“Khi người học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện” Có lẽ hầu hết mọi người trong đây đều biết đến câu nói này, tôi cũng vậy, nhưng thực sự cảm nhận được tính linh nghiệm của nó thì cũng chỉ mới đây mà thôi. Mạo muội nghĩ rằng một vài anh chị em hiện tại trong lớp CEO SG4 cũng có cảm giác tương tự như vậy, vì qua trò chuyện, qua những câu hỏi được đặt ra cho thầy trong buổi học, và sự kiên nhẫn chờ đợi tận mấy tháng để được chấp nhận là học viên, thì thấy rõ rằng mọi người có nhiều mối băn khoăn lắm… Khi viết bài recap này tôi định hướng rằng vừa theo tinh thần “hưởng” rồi thì giờ phải “thụ” mà thầy Lý Trường Chiến đã nêu ra, đồng thời cũng muốn chia sẻ cho mọi người những trải nghiệm thật của cá nhân để biết đâu đấy “chúng ta lại thuộc về nhau”, và như thầy Thi có nói: hai ông thất bại rồi gặp nhau ôm nhau rồi cùng nhau dẫn tới thành công thì sao. (Tuy nhiên tôi sẽ hạn chế quá cá nhân hóa theo như tiêu chí của thầy Chánh đã đề ra trong luật của group) Hầu hết sách vở, bài giảng kinh doanh đều định hướng một doanh nghiệp cần phải có những điều quan trọng như sứ mệnh, giá trị cốt lõi ngay từ thời gian đầu. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người khi ra kinh doanh thường không quan trọng vấn đề này, thậm chí tôi hỏi đến họ còn nói rằng “Chả biết! Nhưng mà bán được, kiếm tiền được là được rồi! Làm gì cho rắc rối!” và đúng là họ bán khá tốt thậm chí là giàu lên vun vút. Trong khi đó có những công ty trẻ có đầy đủ thì nổi lềnh bềnh được vài tháng, vài năm rồi lặn luôn mất tăm. Vậy những tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị đó có thật sự quan trọng đối với một doanh nghiệp khi mới thành lập hay không? Hay thôi ta cứ làm tới, kiếm tiền tới, có nhiều tiền, trả lương đầy đủ cho nhân viên là được? “Chúng ta lập ra doanh nghiệp để làm gì?” Đấy mới đúng là câu mà chúng ta trả lời. Và trả lời được cái gì thì đó mới chính là cái sứ mệnh mà ta phải theo. Thầy cũng có nói rằng, tiền cũng là một lý do, bán cho vui, bán vì thích cũng là lý do… nên mấy anh mà “giàu vun vút” ở trên kia là đã trả lời được câu hỏi này một cách rõ ràng rồi, nhưng không viết ra giấy mà thôi. Và cũng qua đấy, những công ty trẻ mà tôi biết sớm nổi tối chìm, khi đặt tầm nhìn sứ mệnh thường không có ăn khớp với câu trả lời cho câu hỏi ở trên. Như thầy Thi nói thì thật ra họ hay lấy từ câu của công ty khác rồi “chỉnh sửa lại tí” và đặt vào cho mình. Vậy câu trả lời là “sứ mệnh” là cái cần, nhưng chúng ta phải xác định cho thật đúng. Bằng cách trả lời câu hỏi trên thì đó sẽ trở thành 1 kim chỉ nam hữu ích cho doanh nghiệm mình cho dù ở giai đoạn khó khăn hay gặp những trở ngại khó khăn mà cảm thấy không thể giải quyết được. Tầm nhìn – sứ mệnh đến “bức tranh lớn” là điều mà mọi công ty đều nên hướng đến và phải có niềm tin thực sự về nó kể từ khi bắt đầu cho đến khi gần cuối con đường. Tuy nhiên, đích đến thì có 1, đường đi đến thì lại là 10, và nguy cơ – trở ngại trên nó chỉ có cả trăm – cả ngàn nhưng lương thực – sức đi lại là nguồn có hạn và phải biết phân chia sao cho hợp lý. Chứ để khi đạt được điều mong muốn rồi, nhưng sau đó nằm luôn thì mọi thứ thật vô ích. Mỗi doanh nghiệp đều có những cái đích nhỏ mà phải vượt qua, và phải vượt qua một cách khỏe khoắn nhất đề tiếp bước những trở ngại mới và vượt quá cái đích mới chứ không phải vượt qua quá nằm luôn một chỗ. Điều này mọi người có thể thấy rõ trong những quyết định của thầy với doanh nghiệp của mình: giới hạn loại hợp đồng – số lượng hợp đồng nhận vào cho doanh nghiệp của mình chứ không hề mở cửa nhận hết, và muốn phát triển ra khỏi biên giới Việt Nam thì phải chuẩn bị kĩ càng… với nhiều người khác thì quan điểm hạn chế như vậy là không tốt, có thể tìm kiếm nguồn đầu tư để mở rộng, thuê thêm nhân sự chất lượng cao để quản lý. Tuy nhiên, với cá nhân tôi thấy việc chuẩn bị kĩ càng sẽ tốt hơn nhiều nếu muốn phát triển một cách vững mạnh và trường tồn. Nhưng làm thế nào để hiểu thật sự năng lực của doanh nghiệp mình và quyết định có nên phát triển lên tiếp hay dừng ở mức đấy và chuẩn bị? Hoặc như có 1 doanh nghiệp có hỏi thầy rằng mức phát triển của anh ấy vượt qua mục tiêu đã định, thì giờ có nên để cho nó phát triển tiếp hay không và nên làm thế nào? Chúng ta sẽ lấy 2 tam giác của thầy Thi ra để giải quyết vấn đề này. Tôi sẽ giải thích cách quyết định theo sự hiểu biết của mình, bằng cả 2 tam giác một cách độc lập. Đầu tiên là tam giác quỉ Bermuda. Nhìn vào đấy bạn sẽ thấy mối liên hệ giữa các yếu tố: Nhu cầu (của khách hàng, thị trường), Tốc độ (thực thi của doanh nghiệp) và Chi Phí. Điều rất hiển nhiên ở đây là, nếu bạn đồng ý đáp ứng thêm nhu cầu của khách hàng, thì bạn phải nâng cao tốc độ thực thi của doanh nghiệp mình lên, vì một ngày chỉ có bấy nhiêu giờ thôi - ở đây,thì không phải chỉ mỗi việc tăng người làm, tăng dây chuyển, tăng máy móc, tăng cơ sở vật chất… mà ngay cả phương pháp xử lý của mỗi con người, suy nghĩ và tư duy của nhân sự rất quan trọng, vài chúng ta phải đầu tư đào tạo cho họ thêm vì kĩ năng nghề, thời gian đào tạo để đáp ứng nhu cầu... Tại sao công ty thầy bình quân doanh số đầu người chỉ hơn 1 tỉ, nhưng công ty khác lại hơn 6 tỉ. Điều đó phần nào cũng cho thấy rằng, quân đông chưa chắc đánh đã thắng. Và thực sự quân càng đông, cơ sở thiết bị càng nhiều thì chi phí càng phình ra và với vai trò của một CEO bạn phải nhìn thấy được cái tỉ suất lợi nhuận nó thật sự là như thế nào. Vì vậy, chúng ta nên nhìn vào nó và tự hỏi, doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ chưa? Nếu đủ, thì đi thêm bước nữa, nếu chưa thì nên dừng lại và chuẩn bị cho nó trong giai đoạn kế tiếp. Tuy nhiên, thay vì dựa vào tam giác quỉ đó để quyết định và phát triển, thì chúng ta nên dựa vào Tam giác thành công mà thầy có đưa ra. Nó là sự gắng kết chặt chẽ giữa Chiến Lược – Thực Thi – Con Người. Tam giác này hoàn toàn không có mũi tên, không có sự thúc đẩy bị động làm nên một vòng tuần hoàn nguy hiểm, mà nó là sự kết nối gắng kết bình đẳng giữa 3 yếu tốt với nhau. Với mỗi bước đi dự định đưa ra, mỗi chiến lược được quyết định. Từ đó doanh nghiệp sẽ đề ra những điều cần phải thực thi trong từng giai đoạn đấy và tìm kiếm những con người phù hợp để hoàn thiện nó. Vậy là, thay vì ngồi tự chất vấn thụ động như ở trên bởi tam giác quỉ, để xem mình đã chuẩn bị đầy đủ chưa rồi trả lời. Thì ở tam giác này chúng ta sẽ chủ động trả lời trước - ngay luôn khi vấn đề xảy ra mà không cần phải di qua quá nhiều lựa chọn. Vì mọi thứ đều đã nằm trong dự định sẵn cả rồi. Chốt lại toàn bộ những điều trên, để giải quyết câu hỏi cấp thiết cho mọi doanh nghiệp trong từng giai đoạn là: “Chúng ta sẽ cần phải làm gì?”, thì tam giác thành công này là khá đủ để một doanh nghiệp có thể ứng biến trong hầu hết các trường hợp khác nhau. Có điều, đôi lúc “Mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên”, đôi lúc trên con đường đi của doanh nghiệp có khá nhiều giai đoạn mà chúng ta không thể đỡ được, vì sự thay đổi của thị trường, chính trị, chính sách, tính cách khách hàng, nó làm cho bản thân mình đau đấu đi tìm lời giải và đôi lúc xem ra gần như tuyệt vọng. Tuy nhiên, đó chỉ là thử thách, vượt qua được nó thì doanh nghiệp sẽ trưởng thành thêm một nấc rất xa nữa để tiến tới bức tranh cuối cùng. Hầu như xuyên suốt bài giảng của thầy Thi tôi tâm đắc nhất về “niềm tin” của thầy, và theo chiêm nghiệm của tôi thì nó sẽ giải quyết được tình huống này. Mọi người có thể để ý được về sự cộng hưởng, lực hấp dẫn ở đây không? Với tôi nó đúng và nó khá là logic chứ không có “thần học” gì cả. Thầy cũng đã nói rất rõ ràng rằng nếu tính cách, giá trị cốt lõi của mình như thế nào thì những hành xử của mình sẽ phản ảnh ra những điều đấy. Và chính điều đấy thu hút những đối tượng giống mình. Khi bạn khẳn khái, bạn rõ ràng rành mạch, làm ăn tin tưởng tốt… thì tự dưng những quyết định, những đối tác mà bạn gặp phải cũng sẽ như vậy. Còn những đối tượng khác sẽ bị đào thải ngay, hoặc như thầy nói là sẽ bị “siêu lòng”. Kể cả với nhân sự! Và ảnh hưởng tới văn hóa của doanh nghiệp. Trong phần nói thêm về phát triển nhân sự cho doanh nghiệp, thầy cũng cho ta thấy được một ma trận về tính cách và khả năng làm việc của nhân sự. Nếu doanh nghiệp muốn đi xa hơn, tiến gần hơn tới sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp, thì phải lựa chọn đúng nhân sự sao cho phù hợp với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp – của lãnh đạo, của CEO. Ví dụ rất rõ ràng là Steve Jobs sau khi trở lại Apple, đã đề xuất đuổi hết toàn bộ nhân sự cũ và thay mới những người phù hợp với mình. Ở trong ma trận này, những người có tính cách phù hợp là những người được ưu tiên phát triển. Còn những người làm tốt nhưng không có tính cách phù hợp thì thầy bảo chỉ nên cho vào việc mà họ làm tốt nhất mà thôi. Một ví dụ rất hay nữa trong phim The Founder mà thầy có giới thiệu bạn có thể thấy rõ là anh chàngquản lý cửa hàng đầu tiên và người vợ thứ 2 của ông trùm McDonald là người rất hợp tính, hợp suy nghĩ của ông. Và đó cũng là lý do McDonald phát triển ra hàng trăm Quốc Gia sau này mặc dù người sang lập của nó không còn nữa. Tuy nhiên, với tình hình nhân sự khó khăn như hiện tại, có “cải thiện được” tính cách của nhân viên không để giữ họ không? Với thầy Thi thì là không. Với kinh nghiệm bản thân tôi thì điều này còn tùy với cách đào tạo của mỗi doanh nghiệp, môi trường mà doanh nghiệp dành cho họ. Thực trạng hiện tại đối với các công ty nhỏ và khởi nghiệp thì vấn đề nhân sự ra vào hoặc không trung thành là chuyện dễ hiểu. Tùy vào tính chất công việc và môi trường công việc, doanh nghiệp có thể có những chính sách ràng buộc – ép buộc – ưu đãi để giữ chân và phát triển doanh nghiệp một cách tốt nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ phải quay về những ý trên mà thầy đã truyền đạt. Thay vì dành cho giải quyết cả doanh nghiệp, ta sẽ dung để giải quyết nhân sự: “Thay đổi họ để làm gì?”, “Làm gì để thay đổi họ?” và đặt thử 2 tam giác bỏ túi kia vào trường hợp này xem có phù hợp không? Đây là lời khuyên cá nhân của tôi chứ hoàn toàn không phải ý của thầy Thi. Mặc dù, rất khó, tuy nhiên “sợ gì không thử”, và hãy cứ “Luôn luôn hy vọng điều tốt nhất Nhưng phải chuẩn bị cho những điều xấu nhất sẽ xảy ra” --------------------------- Ps: Một chút cảm xúc cá nhân mong thầy đồng ý! Cám ơn thầy Lâm Minh Chánh và ban tuyển đã duyệt em vào lớp CEO lần này. Thật sự sau khi tham gia buổi đầu tiên cùng bài giảng thầy Thi đã cho em chiêm nghiệm rất nhiều những cái lầm mà mình mắc phải – và có sửa rồi. Nên ước gì được đi học sớm hơn từ cách đây… 4 năm Hiện tại em đang trong giai đoạn chuẩn bị mọi thứ lại từ con số 0 tròn trĩnh, một cách kĩ càng nhất. Nên theo tinh thần sẽ vừa học hỏi, vừa cống hiến và hỗ trợ tốt nhất cho các anh chị em trong lớp CEO SG4. Nên rất hy vọng thầy chủ nhiệm cùng các thầy có sức khỏe thật tốt để cùng giúp lớp phát triển.