Tại các huyện miền núi Phước Sơn, Nam Giang, Tiên Phước, Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam), các loại nấm, củ, rễ được cho là “thần dược” chữa bá bệnh được bày bán tràn lan, tất cả đều được ngâm, dầm rượu bất kể công năng và tác dụng. Nấm lim xanh, sâm quý bán đầy đường Thôn 5, xã Tiên Hiệp (Tiên Phước), mấy năm gần đây xuất hiện nhiều tỷ phú từ kinh doanh, buôn bán nấm lim xanh. Trên đoạn đường ĐT616 kéo dài chừng 2km, mà có đến hàng chục doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh các sản phẩm từ nấm rừng và sản xuất rượu sâm Ngọc Linh, ba kích. Chỉ nổi tiếng là vùng đất có nấm lim xanh Suối Mùn (xã Tiên Hiệp), nhưng những người kinh doanh nơi đây linh hoạt mở rộng sản xuất, chế biến thêm các sản phẩm sâm Ngọc Linh, sâm cau, ba kích ở dạng thực phẩm chức năng như rượu và trà. Trong vai một người mua hàng với số lượng lớn muốn chuyển vào TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được ông N.V.L, chủ cơ sở sản xuất rượu nấm lim xanh cởi mở giới thiệu sản phẩm. Ông L. cho hay ở xã Tiên Hiệp hiện nay nấm thật - giả khó phân biệt, chỉ có người có kinh nghiệm mới có thể phân biệt được. Riêng cơ sở của gia đình mình, ông L. khẳng định uy tín, chuyên cung cấp các loai rượu ngâm nấm lim xanh chính hãng. Thậm chí có siêu thị đặt mua với số lượng lớn. Nếu mua với số lượng lớn sẽ được giảm giá. Giá mỗi hũ rượu ngâm nấm lim xanh giá từ 1,2 triệu đồng đến 2 - 3 triệu đồng tùy kích cỡ và số lượng nấm ngâm. Ngoài ra, khách có thể mua nấm khô để sẵn về tự ngâm. Hỏi về độ tin cậy, ông L. thuyết phục khách hàng, bằng tờ giấy chứng nhận trà nấm lim xanh, rượu sâm Ngọc Linh của cơ sở đạt danh hiệu sản phẩm - dịch vụ uy tín chất lượng năm 2015 do Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế và báo Người tiêu dùng xác nhận. Tuy nhiên, ông L. cũng thừa nhận không riêng gì ông được cấp giấy này và ở Tiên Phước phổ biến tình trạng các cơ sở sản xuất cung cấp lẫn lộn các loại nấm thật - giả ra thị trường. Tại tuyến đường Hồ Chí Minh qua các huyện Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang mùa này khách đi đường có thể bắt gặp cảnh bày bán các loại củ, rễ cây dọc đường. Tại đoạn đường từ thị trấn Thạnh Mỹ đến bến Giằng (Nam Giang), hàng chục người dân ngồi hai bên đường vẫy tay mời gọi khách mua các loại dược liệu như đẳng sâm, ba kích, mật nhân. Ông Hồ Văn Dưng, một người dân địa phương cho biết: toàn bộ số rễ cây, sâm được ông thu mua của người dân rồi mang ra bán kiếm lời. Tất cả đều được người dân đào từ rừng về. Hỏi về công dụng, ông Dưng cho biết: rễ mật nhân chữa được nhiều bệnh như đái tháo đường, đau mỏi xương khớp, viêm gan, gút... Tùy vào loại rễ thô hoặc rễ sơ chế thành lát mỏng, giá dao động từ 50-100 nghìn đồng/kg. Riêng đẳng sâm, sâm dây uống vào mát gan, chữa các bệnh về gan. Hỏi ông Dưng và những người bán ở đây cơ sở nào khẳng định như vậy, tất cả đều trả lời: nghe nói! Tại địa bàn huyện Đông Giang, loại “củ kun”, dân địa phương còn gọi là củ khúc khắc được khá nhiều người săn lùng, ngâm rượu bán cho người dưới xuôi từ nhiều năm nay. Loại củ này được cho là “đặc sản” của địa phương, có tác dụng trừ phong thấp, ích xương cốt với giá có khi lên đến vài trăm nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đây chỉ là một vị thuốc nam bình thường, hoàn toàn không quý hiếm như lời đồn thổi. Tương tự, thứ củ mà người dân bày bán với tên gọi “sâm núi” chỉ đơn thuần là củ của loài cây bách bộ, có tác dụng chữa ho, lao phổi, đàm, tẩy giun, hoàn toàn không bổ máu, gan thận… Người tiêu dùng cần thận trọng Thời gian qua, đánh vào sự thiếu hiểu biết kiến thức y học của người dân, một số đối tượng, kể cả chủ cơ sở sản xuất, chế biến nấm, các sản phẩm chức năng đã dùng chiêu quảng cáo quá đà, “thần thánh hóa” công dụng của dược liệu. Việc mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường rất nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt các loại rễ cây thuốc được bày bán ngoài đường. Theo các thầy thuốc đông y, bất kỳ một loại thuốc nào cũng phải dùng theo chỉ định, đúng liều lượng, đúng thời hạn sử dụng. Nếu dùng không đúng, các loại rễ, lá, củ cây dược liệu có thể gây ngộ độc, phản ứng phụ, bệnh thêm nặng. Y sĩ Phan Thanh Phú, công tác tại khoa Đông y thuộc Trung tâm Y tế Tam Kỳ cho rằng, riêng cây mật nhân, đông y ghi nhận nó có tác dụng làm khí huyết lưu thông, tăng lực. Một số chế phẩm thường bổ sung mật nhân vào để chữa suy nhược, mệt mỏi chứ không phải là loại cây có thể chữa bá bệnh như đồn thổi. Theo Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương Quảng Nam, việc phân biệt nấm, kể cả các sản phẩm dược liệu quý bằng mắt thường rất khó, nhất là khi nấm ở dạng khô. Trước đây, cơ quan này từng tịch thu nấm lim xanh của người dân bán trên thị trường nhưng sau đó buộc phải trả lại. Việc các loại nấm lim xanh, linh chi cũng như dược liệu sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ba kích xuất hiện trên thị trường với giá từ thượng vàng đến hạ cám là do đây là các mặt hàng không nằm trong danh mục bình ổn giá. Còn cơ quan y tế cho rằng, loại nấm lim xanh thật cũng chỉ có giá trị chữa bệnh khi nó được phát triển trên thân gỗ lim hoặc trên bột gỗ lim. Trong khi đó, rừng lim ở miền núi hiện nay rất hiếm, nhiều nơi đã bị xóa sổ. Đến các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh họ luôn mang giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về việc sơ chế, đóng gói, kinh doanh thực phẩm chức năng nấm lim xanh, sâm Ngọc Linh và các loại rượu lim xanh, rượu sâm Ngọc Linh đều do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế cấp. Trên mỗi sản phẩm đều in hình phiếu phân tích và kiểm nghiệm mẫu nhưng rất nhỏ, khó nhìn rõ đây là phiếu kiểm nghiệm sâm Ngọc Linh hay một loại sâm nào khác giá rẻ hơn. Hiện nay có nhiều cơ quan quản lý sản phẩm từ nấm, cây dược liệu và sản phẩm chế biến từ nấm và cây dược liệu như Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương, Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Sở Y tế), Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Sở NN&PTNT. Tại Quảng Nam đến nay vẫn chưa có cơ sở sản xuất thuốc từ các cây dược liệu. Việc giao dịch trên thị trường vẫn chủ yếu bằng hình thức bán thô, hoặc thông qua chế biến thực phẩm chức năng.