Trong cuộc sống xô bồ, bon chen hôm nay, tôi vẫn bắt gặp đâu đó các lời khuyên “Sống phải biết cho đi” hay “Cứ cho đi ắt sẽ được nhận lại”, nhưng cũng lại đâu đó các câu thở dài: “Ở hiền nhưng sao tôi không gặp lành?”, “Cho nhiều rồi vẫn có thấy gì đâu?”, nay tôi cũng mạn phép nêu chút quan điểm của mình về CHO và NHẬN CHÚNG TA CHỈ CHO ĐƯỢC CÁI CHÚNG TA ĐANG CÓ Đây là mấu chốt quan trọng cần được bổ sung đi kèm vào các lời khuyên ở trên, để mọi người có thể nhìn nhận vấn đề này đúng đắn hơn, bởi lẽ chúng ta không có hay không dư thì lấy gì để cho, nên đừng tùy tiện cho gì nếu không chắc đó là cái chúng ta đang dư. Một người bản tính ích kỷ thì lấy đâu ra tý “lòng” nào để cho sự bao dung và tha thứ, Một người tư duy tiêu cực thì làm sao cho được sự động viên, tạo động lực cho người khác, Một ông sếp luôn muốn bóc lột sức lao động của nhân viên thì làm gì có dư tâm trạng để lo lắng, quan tâm đến họ, Một doanh chủ lừa lọc thì lấy Tâm đâu mà cho khách hàng sự uy tín và trách nhiệm, nên đừng gào lên khách hàng là thượng đế, khách hàng là trên hết. Ví như làm từ thiện: - Chúng ta dư tiền, chúng ta góp tiền. - Chúng ta dư thời gian, chúng ta đứng ra tổ chức. - Chúng ta dư quan hệ, chúng ta kêu gọi. Mọi người làm từ thiện ở trên cách cho tuy khác nhau nhưng giá trị cho đều như nhau (so với cái họ đang có) Nhiều người vẫn thường trách móc số phận thế này: “Tôi ở hiền sao không gặp lành, xung quanh hàng xóm không than phiền, đồng nghiệp không phàn nàn mà”, thật ra đây họ chỉ mới là làm tròn bổn phận của một công dân tốt, một nhân viên tốt, họ đã bao giờ qua hỏi thăm giúp đỡ hàng xóm, đã bao giờ quan tâm chia sẻ hỗ trợ đồng nghiệp dù việc đó không phải của mình, ít ra nhiêu đó mới gọi là ở hiền, mới gọi là cho. Cá nhân tôi ra trường đi làm trái ngành (ngành Y), tôi không có kiến thức bài bản, tôi chỉ có cho DN được cái Tâm trong công việc, Cống hiến và Trách nhiệm và rồi tôi nhận lại là những quyết định bổ nhiệm, rồi vị trí cao nhất là Giám đốc Điều hành của Bệnh viện (ở đây tôi tạm không bàn về các yếu tố ngoại cảnh khác và các Doanh chủ ở đây khi trao cơ đồ cho ai đó họ sẽ cân nhắc thêm nhiều thứ như TÍN và LIÊM,..) Thế chăng cái chúng ta đang cho có thật sự là cái chúng ta vốn dĩ đang dư hay chỉ là sự ngộ nhận hoặc theo phong trào kiểu như “hãy mỉm cười và tha thứ”, và dĩ nhiên chúng ta không có vị tha thì không thể nào tha thứ, chúng ta luôn cau có khó chịu thì nụ cười sẽ không tỏa nắng được đến ai. Mọi người trong chúng ta ai cũng đều có cái dư để cho đi, trong cuộc sống lẫn kinh doanh, hãy CHO đi đúng cái chúng ta đang có dư (đừng cho theo phong trào hay cho theo cách của người khác), chúng ta chắc chắn sẽ NHẬN lại những điều tốt đẹp, còn không tất cả chỉ là vở diễn hoặc ngộ nhận, nên kết quả cũng chẳng nhận lại được gì. CHÚNG TA SẼ NHẬN LẠI KHÔNG PHẢI CÁI ĐÃ CHO Gần như sẽ là như vậy, cái chúng ta nhận lại không phải là những gì mình đã cho ban đầu. Một vị bác sĩ yêu nghề, có trách nhiệm sẽ cho Bệnh nhân sự tận tâm. Vị bác sĩ ấy có thể nhận lại là chục quả cam, tá trứng gà,…đó là những gì mà bệnh nhân họ đang dư, họ còn cho lại sự kính mến và giới thiệu những khách hàng mới đến vị bác sĩ này. Một Doanh chủ uy tín có tâm, họ sẽ cho khách hàng sự đồng hành và sự cam kết, khách hàng sẽ cho họ lại sự trung thành và tiền bạc. Một người yêu đời, họ dư nhất là nụ cười, vì thế họ sẽ cho những người xung quanh sự lạc quan, điều họ nhận lại chính là sự yêu mến, sự giúp đỡ của mọi người. Ngược lại một người lừa lọc sẽ chỉ cho được sự dối trá, điều họ nhận lại là sự khinh rẻ và nỗi cô đơn. Có một câu chuyện thế này, tôi cần tìm mặt bằng để kinh doanh, liên hệ cũng khá nhiều môi giới, nhưng phần lớn các môi giới sau 1 vài lần giới thiệu thì lặn tăm, nhưng đặt biệt trong đó lại có 1 chàng trai trẻ rất nhiệt tình trong việc tìm kiếm, có sao nói vậy, không ổn nói không ổn, mất rất nhiều thời gian dành cho tôi (dù chi phí thuê không cao)… Hôm nay tôi hẹn gặp cậu để thông báo tạm ngưng tìm để qua Tết tôi triển khai lại, đồng thời gửi cậu ít tiền xăng xe. Cậu nhất quyết không nhận vì nói chưa làm được gì cả cho tôi. Tôi chậm rãi nói cậu đã cho tôi nhiều lắm rồi, cậu ngơ ngác. Tôi lại từ từ hỏi: “Thế em vào Sài gòn được 2 tháng nay, em mang theo gì nhiều nhất?”, cậu lí nhí: “Dạ, em còn đang mượn nợ, tính em thật thà, khách hàng đôi khi còn hỏi ngược lại sao em môi giới mà thật thà quá vậy?” Tôi nói ngay: “Thật thà là cái em dư nhiều nhất, em đã cho mọi người sự thật thà, điều em nhận lại từ anh là sự quý mến, anh coi em như đứa em để rồi ngồi chia sẻ với em 2 giờ vừa qua, nếu trong công việc có gì khó khăn cứ điện thoại cho anh” Gặp người khác có thể cậu sẽ nhận hoa hồng cao (nếu khách hàng đó đang dư tiền), hay 1 công việc tốt hơn (nếu khách hàng đó có công ty và cần nhân viên có thái độ tốt), hay đơn giản khách hàng sẽ giới thiệu cậu cho người quen, người thân khi có nhu cầu tìm thuê nhà” Cậu lại lí nhí với chất giọng Phú Yên: “Trước khi vào, ba mẹ em có dặn vào Sài gòn cần cẩn thận, người xấu rất nhiều, lừa gạt cũng nhiều, nhưng bấy bữa nay sao em gặp toàn người tốt không hà” Tôi cười khà khà và kết câu chuyện” “Em thật thà, chân thành nên em sẽ gặp rất nhiều người tốt xung quanh em thôi, tin anh đi” CHO VÀ NHẬN LÀ TIỀN ĐỀ CHO QUY LUẬT HẤP DẪN (còn tiếp) Đôi điều cùng thống nhất: Định nghĩa cái có dư ở đây là so với những cái mà người đó đang có (tiền bạc, thời gian, sức khỏe, tri thức, kinh nghiệm,…) không dùng để so sánh giữa người này và người kia. Trên đây chỉ là 1 góc nhìn hạn hẹp của tác giả, mong được các anh chị góp ý thêm nhiều góc nhìn đa chiều khác