Khoảng 13% người trưởng thành trên thế giới béo phì, các mô hình tiên lượng cũng ước tính tỷ lệ béo phì sẽ đạt 18% ở nam và 21% ở nữ đến năm 2025 [1,2]. Đây là những con số đáng lo ngại khi mà việc chỉnh liều trên người bệnh béo phì vẫn đang là một thách thức đối với NVYT, đặc biệt là trên người bệnh nặng. Béo phì có ảnh hưởng rất lớn đến dược động của thuốc, nhất là thể tích phân bố và độ thanh thải. Mối tương quan giữa các thông số dược động này và cân nặng lại càng phức tạp hơn khi liều thuốc hầu như không dựa vào cân nặng thực (total body weight - TBW) mà được điều chỉnh theo nhiều cách tính cân nặng khác như cân nặng lý tưởng (ideal body weight - IBW), cân nặng khối cơ (lean body weight - LBW) hoặc cân nặng hiệu chỉnh (adjusted body weight). Đây còn là nhóm người bệnh thiếu các dữ liệu chất lượng cao và khuyến nghị về liều lượng trong thông tin kê đơn. Hơn nữa, các đối tượng này phần lớn không được tuyển mộ trong nhiều thử nghiệm lâm sàng, nên việc dùng liều trong các nghiên cứu để áp dụng trên người bệnh béo phì có thể tồn tại nhiều nguy cơ. Bài review đăng trên Journal of Critical Care sẽ giới thiệu khái quát cách tiếp cận chỉnh liều trên người bệnh béo phì nghiêm trọng. Hơn thế nữa, các tác giả cũng sẽ lý giải 5 lầm tưởng và cung cấp 5 kinh nghiệm lâm sàng về việc việc chỉnh liều trên đối tượng này, sao cho đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả điều trị nhưng hạn chế được các tác động bất lợi. 10 nhận định được đề cập trong bài bao gồm: 1. Lầm tưởng: Áp dụng một loại cân nặng cho tất cả các thuốc 2. Lầm tưởng: Cho rằng IBW tương tự LBW 3. Lầm tưởng: Cho rằng cân nặng không thành vấn đề đối với thuốc chỉnh liều nhanh để thấy tác động (ví dụ: propofol) 4. Lầm tưởng: Cho rằng chỉ có thuốc thân dầu mới cần chỉnh liều ở người bệnh béo phì 5. Lầm tưởng: Ưu tiên dùng các thông số dược động giúp đạt mục tiêu điều trị cho dân số chung trong các nghiên cứu về nồng độ thuốc 6. Kinh nghiệm: Thống nhất cách đo cân nặng thực và không thay đổi cân nặng một khi đã tính liều 7. Kinh nghiệm: Khi đánh giá y văn để hỗ trợ cho việc chỉnh liều, đảm bảo rằng cân nặng của người bệnh cần chỉnh liều được thể hiện rõ trong y văn đó 8. Kinh nghiệm: Đánh giá khả năng chỉnh liều theo tương quan giữa liều và cân nặng khi chưa có thử nghiệm lâm sàng 9. Kinh nghiệm: Cần cân bằng được lợi ích và nguy cơ của việc dùng liều cao hơn hoặc chỉnh liều dựa trên cân nặng thật. 10. Kinh nghiệm: Chiều dài kim không phù hợp có thể thay đổi dược động của thuốc tiêm bắp so với tiêm dưới da Link fulltext: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0883944122001344 Tài liệu tham khảo: 1. WHO. Obesity and overweight. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/obesity-and-overweight. 2021 Jun. Accessed 2022 Aug. 2. NCD Risk Factor Collaboration (NCD-RisC). Trends in adult body-mass index in 200 countries from 1975 to 2014: a pooled analysis of 1698 population-based measurement studies with 19·2 million participants. Lancet. 2016 Apr 2;387(10026):1377-1396.