QUẢN LÝ MUỐN ĐẨY PHẦN ĐÀO TẠO RA NGOÀI KHI NÀO?

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi 2018, 23/3/18.

  1. 2018

    2018 Member

    Ngoài những ý nghĩa thông thường rất tốt đẹp về phần đào tạo, các doanh nghiệp thông qua các cấp quản lý còn muốn thực hiện một số việc khác mà xét về mặt bằng chung là tốt cho doanh nghiệp, nhưng lại khá lạ. Chủ doanh nghiệp khi phê duyệt các chương trình này cần hiểu rõ lý do ngầm phía đằng sau các khoá đào tạo kiểu đó

    1. Khi họ muốn mượn tay người ngoài dạy người trong, thường là ở cấp cao hơn hợ, “dạy” luôn cả giám đốc: Đây là trường hợp hay xảy ra khi nội bộ công ty không có sự thống nhất. Có thể quản lý biết cách làm chuẩn nhưng do không có vị thế nên họ không có điều kiện để nói ra. Nghe có vẻ lạ nhưng trường hợp này rất phổ biến trong dạng công ty quy mô lớn, bộ máy quản trị không linh hoạt hoặc quyền lực quá tập trung vào một vài người chủ chốt. Quản lý góp ý thẳng với sếp không được đành phải nói qua một người khác.

    2. Khi họ không chắc về năng lực của mình: vì họ không đủ trình độ hoặc chưa đủ tự tin để dạy nên họ mượn tay người khác dạy hộ mình. Cũng là một phép thử để xem người khác sẽ nói gì và mình có nên theo cách đó dạy nhân viên không. Hoặc đơn giản hơn là họ muốn xem nhân viên phản ứng với người ngoài vào dạy ra sao để rút kinh nghiệm. Phát hiện ra được nhân viên nào sẽ ủng hộ nhân viên nào sẽ phản ứng kiểu tiêu cực và theo dạng nào để chỉnh khi chính họ sau đó phải đứng dạy. Cá biệt có một số trường hợp quản lý có kiến thức nhưng lại muốn thầy ngoài vào để họ hệ thống hoá sẵn lại cho mình, rồi mượn luôn slide để trình bày, đỡ mất công phải làm.

    3. Khi họ muốn học hỏi thêm những người cùng ngành: Ngay cả các công ty chuyên nghiệp hàng đầu mỗi ngành đều cũng rất phục thiện về mảng học hỏi. Họ sẵn sàng mất nhiều tiền để thuê giảng viên cốt để nghe xem các thầy đi giảng nhiều nơi thì câu chuyện sẽ khác biệt ra sao và có gì hay thì học. Tôi từng dạy một nhóm các học viên là doanh nhân người Nhật. Lớp học tiếng là học tiếng Anh nhưng thực tế họ hỏi tôi những câu liên quan tới kinh doanh để rà soát xem ở Việt Nam giới chủ nghĩ gì và ngành nào tiềm năng ra sao, cơ chế hoạt động ngành như thế nào. Như thế, thay vì mất tiền vào tư vấn kiểu 1-1 thì họ vừa được học tiếng Anh lại vừa tương tác với người có thực tế ở một thị trường mà họ chưa có nhiều kinh nghiệm. VÀ quả thật trong suốt quá trình dạy, họ học tiếng Anh thì ít mà đưa ra các câu hỏi về thực tế kinh doanh và văn hoá của người Việt thì nhiều!

    4. Khi họ muốn tiêu cho hết chỗ tiền mà công ty chưa biết tiêu vào đâu: Đây là dạng công ty có ngân sách dành cho học tập khá lớn, không tiêu hết năm nay thì năm sau sẽ bị lãnh đạo cắt bớt nên họ phải làm mọi cách để đạt giới hạn chi tiêu không thì sang năm sẽ “thiệt”! và ai cũng hiểu là họ có lợi gì trong khoản chi cho nhân viên đi học!

    5. “Trả thưởng” cho nhân viên lâu ngày đói kiến thức: Đây là trường hợp các công ty muốn kiến tạo các giá trị về phần Tưởng thưởng nhiều hơn, đa dạng hơn chứ không phải chỉ phụ thuộc vào tiền. Đặc biệt với công ty có đội ngũ nhân viên trẻ trung, năng động đang ham học hỏi, cách làm này rất có giá trị. Cũng không phải tới gần đây mới nảy sinh ra hiện tượng là trả thưởng kèm trong kiến thức thì các quản lý còn yêu cầu các “thầy” phải tăng thêm giá trị EQ cho các khoá học để nhân viên thấy cuộc đời mình có ý nghĩa, công việc của mình là hữu ích và mình ra đời và phát triển là do một sứ mệnh cao cả. Việc này nâng cao tinh thần nhân viên, nhưng phải biết cân lượng cho phù hợp vì nếu tập trung vào mảng này quá thì sẽ tạo ra một đội nặng về tinh thần chứ không mạnh về kỹ năng và hệ thống.

    6. Làm căng đối với nhân viên sau đó có cái mà nói với họ “đấy, thấy người ngoài họ làm như thế đó, liệu mà làm!”. Nói gọn lại là cảnh cáo một số vị còn đang mơ hồ nhanh chóng quay trở lại với con đường “chính nghĩa” chớ có chậm trễ mà vào danh sách tội phạm sẽ bị mang ra xét xử. Trước mỗi lớp dạy, quản lý thường ngồi với giảng viên để đưa ra yêu cầu cho lớp, thì với những lớp như thế này, họ sẽ nêu thẳng nhu cầu muốn chỉnh đốn những gì và muốn thầy tập trung vào đối tượng nào.

    7. Khi họ muốn nhờ người khác “lọc” nhân viên: Do vị giảng viên là người có kinh nghiệm nên công ty thuê anh ta về để nhờ con mắt nhà nghề của anh ta mà lọc ra xem trong số nhân viên ai ổn ai không. Thậm chí câu chuyện còn được đẩy xa hơn, là công ty nhờ luôn giảng viên cho biết giữ được ai và loại ai. Đây là kiểu họ muốn tránh va chạm với nhân viên vì thế cố tình để giảng viên đưa ra quyết định còn nếu nhân viên sau đó có thắc mắc gì thì họ đổ cho việc tại giảng viên quyết vậy!

    Các lớp đào tạo vốn là một dịp sinh hoạt trong công ty, một hoạt động thường niên tạo ra nề nếp và những kiến thức mới, hữu ích, tốt đẹp với doanh nghiệp. Với mỗi vị trí của hệ thống quản lý doanh nghiệp nó mang lại một giá tri khác nhau. Chúng ta cần xác định chính xác mình mong muốn điều gì và thực hiện. Mỗi cách đều có cái hay và cái dở, chọn cái nào là do chính chúng ta.
     
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...