Cách đây hơn 1 tháng, mình được một người bạn thân hẹn ra quán cafe để chia sẻ lại những điều bạn đã học được mà cảm thấy rất tâm đắc, bạn thấy hay quá muốn được nhiều người biết đến và áp dụng, và theo bạn (cũng giống với suy nghĩ của mình) khi chia sẻ điều gì hay cho người khác cũng là lúc mình ôn luyện lần nữa để điều hay này “ngấm” sâu vào mình hơn, cũng như mình đang viết ra đây, lỡ sau này có quên thì lôi lại đọc. Người bạn thân mình đã chơi hơn 17 năm qua, và hơi ngạc nhiên một chút khi bạn nói Anh XYZ-chủ tịch của ABCD là chú của bạn và những điều hay bạn sắp chia sẻ đây chính là từ lớp học của chú bạn dành riêng cho các cháu trong gia đình, mặc dù đề tài này chú ấy đã học từ nước ngoài, đã đi chia sẻ cho rất nhiều người, nhiều lớp học trước đó. ( các anh chị trong Group mà đã từng học qua lớp này, nếu nghe tới những giá trị sau sẽ biết mình đang nhắc đến Anh XYZ nào) Để mở màn, bạn hỏi mình một câu định nghĩa thế giới của mình là gì, mình mới trả lời tùy thời điểm có khi mình thấy thế giới là bao gồm người giàu và người không giàu, người hạnh phúc và người không hạnh phúc...Bạn nói đúng rồi với chính trong bản thân một cá nhân thì đôi khi đã không giống nhau khi định nghĩa về thế giới thì rất khó kiếm được ( hầu như không có) định nghĩa giống nhau giữa những người khác nhau hay nói cách khác mỗi người đều có một thế giới riêng của mình. Vì thế đừng bao giờ phán xét ai sai cả, vì chỉ đơn giản đó là quan điểm của họ, được xây dựng từ thế giới riêng của họ và quan điểm của bạn không phù hợp với quan điểm đấy, chỉ thế thôi!. Để tìm tiếng nói chung, để người khác có thể hiểu chung “ngôn ngữ” của mình, bước vào thế giới của mình thì trước hết bạn phải hiểu thế giới của người khác, có sự đồng cảm rồi từ từ dẫn dắt họ vào thế giới của mình trong một tâm thế thoải mái và hợp tác. Điều này nói ra thì dễ những thực hành không dễ chút nào đâu. Bản thân mình cũng đang cố gắng áp dụng mỗi ngày. Chả là mình và ông xã làm việc chung cũng hay xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm lắm. Vì ảnh nhìn và xử lý công việc dưới góc độ người thiết kế và nhà sản xuất còn mình thì hành xử theo hướng người đi bán hàng, thường xuyên tiếp xúc với khách hàng và mong muốn làm khách hàng hài lòng nhất, mình đi làm công việc lan tỏa thương hiệu để nhiều người biết đến...Mỗi lần mâu thuẫn đến “cao trào” là mình nhớ lại lời người bạn mình nói nếu không cư xử ôn hòa, người kia đóng lại thế giới của họ thì bạn làm gì còn cơ hội bước vào thế giới của họ, tìm hiểu họ và dẫn họ sang thế giới của mình để tìm tiếng nói chung...Vì thế hít thở sâu..1..2.3...hihi ^^ mọi chuyện từ từ còn có đó...Mọi người thử áp dụng điều này khi có mâu thuẩn với ai đó nè! Ngoài ra, bạn mình chia sẻ về 4 giá trị mà con người hãy nên hướng đến là: luôn giữ đúng cam kết, luôn chân thật, luôn nhận lỗi về mình, luôn cam kết một cái gì đó lớn lao. 1. LUÔN GIỮ ĐÚNG CAM KẾT: giá trị này rất phù hợp với bản thân mình và tiêu chí hoạt động của công ty mình. Trong vấn đề lựa chọn đối tác chiến lược và nhân viên thì đây là yêu cầu bắt buộc. Dĩ nhiên những công ty làm việc không cam kết bên mình vẫn hợp tác nhưng chắc chắn không đi chung đường lâu dài được. Mọi người đừng nghĩ việc đó nhỏ, nói rồi không thực hiện cũng có sao đâu nhưng mà người khác có quyền nghĩ việc nhỏ người đó đã cam kết mà không thực hiện vậy liệu giao việc lớn đến tay họ thì sẽ ra sao? Mình đã làm việc qua hai tập đoàn nước ngoài và các đối tác công ty nước ngoài khác và thấy rằng họ làm điều này rất rất tốt, đã cam kết là thực hiện đúng, chuẩn xác, đúng việc, đúng giờ, đúng chất lượng. Điều này rất đáng học hỏi ở những con người phương Tây luôn đi thẳng trực diện vấn đề và lấy hiệu quả công việc làm trọng tâm. 2. LUÔN CHÂN THẬT: điều này theo mình khá quan trọng để có được sự thành công trong kinh doanh hay giữ vững mối quan hệ trong gia đình. Đó là hãy nói đúng bản chất vấn đề, không nói quá những gì mình có. Một mối quan hệ bền vững và hoàn hảo khi các bên hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau, việc tin tưởng lẫn nhau chỉ xảy ra khi người ta sống chân thật. Sẽ như thế nào nếu trong một công ty Sếp không tin tưởng nhân viên, nhân viên cũng chẳng tin Sếp thật? Trong gia đình thì vợ và chồng luôn hoài nghi lẫn nhau? Nói chung, nếu bạn là người không thật thì trước sau gì người khác cũng nhìn thấy được hoặc ít ra người bạn lương tâm của bạn sẽ luôn đồng hành suốt đời ít nhiều sẽ làm bạn đắn đo về sự không thật này. 3. LUÔN NHẬN LỖI VỀ MÌNH: điều này cực kỳ khó làm Theo lời bạn mình chia sẻ và mình thấy hoàn toàn đúng, thường có việc gì xảy ra người ta hay có xu hướng tìm ra truy vấn lỗi sai của người khác mà ít khi quay lại nhìn nhận bản thân xem mình có đóng góp tí phần (đôi khi phần nhiều) nào gây nên vấn đề này. Chẳng có ích gì nếu mọi người cùng moi móc lỗi sai ở nhau và gây ra tranh cãi không đáng có, mà nên chăng mỗi người tự soi xét bản thân và tìm ra hướng giải quyết, học từ cái điều không hay lần này để lần sau rút kinh nghiệm, sẽ cố gắng làm tốt hơn hoàn thiện bản thân. 4. LUÔN CAM KẾT MỘT CÁI GÌ ĐÓ LỚN LAO: hãy nghĩ và luôn hướng về những mục tiêu lớn lao để mà phấn đấu ( nhưng không phải là khoác lác nhé hihi). Khi nghe bạn chia sẻ đến đây mình liên tưởng đến quan điểm “think big, do small” mà chị Lan Phan Bercu đã từng nhắc đến trong lần hội thảo về “ Đột phá sự nghiệp và kinh doanh 10% vs 10x” đại khái hãy nghĩ về mục tiêu lớn, nhưng hãy làm thật tốt từ những việc nhỏ nhất. Nhờ những mục tiêu lớn giúp thúc đẩy chúng ta đến những thành công lớn hơn, dám thoát ra khỏi vùng an toàn “comfort zone” của mình, để dấn thân, để cháy hết với đam mê, để cố gắng nhiều hơn nữa để..đạt được mục tiêu ^^ Hy vọng bài viết này sẽ có ý nghĩa với ai đó và rất vui vì tìm được những người cùng quan điểm và “tiếng nói” của mình. CHÚC CẢ NHÀ CUỐI TUẦN VUI VẺ HẠNH PHÚC