PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO LÀ PHÁT TRIỂN CÁI GÌ?

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Người đưa tin, 3/11/17.

  1. Nếu coi LÃNH ĐẠO là một THÁI CỰC hoàn chỉnh.
    Thái cực sẽ sinh Lưỡng Nghi là Âm và Dương.
    Phần ÂM là phần thuộc về những ĐIỀU KIỆN CẦN để một người trở thành lãnh đạo. Âm tượng trưng cho sự THU VÀO, chính là những thứ thuộc về bản thân của một người, mà theo mình là có 3 thứ: NHÂN SINH QUAN, TÍNH CÁCH (giá trị cốt lõi cá nhân) và NĂNG LỰC CHUYÊN MÔN.

    Phần Dương thuộc về những ĐIỀU KIỆN ĐỦ để một người lan toả, gây ảnh hưởng tới một người, một nhóm người hay một cộng đồng. Dương tượng trưng cho sự phát ra, lan toả, mà theo mình có 2 điều: SỨ MỆNH và HÀNH ĐỘNG theo sứ mệnh đó.

    Tuỳ cơ duyên cũng như những yếu tố bẩm sinh của mỗi người mà ta có thể phát triển phần Dương trước, Âm sau hoặc Âm trước, Dương sau.

    Tức là có những người nhận ra/tìm thấy SỨ MỆNH của bản thân và bắt đầu hành động, trong quá trình đó, họ mới bắt đầu phát triển năng lực chuyên môn, rèn luyện tính cách và mở rộng nhân sinh quan.

    Còn có những người cứ vô định không có hướng đi, nhưng họ biết bản thân phải phát triển năng lực chuyên môn, sửa đổi tính cách và luôn để cho nhân sinh quan của mình rộng mở và tích cực, rồi trên con đường họ đi, cơ duyên dẫn dắt họ đến SỨ MỆNH của mình, và họ bắt đầu HÀNH ĐỘNG.

    Vậy, nói là phải làm gì để phát triển năng lực lãnh đạo thì có 5 việc cần làm:
    1. Phát triển năng lực chuyên môn - Một người lãnh đạo dù ở vị trí nào thì phải có ít nhất một chuyên môn phải giỏi (kiến thức chắc và sâu, kỹ năng cao và kinh nghiệm phong phú). Nhiều bạn đã có sứ mệnh rồi, nhưng chỉ tiếc là năng lực chuyên môn vẫn còn yếu, nên chỉ thu thập được những bạn không biết gì nhiều về chuyên môn, khó tìm được người giỏi hỗ trợ mình. Bản thân mình phải là người đầu tiên làm tốt những công việc trong trách nhiệm của mình thì người khác mới có đủ tin tưởng để đi cùng.

    Việc này không nhanh được, mất tối thiểu 5000h rèn luyện trong một chuyên môn nào đó (trung bình tối thiểu 3 năm). Chính vì lý do này nên người quá trẻ thường năng lực lãnh đạo khó có thể cao được.

    2. Xây dựng những giá trị cốt lõi cho bản thân: đây là việc chúng ta phải ĐỊNH HÌNH NHỮNG TÍNH CÁCH RIÊNG đặc trưng của bản thân bằng cách phát huy những tính cách tốt và loại bỏ dần những tính cách xấu của mình.

    Tính cách của chúng ta bị yếu tố bẩm sinh và môi trường chi phối rất nhiều. Để liên tục tự đánh giá và phản biện bản thân trong từng suy nghĩ, lời nói, hành động, hướng đến điều tốt đẹp là một việc không nhiều người làm được. Phải luôn có tinh thần cầu tiến, tiếp nhận sự đánh giá, chê trách của mọi người và quyết tâm sửa đổi thì mới được. Ở vấn đề này thì người càng lớn tuổi càng khó thực hiện hơn. Giới hạn của một người lãnh đạo nằm ở phần TÍNH CÁCH rất nhiều.

    Anh sếp ở câu chuyện đầu tiên tôi kể là vướng ở đây. Tư tưởng thoải mái, sẵn sàng trả lương cao cho người có năng lực, nhưng tính cách lại hay nghi ngờ. Nhưng có lẽ còn là do chuyên môn của anh ấy yếu, kinh doanh thành công nhờ may mắn, hợp thời, nhạy bén trong cơ hội chứ không phải do kiến thức và kỹ năng vững vàng.

    Tầm lãnh đạo của Tào Tháo thể hiện ở câu nói: Biết sai, sửa sai nhưng không bao giờ nhận sai.
    Còn tầm lãnh đạo của đa số chúng ta là: Không biết sai (dốt và bảo thủ); Biết sai nhưng không sửa sai (Cố chấp).

    3. Mở rộng nhân sinh quan:
    Nhân sinh quan là cách chúng ta quan sát, nhìn nhận rồi đưa ra những quan điểm, quan niệm của ta về cuộc sống nhân sinh.
    Sở dĩ người lớn khó thay đổi bởi lý trí của họ đã bị che mờ bởi kinh nghiệm sống của chính bản thân họ. Lý trí đã mất kết nối với trái tim, khiến tư duy họ luôn luôn đóng. Họ chỉ tiếp nhận những điều phù hợp với kinh nghiệm cá nhân của mình, họ bảo thủ và khó tiếp nhận điều mới. Điều này cũng làm hạn chế năng lực lãnh đạo của một người.

    Có anh Thạch làm dự án Sách hoá nông thôn. Sứ mệnh rất tốt, hành động rất kiên trì, quyết liệt, tiếc là nhân sinh quan lại quá hẹp hòi và cực đoan. Cũng rất khó lan toả được sứ mệnh rộng hơn nữa.

    Nhân sinh quan của chúng ta phải liên tục mở rộng, đặc biệt là phải tích cực. Muốn vậy, ta phải có tư duy phản biện mọi thứ, kể cả chính quan điểm của mình. Không bao giờ được vội vàng kết luận điều gì khi ta chưa đủ bằng chứng. Luôn luôn phải để dư một lỗ thông hơi để ta có thể tiếp nhận cái mới. Đừng đóng chặt tư duy của mình vào một kết luận nào đó trong khi những thứ ta biết chỉ là giọt nước, còn thứ ta không biết là cả một đại dương.

    Và khi ta càng mở rộng nhân sinh quan, thì ta sẽ càng tiến gần đến tôn giáo và tâm linh, để cảm nhận được những điều lớn lao hơn về cuộc sống, về sinh mệnh, về con người, về vũ trụ và trở nên khiêm nhường hơn rất nhiều. Khi ta cảm nhận cái TÔI của mình sao nhỏ bé như vậy, chỉ là những đốm sáng lập loè có thể tắt bất cứ lúc nào, thì ta mới biết thực sự trân trọng cuộc sống, trân trọng từng cơ duyên trong cuộc đời mình. Khi đó thực sự ta đã có thể trở thành một người lãnh đạo với sức ảnh hưởng vô cùng lớn rồi đó.

    4. Tìm kiếm sứ mệnh của bản thân
    Trong từ Lãnh đạo thì Lãnh có nghĩa là dẫn dắt, Đạo là sứ mệnh, là con đường mà ta phải đi.
    Là lãnh đạo phải có đạo, có sứ mệnh.
    Sứ mệnh là lý do linh hồn ta đầu thai vào kiếp này, là giá trị mà ta tạo ra cho người khác, cho xã hội.
    Sứ mệnh thực ra là điều ta thực hiện để linh hồn mình được tiến hoá lên tầng cao hơn, nhưng ta chỉ làm được điều đó thông qua việc giúp đỡ người khác mà thôi.
    Sứ mệnh cũng là hành trình ta từ bỏ cái tôi cá nhân ích kỷ để phụng sự người khác.
    Sứ mệnh đương nhiên có nhiều mức độ lớn nhỏ khác nhau.
    Sứ mệnh càng lớn thì sức ảnh hưởng của chúng ta càng cao.
    Sứ mệnh cũng chính là điều mà đa số chúng ta cảm thấy còn thiếu trong kiếp sống này.
    Không phải cứ giúp ích cho xã hội mới là sứ mệnh. Phụng sự gia đình mình, những người yêu thương mình cũng là sứ mệnh (nếu bạn lựa chọn sứ mệnh của bản thân mình dừng ở giới hạn như vậy - vì sứ mệnh có mức độ lớn nhỏ khác nhau tuỳ theo mức độ tiến hoá của linh hồn chúng ta).

    5. Hành động vượt ra ngoài bổn phận
    Nôm na người ta gọi là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Tức là chúng ta làm một việc tốt mà không nhất thiết ta phải làm như vậy.
    Hành động theo sứ mệnh đương nhiên ta sẽ làm được điều này một cách rất tự nhiên.
    Nhưng ngay cả khi không có sứ mệnh, bạn vẫn có thể gây ảnh hưởng bằng việc hành động vượt ra ngoài bổn phận (đó là thông điệp mà cuốn sách NHÀ LÃNH ĐẠO KHÔNG CHỨC DANH muốn truyền tải đến chúng ta).
    Ví dụ dù không ở vị trí lao công, hay hành chính nhưng lúc nào ta cũng có ý thức dọn dẹp văn phòng công ty sạch sẽ, để đồ đạc đúng vị trí mặc dù người khác rất bừa bộn, thì điều đó cũng khiến ta gây ảnh hưởng rất tốt đến mọi người.

    Khi ta nói ra những câu như: Đây không phải việc của em!
    Thì tại sao câu nói đó đúng nhưng người khác, đặc biệt là sếp của bạn đều không thích? Chính bởi vì câu nói đó đã giới hạn năng lực lãnh đạo và khả năng gây ảnh hưởng của bạn với người xung quanh và với sếp.
    Khi đó không phải việc của bạn, mà bạn vẫn cố gắng làm cho tốt, điều đó mới khiến năng lực lãnh đạo của bạn phát triển và lan toả.

    Từ 5 điều trên, chắc hẳn các bạn đã có rất nhiều ý tưởng trong việc phát triển năng lực lãnh đạo của bản thân đúng không?

    Chắc chắn sẽ có một bài nữa mình sẽ viết thành những hành động cụ thể để bạn có thêm những ý tưởng mới, sau đó bạn nên xây dựng riêng cho mình một kế hoạch để phát triển năng lực lãnh đạo của mình hàng ngày.

    Và nhớ rằng, năng lực lãnh đạo không phải thứ xây dựng trong ngày một, ngày hai, đó phải là hàng ngày, đều đặn và sẽ giúp các bạn tạo ra được những bước ĐỘT PHÁ trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống cá nhân.
     
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...