Tiếp tục vẫn là những câu chuyện mà tôi đã từng trải qua trong quá trình soát xét kế toán. (Ảnh sử dụng trong bài sưu tầm trên internet) Nhà phân phối ở tỉnh nọ đã hoạt động được sáu năm nay. Ông bà chủ là người đã trải qua khá nhiều thăng trầm và có rất nhiều kinh nghiệm. Đến khi mở doanh nghiệp này thì công việc làm ăn cứ đều đặn phát triển không gì cản nổi. Kho tàng rải rác khắp nơi trong tỉnh, ô tô chở hàng hơn chục cái, nhân viên kế toán năm sáu người mà ngày nào cũng phải làm đến tối mịt mới xong. Ông bà cũng rất cẩn thận, năm nào cũng mời cơ quan thuế đến quyết toán cho gọn, “xong là ăn ngon ngủ kỹ, biết ngay là mình được bao nhiêu”. Ông chủ nói vậy nhưng tôi biết ông không nghĩ vậy, bằng chứng là ông đã mời chúng tôi tận Hà Nội đến. Sau này khi đã quen rồi thì ông mới nói thật: “quyết toán thuế mới chỉ ở cơ quan cấp huyện, mà Nhà nước này nhiều cơ quan lắm, to hơn nhiều, chả biết họ để mắt đến lúc nào?(!) Vả lại, cái tỉnh bé con con này, nói là người Nhà nước, thực ra cũng anh em loanh quanh họ hàng làng xóm cả, trong công việc mà thân quá cũng chả phải hay”. Bắt tay vào soát xét, việc đầu tiên mà tôi thấy, ông bà này làm khá bài bản. 6 cô kế toán, mỗi người được phân một việc đâu ra đấy, trong đó cô Hà là Kế toán trưởng, cô Tú chuyên lo việc thuế má với Nhà nước, Đào, Phượng, Sen, Cúc lo việc bán hàng, công nợ và quyết toán nội bộ. Các cô này đều tỏ ra có kinh nghiệm vì “em quyết toán cho anh ấy 4 năm nay rồi anh ạ”. Máy móc, thiết bị văn phòng chả thiếu thứ gì. Phần mềm kế toán còn được kết nối với phần mềm tự in hóa đơn, cái mà ở thành phố, doanh nghiệp to còn ít người dám dùng. Theo tôi được biết, lý do để doanh nghiệp dùng phần mềm tự in hóa đơn, vì số lượng hóa đơn phải xuất ra hàng ngày quá nhiều, lên đến hàng mấy trăm tờ (có bán lẻ mà) Riêng tài khoản, ông bà mở 2 cái tại 2 ngân hàng. Tài khoản ngân hàng Nông nghiệp chuyên dùng chi trả cho nhà cung cấp, khi đến hạn thanh toán, ông bà mang tiền ra nộp vào tài khoản và lập tức được chuyển đi. Tài khoản ngân hàng Đầu tư thì ít dùng chi trả mà chủ yếu có “chức năng” nhận tiền từ khách hàng. Tài khoản này còn được đăng ký nhắn tin đến số điện thoại của ông chủ khi có biến động số dư. Đi sâu vào soát xét, tôi cứ thấy ngờ ngợ điều gì đó. Ngày hôm sau, tôi đòi ông chủ cho đi thăm quan các kho hàng hóa. Tôi quan sát kỹ lưỡng các kệ để hàng rồi về nhà tiếp tục công việc soát xét. Trong quá trình làm việc, tôi cũng có dịp trò chuyện với từ lái xe, thu ngân, giao hàng… của doanh nghiệp. Gần hết thời hạn làm việc, tôi hỏi ông chủ một câu: - Anh có xuất hóa đơn “hộ” người quen không? - Sao anh lại hỏi em vậy? - Vì tôi thấy có một số hóa đơn đầu ra bán hàng hóa mà doanh nghiệp mình không kinh doanh. - Là mặt hàng gì ạ? - À sữa bột này, nước tăng lực, rượu đóng chai… - Có nhiều không anh ? - Mặt ông chủ biến sắc. - Đầu vào 5 tỷ rưỡi, đầu ra khoảng 6 tỷ. - Thế cơ á, lại có cả đầu vào nữa! Ông chủ sững sờ một lúc mới lại hỏi tôi: - Anh có xem kỹ không đấy? Định bảo “Yên tâm đi, tôi xem kỹ lắm” nhưng kịp dừng lại. Yên tâm làm sao được trong tình huống này nhỉ Tôi đứng dậy, lấy chứng từ ra cho ông chủ xem. Chăm chú lật giở từng tờ, hết quyển nọ tới quyển kia, bất chợt ông chủ hỏi tôi: - Toàn là hóa đơn tiền trăm anh ạ, thế thì phải chuyển khoản mới được tính chứ? - Có Ủy nhiệm chi đàng hoàng mà. Đón tập chứng từ ngân hàng từ tay tôi, ông chủ mắt trợn tròn, mồm há hốc chỉ thốt ra được vài từ: - Ủy nhiệm chi… đủ cả, ký tá… đủ cả, đóng dấu… đủ cả… Nghe ông chủ lắp bắp, nghĩ tới chuyện tiếu lâm cổ có chú lính vướng tật hay quên áp giải nhà sư, tôi suýt phì cười, may quá lại nhịn được. Tôi giở tiếp cho anh xem: - Có cả giấy nộp tiền vào TK để trả cho nhà cung cấp này, có cả phiếu báo Có người mua trả tiền này. Hoàn toàn dùng tài khoản ngân hàng Nông nghiệp. - Nhà cung cấp này lạ quá! Mà em cũng chưa bao giờ ký những giấy tờ này, nhưng nhìn chữ ký của mình mà chả thấy có gì khác anh ạ - ông chủ lo lắng nói. - Tôi cũng đang định hỏi anh điều đấy. Nhưng có cái này thì chắc là phân biệt được đây. Tôi và ông chủ lấy kính lúp, soi chữ ký cô Hà – Kế toán trưởng trên Ủy nhiệm chi. Nó có một đặc điểm lặp đi lặp lại hơi khác một chút so với các tờ Ủy nhiệm chi mà ông chủ khẳng định là thật. Hai chúng tôi ngồi trao đổi khá lâu và câu chuyện được “dựng lên” sơ bộ như sau: “AI ĐÓ” đã tạo ra một “Phòng Kinh doanh bí mật” trong lòng doanh nghiệp này. Họ thực hiện một quy trình khép kín từ chứng từ đầu vào đến đầu ra như một chu trình kinh doanh bình thường. Tức là, các chứng từ đầu ra có cái gì thì đầu vào có cái ấy. Thậm chí khi tôi lọc Bảng kê Nhập – Xuất – Tồn thì hầu hết các mặt hàng đều đã “bán” gần hết, chỉ còn tồn hơn chục triệu, con số rất nhỏ so với tổng “doanh thu”. “Đầu vào và đầu ra” đều được chuyển khoản đầy đủ, đủ điều kiện để khấu trừ thuế GTGT và tính thuế Thu nhập doanh nghiệp. Chỉ có hợp đồng mua bán thì chưa thấy đâu, có thể do “AI ĐÓ” chưa kịp đóng gói hoặc chưa kịp làm. Để làm được tất cả các điều này, “AI ĐÓ” đã tận dụng các kẽ hở của doanh nghiệp như sau: - Việc xuất hóa đơn từ phần mềm tự in hóa đơn rất dễ dàng, không cần ký duyệt của Giám đốc doanh nghiệp; - Vì giao dịch nhiều, các con dấu được đưa cho nhân viên quản lý và tùy ý sử dụng; - Tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp không được đăng ký dịch vụ tin nhắn tức thì cho mọi giao dịch; - Để hợp thức được những điều đó, chữ ký của kế toán trưởng và Giám đốc đã bị giả mạo. - Tờ khai thuế GTGT hiện được ký bằng chữ ký số và nộp qua mạng nên hầu hết không có sự kiểm soát của chủ doanh nghiệp. Mặt khác vì không phải nộp bảng kê hóa đơn mua vào, bán ra đính kèm nên khó kiểm soát. Chính vì vậy toàn bộ các hóa đơn đầu vào và ra vẫn được kê khai thuế đàng hoàng mà không ai biết. - Để che dấu các khoản lãi do các giao dịch này đưa lại, “AI ĐÓ” đã hợp thức bằng các chứng từ lương với toàn tên người lạ. Tất nhiên sau khi bàn luận, chúng tôi cũng đoán được “AI ĐÓ” là ai! Đương nhiên chỉ là trong số kế toán viên của doanh nghiệp, người cận kề, thân thiết bao nhiêu năm trời. Thật là oan nghiệt, xử lý thế nào đây: xử lý nội bộ, đền bù cho xong, báo cơ quan quản lý Nhà nước, công an… Bên tình, bên lý… Không biết trong số các bạn đọc đã ai rơi vào tình thế mà tôi mô tả chưa? Nhưng có thế nào thì việc gỡ rối là vô cùng khó khăn. Tôi đành tư vấn cho ông chủ một vài biện pháp và ưu tiên để quyền quyết định thuộc về khách hàng của mình, nhưng cũng không quên lưu ý: “Nếu anh không quyết, thì nhiệm vụ của tôi là sẽ phải báo công an!” Bẵng đi một tuần, tôi nhận được điện thoại của anh: “Em đã nói chuyện với “nó” theo ý anh, nhưng “nó” không hợp tác anh ạ. Em đành phải báo công an vậy! Có thế mới cứu được doanh nghiệp của em. Ra cửa công cũng không dễ chịu gì, thôi bác cũng chịu khó giúp em vậy, chứ nếu cứ để mà xảy ra hậu quả thì mình em không gánh nổi anh ạ.” Các cụ đã nói: “sống chết với nghề” thì biết sao đây. Nỗi buồn nhà Kế ở đâu lại đến! Chia sẻ với bạn đọc: Với những người làm Kế toán - Kiểm toán chuyên nghiệp, ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP đã được quy định thành CHUẨN MỰC bắt buộc phải tuân thủ. Xa rời Chuẩn mực có nghĩa là xa rời nghề nghiệp. Link bài viết: TẢN MẠN VỀ NỖI BUỒN KHI ĐI SOÁT XÉT KẾ TOÁN