Khi nhắc đến Bill Gates, điều mọi người nghĩ đến đầu tiên là “người giàu nhất thế giới”. Khi nhắc đến Steves Jobs, mọi người nhớ đến sự sáng tạo, đột phá dù ông cũng rất giàu có. Cả hai đều là những người khổng lồ trong ngành công nghệ, sinh cùng một năm nhưng có triết lý kinh doanh hoàn toàn đối lập. Triết lý này khiến mọi người đều phải suy nghĩ – Vì lợi nhuận hay vì ảnh hưởng. Trong cuốn hồi ký của Steve, Bills được mô tả như một gã hám tiền, muốn tạo ra lợi nhuận nhanh chóng. Ngoài một vài sản phẩm nổi trội như Windows hay Microsoft Office, các sản phẩm của Microsoft đều chỉ đạt mức chất lượng trung bình và được thương mại hoá bằng cách bán cho các công ty phần cứng. Còn Steves Jobs thì cầu toàn đến mức lập dị. Ông quan niệm phần cứng và phần mềm phải hoàn toàn tương thích để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Thậm chí, những bản mạch trong Iphone cũng được ông yêu cầu xếp gọn gàng, ngăn nắp dù chẳng có người dùng nào có thể thấy được. Jobs sẵn sàng hi sinh lợi nhuận từ việc thương mại hoá phần mềm cho bên thứ 3 để đạt được mục tiêu của mình. Ngày Iphone được giới thiệu, ông không hề ngoa khi nói rằng mình đã “phát minh lại” điện thoại. Đó cũng là lúc ông được cả thế giới biết đến. Xét trên góc độ tổ chức, mục tiêu của bạn khi xây dựng công ty là gì? Sau bao năm tư vấn chiến lược kinh doanh, câu trả lời mình thường được nghe từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ là chủ doanh nghiệp có một số vốn nhàn rỗi và muốn đầu tư sinh lời-“Phi thương bất phú”. Các ông chủ muốn đầu tư để sinh lời và họ chẳng nghĩ đến mình sẽ tạo ra ảnh hưởng như thế nào. Bởi vậy, các kế hoạch của họ thường tập trung vào lợi nhuận và thiếu các mục tiêu phi tài chính. Trái ngược với điều này, các tập đoàn lớn thường có một sứ mệnh rất rõ từ khi thành lập và kiên trì với giá trị cốt lõi của họ. Thống kê đã khẳng định các công ty có sứ mệnh rõ ràng thường tạo ra nhiều lợi nhuận hơn so với các công ty không có. Tất nhiên có công ty theo đuổi cả hai mục tiêu: lợi nhuận và ảnh hưởng. Tuy nhiên mức độ ưu tiên các mục tiêu khác nhau sẽ dẫn tới kết quả kinh doanh và hoạt động khác nhau. Xét trên góc độ cá nhân, bạn đi làm chỉ đơn giản để nuôi sống bản thân và gia đình hay còn vì một mục đích nào khác. Mỗi ngày đến cơ quan, bạn đang bán thời gian và sức lực để nhận lương hay bạn đang theo đuổi sứ mệnh cuộc đời. Điều này có thể quyết định công ty mà bạn muốn gắn bó, cùng chia sẻ mục tiêu dù đồng lương thấp hay lương cao nhưng công việc tẻ nhạt. Đây không phải là một câu chuyện mới với rất nhiều bạn. Có thể bạn đang phải tạm gác ước mơ lại vì mưu sinh. Có thể bạn chưa tìm thấy được sứ mệnh của mình. Hoặc đơn giản, nuôi sống gia đình, một cuộc sống êm đềm chính là mục tiêu của bạn. Cuộc sống của bạn có thể buồn nhưng đừng để nó vô vị. Đừng "sống mòn”! Trong khoa học về tổ chức, sứ mệnh tối thượng là một cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ. Tổ chức được thành lập để hoàn thành một mục tiêu nhất định hay mục tiêu của tổ chức chỉ đơn giản là tồn tại (để kiếm lời). Nếu để hoàn thành mục tiêu, khi mục tiêu hoàn thành rồi, tổ chức cũng nên xoá bỏ? Theo ý kiến cá nhân của tác giả, tổ chức nên có mục tiêu xác định. Và khi đã hoàn thành mục tiêu thì đặt ra các mục tiêu khác để tiếp tục tồn tại. Hai sứ mệnh này đều có những điểm tốt và đóng góp cho xã hội theo một cách riêng. Sứ mệnh vì lợi nhuận sẽ tạo ra nguồn của cải lớn, tạo sự bền vững cho xã hội. Sứ mệnh vì đột phá sẽ đưa nhân loại tiến lên với các phát minh và sáng chế. Vậy sứ mệnh của bạn là gì? Link bài viết: SỨ MỆNH TỐI THƯỢNG