KHÔNG PHẢI BỆNH NÀO CŨNG CẦN UỐNG THUỐC Tâm lý người bệnh khi đi khám dù bất kỳ nguyên nhân nào như đau đầu, mệt, hắt hơi,... đều mong bác sĩ kê đơn thuốc về để uống hết ngay các triệu chứng khó chịu đó. Tuy nhiên, có nhiều bệnh không thực sự cần sử thuốc. SỰ THẬT, đa phần các bệnh phổ thông như: cảm cúm, sốt virut, viêm họng,… đều tự khỏi và không cần uống thuốc. Một số bệnh thì cần theo dõi xem tiến triển có nặng lên hay mất đi không, khi đó nếu sử dụng thuốc có thể làm “lu mờ” các dấu hiệu quan trọng của bệnh dẫn đến chẩn đoán thiếu hoặc điều trị không đúng. Nếu bạn vào viện vì một cơn đau bụng sau đó tự hết, bác sĩ cần theo dõi thêm xem cơn đau tiến triển như thế nào, lúc đó nếu sử dụng thuốc giảm đau hoặc kháng sinh, có thể làm mất các dấu hiệu quan trọng của viêm ruột thừa. Khi đó, hậu quả là bạn có thể bị biến chứng nặng do ruột thừa viêm, hoại tử nhưng phát hiện muộn do bị các thuốc trước đó làm mất đi các dấu hiệu quan trọng. Không uống thuốc, không có nghĩa bác sĩ quên hay xem nhẹ cơn đau của bạn, mà điều đó tốt cho bạn. Bên cạnh sự không quan tâm đến sức khỏe của nhiều người hiện nay, cũng có một cộng đồng người bệnh bị lạm dụng, phụ thuộc vào thuốc, nhức nhối nhất là thuốc giảm đau. Đã nhiều bệnh nhân bị xơ gan, suy gan sau một thời gian dài lạm dụng thuốc giảm đau, nhiều người biến chứng loét dạ dày vì uống thuốc không đúng chỉ định. Thuốc để điều trị bệnh, không phải để uống cho an tâm hay uống dự phòng đau, dự phòng sốt,... Nếu có 1 dấu hiệu bệnh cấp tính mà bác sĩ không vội kê thuốc thì bạn hãy yên tâm rằng bạn không mắc căn bệnh trầm trọng nào đó hoặc bạn đang được theo dõi sát để sớm phát hiện ra một bệnh mà nếu uống thuốc sẽ làm mất đi dấu hiệu để bác sĩ kịp thời chẩn đoán. Bạn nên ăn uống khoa học, ngủ đúng giờ, tập luyện thể thao và giữ thói quen kiểm tra sức khỏe định khỏe định kì để giữ cho mình một trạng thái sức khỏe tốt nhất.