trí như thế nào trong hành vì mua hàng? Mời bạn đón đọc bài kế tiếp Bảo Kiếm
Bài viết rất sâu sắc và ý nghỉ, đúng, làm nội dung nhưng nội dung đó phải độc và phù hợp với thời điểm cũng như vừa phải, đủ cảm giác mua hàng và nội dung đó phải chuẩn nhất vì KH rất thông minh, họ có thể nhạn ra nội dung bạn đang nói là sai lầm và ko chân thực, hiện nay đúng là không sản xuất nội dung tràn lan và copy lộn xộn được "Muốn thành công bạn phải đầu tư đúng hướng".