Bệnh cao huyết áp có liên quan đến dinh dưỡng như thế nào là thắc mắc của rất nhiều người hiện nay. Đối với bệnh cao huyết áp, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của BS, vấn đề ăn uống và luyện tập thể thao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa biến chứng bệnh. Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng, trong đó có tăng huyết áp, điều đó đã góp phần làm thay đổi mô hình bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Từ số liệu điều tra cho thấy, tỉ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng gần gấp 2 lần sau 13 năm từ 11,2% (1992) lên 20,7% (2005) và cuộc điều tra do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy ở người trưởng thành từ 18 - 69 tuổi có tỉ lệ tăng huyết áp là 18,9%; tỉ lệ tăng cholesterol máu là 30,2%. Tăng huyết áp kéo dài trong một thời gian gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm : - Phình mạch : làm chặn dòng chảy của máu, hay vỡ mạch máu - Suy tim : khó thở, mệt mỏi, gây sưng ở mắt cá chân, chân, bụng và tĩnh mạch ở cổ - Nhồi máu cơ tim : gây đau ngực, khó chịu, khó thở - Bệnh thận mãn tính : làm suy giảm chức năng thận - Thay đổi nhận thức : gây mất trí nhớ, nói khó khăn, mất tập trung trong khi nói chuyện - Tổn hại mắt : thay đổi thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa - Bệnh động mạch ngoại biên : đau, nhức, chuột rút ở chân, bàn chân và mông, thiếu máu ở chi - Đột quỵ : đột ngột suy yếu, tê liệt toàn thân hay tê ở mặt, tay, chân, nói khó và không hiểu người khác nói, nhìn kém. Trong khi đó, đa số người không biết mình bị bệnh, hoặc biết bệnh nhưng không điều trị, hoặc điều trị nhưng thất thường và không đúng cách. ► Bệnh cao huyết áp có liên quan đến dinh dưỡng Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong dự phòng và điều trị cao huyết áp (CHA), có mối liên quan chặt chẽ tác động đến huyết áp động mạch qua nhiều khâu, đặc biệt là lượng các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày như: Natri, kali, canxi, tổng số chất béo và thành phần chất béo, tiêu thụ rượu. Theo các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy ở những vùng dân cư có tỉ lệ CHA thấp thì chế độ ăn hàng ngày nhiều rau xanh, hoa quả và cá. Natri đóng vai trò quan trọng trong CHA, thông thường lượng natri niệu trong 24 giờ được sử dụng để đánh giá lượng natri tiêu thụ hàng ngày từ chế độ ăn. Ở những nơi, những vùng có thói quen ăn mặn thì tỉ lệ người CHA cao hơn so với những nơi có tập quán ăn nhạt. Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng năm 1992: người dân Nghệ An ăn trung bình 14g muối/ngày và Thừa Thiên Huế 13g muối/ngày thì tỉ lệ CHA là 18%. Trong khi đó, ở Hà Nội người dân ăn trung bình 9g muối/ngày thì tỉ lệ CHA gần 11%. Natri trong chế độ ăn hàng ngày có thể tạo ra từ 2 nguồn chính (phần cho thêm vào thức ăn, phần này phụ thuộc khẩu vị từng người) và nguồn có sẵn trong thực phẩm (natri được cho thêm vào trong thực phẩm trong quá trình chế biến và nguồn có trong thực phẩm). Trong các thực phẩm tự nhiên, natri có sẵn với một lượng nhất định, thường có nhiều ở thức ăn nguồn động vật như thủy, hải sản, thịt, sữa và các sản phẩm của sữa… Trong 100g thực phẩm, lượng natri có như sau: cua bể (316mg), cua đồng (453mg), tôm đồng (418mg). Đối với sữa, hàm lượng natri cũng gần tương đương với thủy, hải sản: trong 100g sữa bò tươi chứa 380mg, sữa bột toàn phần là 371mg. Những thực phẩm có nhiều natri là những loại thịt gia cầm đóng hộp, hun khói, sấy khô. Các loại cá và sản phẩm chế biến như: cá hun khói, đóng hộp, các món ăn cá chế biến sẵn; tất cả các loại rau quả đóng hộp, các loại mắm đóng chai, mì ăn liền... Các loại thịt chứa lượng natri thấp hơn, trong 100g ăn được, lượng natri có như sau: thịt gà ta (70mg), thịt lợn (76mg), thịt bò loại 1 (83mg)… Các yếu tố dinh dưỡng liên quan đến tăng huyết áp: - Ăn nhiều muối làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào đối với natri, ion Na+ sẽ được vận chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và CHA. Ăn nhiều muối gây CHA, vì thế uống lợi tiểu thải muối muối sẽ hạ huyết áp. Trong khẩu phần giàu: kali, canxi, magie có tác dụng hạ huyết áp đối với bệnh nhân CHA; chế độ ăn ít natri và mì chính, giàu kali, calci, magie có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng hạ huyết áp của kali do tác dụng tăng thải natri. Kali được phân bố rộng rãi trong thực phẩm và lượng thay đổi khác nhau tùy nhóm thực phẩm: một khẩu phần ăn trung bình cung cấp khoảng 2,5 - 3,0g kali/ngày. Nhóm rau quả cung cấp kali nhiều nhất như: khoai tây, su hào, bí đao, mưới, đậu đỗ. Sữa cũng nhiều kali, tiếp đến là thịt, trứng, sản phẩm ngũ cốc và các loại rau. Chế độ ăn giàu kali (4 - 5g/ngày) có thể giảm huyết áp ở những người có tiền sử CHA. - Chế độ ăn nhiều chất béo có liên quan đến CHA, chế độ ăn giảm chất béo tổng số từ 38 - 40% năng lượng khẩu phần giảm xuống 20 - 25% hoặc tăng tỉ lệ giữa axít béo không no và axít béo no từ 0,2 lên 1 thì huyết áp giảm rõ rệt. Bữa ăn bổ sung cá, dầu cá có tác dụng giảm huyết áp, đó là do vai trò của các acid không no n-3 và n-6, ngoài ra chế độ có nhiều cholesterol cũng có liên quan tới CHA. - Những người nghiện rượu, uống rượu thường xuyên có liên quan đến CHA. Ở người tăng huyết áp, bỏ rượu thì huyết áp giảm. - Béo phì và tăng huyết áp: tỉ lệ CA ở người béo phì cao hơn hẳn ở người không béo phì. Có mối liên quan trực tiếp giữa tăng cân và CHA. Ở người thừa cân - béo phì nếu có chế độ ăn hợp lý kết hợp với luyện tập giảm được cân nặng, đồng thời huyết áp cũng giảm. Một chế độ ăn điều trị liên quan đến giảm natri trong điều trị CHA là chế độ ăn nhạt, nhiều rau xanh và hoa quả. Chế độ ăn này giàu kali, giàu vitamin, chất xơ, thấp natri và chất béo. Chế độ ăn "không thêm muối" đòi hỏi bệnh nhân không được ăn muối trong khi chế biến thực phẩm và không ăn muối tại bàn ăn, ngoài ra việc tiêu thụ những thực phẩm nhiều muối cũng nên hạn chế. ► Chế độ ăn uống hợp lý có tác dụng phòng và điều trị tăng huyết áp Nguyên tắc của chế độ ăn là: ít natri, giàu kali, canxi, magie, giàu vitamin và các chất vi lượng, giàu các chất chống oxy hóa, giàu chất xơ, giảm chất béo no, tăng chất béo không no, giảm chất kích thích… Các yếu tố giúp điều trị bệnh cao huyết áp bao gồm : - Ăn uống lành mạnh - Vận động thể chất - Duy trì một cân nặng khỏe mạnh - Hạn chế uống rượu - Quản lý và đối phó với stress Để giúp làm thay đổi lối sống lâu dài, hãy bắt đầu bằng một sự thay đổi và thêm sự thay đổi khác khi bạn cảm thấy đã áp dụng thành công thay đổi trước đó. Khi bạn thực hành một vài thói quen của lối sống lành mạnh, bạn có nhiều khả năng giảm cao huyết áp và duy trì nó ở mức độ bình thường. 1. Bệnh cao huyết áp nên ăn gì ? Những thực phẩm là bạn của tim mạch: - Các loại ngũ cốc nguyên hạt (vừa cung cấp năng lượng, vừa cung cấp chất xơ tốt cho sức khỏe – xem thêm bài về Chất xơ và vai trò) - Trái cây như táo, chuối, cam, lê và mận (cung cấp các vitamin, chất chống oxi hóa, kali giảm tăng huyết áp, tốt cho tim mạch) - Các loại rau như bông cải xanh, cải bắp, cà rốt, cà chua (giàu chất xơ, cung cấp vitamin K, carotene, lycopene giúp giảm cholesterol trong máu) - Các loại đậu như đậu lăng, đậu xanh, đậu đen, đậu lima (chứa nhiều vitamin E, axit folic, axit béo thiết yếu, giúp bảo vệ động mạch, giảm bệnh cao huyết áp) - Ăn cá chứa nhiều axit béo omega 3 như cá hồi, cá ngừ, khoảng hai lần một tuần - Ngoài ra, tỏi, nghệ cũng là những loại gia vị tốt cho sức khỏe tim mạch, chống viêm, giảm mỡ máu và giảm xơ vữa động mạch. 2. Những thực phẩm là kẻ thù của tim mạch - Quá nhiều thịt đỏ hay thịt ướp muối (gây rối loạn mỡ máu, nguyên nhân của tăng huyết áp) - Dầu cọ và dầu dừa (chứa nhiều chất béo bão hòa) - Thức ăn ngọt và đồ uống có đường (gây béo phì, tiểu đường, ảnh hưởng đến tim mạch) - Hạn chế muối và natri Bệnh cao huyết áp được kiểm soát một cách rất hiệu quả nhờ giảm việc ăn muối. Bạn nên cố gắng hạn chế tiêu thụ lượng muối và lượng natri (thành phần chính trong muối, chiếm 40%). Hãy ăn thức ăn ít muối, giảm lượng muối trong nấu ăn, hay trong lúc chế biến các món như muối dưa, muối thịt. Trung bình mỗi người Việt Nam đang ăn tới 10-15 gam muối mỗi ngày, tức là gấp 2-3 lần mức độ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (5 gam/ngày, tương đương 2000 mg natri). Nếu có chỉ số áp huyết cao, bạn nên hạn chế lượng muối tiêu thụ của mình hơn nữa. Ở nhiều quốc gia Châu Âu, Mỹ, mức khuyến cáo còn thấp hơn, cần ăn ít hơn 1500 mg natri mỗi ngày. 3. Giảm bệnh cao huyết áp nhờ lối sống lành mạnh - Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Tăng huyết áp cũng có thể được kiểm soát nhờ duy trì một cân nặng khỏe mạnh, nó cũng giúp giảm nguy cơ cho các vấn đề sức khỏe khác. Nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì, hãy cố gắng giảm cân. Đôi khi bạn chỉ giảm 3-5% cân nặng của mình đã có thể giảm khả năng mắc các vấn đề về sức khỏe. Mức độ giảm cân nhiều hơn còn cải thiện huyết áp, giảm cholesterol LDL xấu, và tăng cholesterol HDL tốt. Một cách để kiểm tra nhanh mức độ béo phì, thừa cân là kiểm tra chỉ số khối cơ thể theo Tổ chức y tế thế giới (BMI – xem thêm những điều cần biết về BMI). BMI > 25: thừa cân, béo phì. Tuy nhiên ở người Châu Á thì tình trạng thừa cân, béo phì có thể bắt đầu từ ngay BMI > 23. BMI 18,5 -24,9: mức lành mạnh. Người Châu Á là BMI 18,5-23. Kích thước vòng eo cũng là một công cụ tốt để đánh giá những nguy cơ về sức khỏe nhất là đối với các bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp. Nếu hầu hết các chất béo trong cơ thể tập trung ở quanh eo hơn là ở hông thì chúng ta có nguy cơ cao mắc các bệnh tim và bệnh tiểu đường loại 2. Đối với người châu Á, mức độ báo động khi kích thước vòng eo lớn hơn 90cm đối với nam giới, và lớn hơn 80cm cho nữ. - Hạn chế uống rượu bia bệnh cao huyết áp: Uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng huyết áp và nồng độ triglyceride, một loại chất béo được tìm thấy trong máu. Rượu cũng tăng lượng calo, dẫn đến gây tăng cân. Đàn ông không nên uống quá hai đồ uống có chứa cồn và phụ nữ không nên uống hơn một đồ uống có cồn một ngày. Một đồ uống có cồn tương đương với : 3/4 lon hay chai bia (5% độ cồn), 1 cốc bia hơi 330ml, ly rượu vang 100 ml (13,5% độ cồn) và chén rượu mạnh 30ml (40% độ cồn). [VIDEO]
chế độ dinh dưỡng rất quan trọng nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mình, cảm ơn về những thống kế của bạn