Trong một post gần đây "Chúng ta có đọc đủ sách chưa"anh Lâm Minh Chánh có ý kêu gọi mọi người hãy làm siêng đọc sách. Lời kêu gọi không thừa chút nào bởi thử làm một vote, và nếu nhiều người nghiêm túc, trung thực tham gia, ắt sẽ có được con số không ít người đã mấy tháng trời rồi không hệ đụng tới cuốn sách. Lý do sẽ có rất nhiều: bận rộn, đọc những bài hay trên FB, đặc biệt ở group Quản trị và Khởi nghiệp cũng đủ rồi... vân vân và vân vân. Khi không muốn hoặc không thể làm một điều gì đó, người ta có chán vạn gì lý do. (Và dĩ nhiên, nếu muốn làm sẽ cố nghĩ ra giải pháp). Xin được hưởng ứng lời kêu gọi này, rủ rê mọi người đọc sách bằng những gì cảm nhận từ chính những cuốn sách. Đừng có tin vào lòng biết ơn về những gì đã làm cho người khác trong quá khứ. Phải bắt họ mang ơn vì những gì sẽ làm cho họ mang ơn trong lương lai – đó là lời của Ông Trùm Aprile chia sẻ cùng chàng trai Astorre trong cuốn sách Luật im lặng (cũng là tác giả cuốn Bố già: Mario Puzo). Đúng, sai cũng tùy quan điểm của mỗi người, nhưng những sự liên tưởng sẽ không thừa. Có phải vậy không, những người ngày đầu mà ta rủ rê dựng nghiệp cũng sẽ bỏ ta mà đi nếu ta không còn đem đến được cho họ một tương lai xán lạn. Hay những bạn sinh viên mới ra trường ngày nào chân ướt chân ráo chả biết gì nhờ doanh nghiệp ta học hỏi được bao điều rồi cũng sẵn sàng nhảy sang bến khác, nếu thấy bến bờ đó có tương lai hơn. Hay, trong cuốn Con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Luis Sepúlveda (một cuốn sách dành cho thiếu nhi) lại sẽ là sự nhắc nhở cho chúng ta việc chấp nhận sự khác biệt. Là sếp, là quản lý thường thì cái tôi chúng ta bự chà bá, đến mức ít khi chấp nhận những ý kiến trái chiều, những phản biện. Đã thế, cái ghế uy quyền lại xui khiến chúng ta thích nghe những lời nịnh nọt, những lời xuôi tai, những lời mà chúng ta muốn nghe. Chúng ta khư khư suy nghĩ chỉ mình mới đúng, nhưng chắc gì, thứ ta đúng hôm nay ngày mai trật lất. Ta ép nhân viên nghe cái ta thấy đúng và nhân viên sẽ bằng mặt mà không bằng lòng. Dám chấp nhận sự khác biệt không, dám nghe lời nghịch nhĩ không, thưa ta? Hoặc Sống sao trong thời đại số (The new digital age – Eric Schmidt và Jared Cohen) sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn sâu sắc về những gì mà công nghệ sẽ đem lại, cả lợi ích rất nhiều, mà nguy cơ cũng không ít. Doanh nghiệp chúng ta cũng vậy, đã biết tối ưu hóa những gì công nghệ thông tin đem lại chưa (hay vẫn ậm à ầm ừ hình như đang là kỷ nguyên 4.0 gì gì đó), đã lường trước những rủi ro gặp phải chưa hay mãi say sưa làm ăn mà quên những chuyện bảo mật. 33 chiến lược của chiến tranh (Robert Green) sẽ là liên tưởng thú vị thương trường – chiến trường. Những ví dụ tiêu biểu trong cuốn sách làm chúng ta mở mang kiến thức lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế, và những bài học sau đó đáng để chúng ta suy ngẫm chuyện làm người, chuyện điều hành doanh nghiệp, chuyện kinh doanh trong đời sống. Còn nhiều nhiều nữa những cuốn sách mang lại vô vàn giá trị cho chúng ta... mà chỉ cần mỗi ngày nghiêm túc dành ra chừng 20-30 phút là cùng với thời gian, chúng ta tích lũy được bao điều. Trở lại câu hỏi ở đầu post là: chúng ta muốn lý do hay chúng ta muốn giải pháp? Và tham vọng của post này: Kêu gọi hưởng ứng tinh thần đọc sách? Kêu gọi sự giới thiệu những cuốn sách hay? Không, nào chỉ dừng lại ở đó: kêu gọi một ngày mai bạn sẽ viết sách. Không viết riêng thì sẽ viết chung. Như nhiều người đã từng bày tỏ sự bất ngờ lẫn hạnh phúc khi bài viết của mình được chọn sử dụng trong bộ sách của Group Quản trị và Khởi nghiệp vậy. Đã thích sao không thử nhích? Chưa thích thì sao không thử nếu biết rằng đó là điều mang lại nhiều lợi ích? Link bài viết: Những gì để học từ sách