NHỮNG ĐIỀU CẦN CHUẨN BỊ ĐỂ XÂY DỰNG THÀNH CÔNG MỘT XƯỞNG DỊCH VỤ

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Người đưa tin, 1/11/17.

  1. (Bài viết cho anh em nào muốn kinh doanh liên quan đến ngành dịch vụ ô tô và một số anh em làm kỹ thuật khởi nghiệp có thể tham khảo để có thêm góc nhìn)

    Bài viết khá dài anh em chịu khó đọc nhé. Bài viết này được viết theo kinh nghiệm của cá nhân đã trải qua, và có thể không phù hơp với bối cảnh và thời điểm hiện tại của bạn. Nên nó chỉ mang tính chất tham khảo cho anh em trước khi tiến hành khởi sự

    Ước mơ của hầu hết anh em khi theo nghề kỹ thuật giống như nghề sửa chữa ô tô của bọn em dù có nói ra hay không thì trong sâu thẳm ai cũng mong muốn tự mình dựng lên một cái xưởng để được trải nghiệm, được vọc vạch được thể hiện mình. Có thể không cần hoành tráng có thể không quá đặt nặng về lời lãi nhưng đó như một bước ngoặt cuộc đời của một làm thợ sửa chữa ô tô. Bản thân tôi cũng đã 2 lần tự gầy dựng Garage cho mình và nhiều lần hỗ trợ anh em khác xây dựng, mỗi lần trải qua là mỗi lần đều có những bài học đáng khắc cốt ghi tâm và Tôi muốn ghi chép lại để anh em nào có mong muốn xây dựng garaga có thêm một góc nhìn tham khảo. Có nhiều anh em sẽ nói rằng trước tao cứ làm cần mẹ gì tính toán đâu mà vẫn thành công đấy thôi. Dạ, em chúc mừng các bác. Đúng là có những trường hợp như vậy, vì có nhiều thứ cấu thành nên nhưng có thể bác chưa tổng hợp lại như lõi nghề cao, quan hệ tốt, sự cạnh tranh thấp, đúng thời điểm, có một số lượng khách hàng quen bê từ nơi mình đã từng làm về, và một số lý do nữa và bài viết này chắc chắn không dành cho những bác như vậy. Nó chỉ phì hợp với các anh em mới bắt đầu làm chuyện ấy.

    Thứ nhất: Nhìn nhận thật khách quan về nội lực bản thân mình tại bối cảnh hiện tại
    Đã đến lúc chưa? Đã đủ sức chưa? Đã thực sự chín muồi chưa? Rất nhiều anh em trong đó có tôi rất háo hức để khởi sự và nghĩ vội rằng “Bây giờ hoặc không bao giờ” khi mà trong tay chỉ có vài năm kinh nghiệm làm vốn và một ít ỏi sự trải nghiệm. Và khi đó chúng ta dễ mắc cái bẫy của chính sự chủ quan của mình. Một số người có thể đã làm một số năm ở hãng am hiểu các quy trình và từng tham gia ở các vai trò quan trọmg như cố vấn dịch vụ, trưởng phó phòng, quản đốc này nọ nhưng bước ra ngoài dựng xưởng thì lay lất vì bản thân đắm mình trong môi trường quá chuyên nghiệp cách giải bài toán luôn đầy đủ nghiệm số nhưng khi bước chân ra ngoài thì luôn phải giải bài toán thiếu đủ thứ. Cũng có một số bác làm tại các Garage lớn bên ngoài được ba bốn năm, thấy kinh nghiệm mình cũng dữ dằn, ở công đoạn nào cũng biết làm, nhìn thấy cách tổ chức một Garage cũng dễ, thường nhìn vào bề nổi của tảng băng chìm chưa hiểu rõ những góc khuất của một garage đã vội vàng lao ra chiến ngay đến khi gặp khó khăn thì hao tâm tổn lực, lỡ đầu tư một đống tiền bỏ thì thương vương thì khốn nạn. Nhiều anh em sau một cơ số năm tu thân ở thành phố lớn bước về quê hương mượn được ít vốn vội vàng dựng xưởng không toan tính và cuối cùng trả mãi không hết nợ… Mong anh em trước khi khởi sự hãy nhìn nhận năng lực bản thân mình thật khách quan, hãy thật hiểu rõ bên trong con người mình trước khi đi xa ra thế giới.

    Thứ hai: Nên hỏi kỹ những anh em đi trước
    Trong quá trình hành nghề chắc chắn anh em, bạn bè, đồng nghiệp của mình ở nhiều nơi và từng làm nhiều vị trí có những người đã đi trước đã xây dựng Garage thành công vận hành rất ổn hãy chân thành hỏi họ thật kỹ. Nếu có thể hãy đến ở với họ cả tuần để học hỏi những bước đường mà họ đã qua, đã làm và những khó khăn họ đã trải qua, đừng nghĩ mọi thứ đơn giản và cũng đừng biến mình thành siêu nhân “Biết tuốt”. Hỏi là một kỹ năng giúp ta giải quyết rất nhiều vướng mắc. Nếu anh em đi một chỗ chưa thoả mãn thì có thể đi nhiều nơi đến nhiều nơi vừa tham quan mô hình vừa học hỏi cách triển khai, vận hành để tích luỹ thêm kinh nghiệm và ghi nhận các thông tin quan trọng từ đó giúp chúng ta bớt sai trong quá trình dựng nghiệp.

    Thứ ba: Khảo sát kỹ thị phần và và phân khúc khách hàng
    Nghe cái này có vẻ khá xa xăm với nhiều anh em, và chúng ta thường bỏ qua và không để ý đến điều này. Chúng ta chỉ ang áng số lượng xe cũng đông đông và thấy tiềm năng nên cứ thế là nhảy vô làm. Đừng tiếc thời gian để hoàn thành bước quan trọng nhất này người anh em nhé. Hãy hiểu rõ về thị trường ở khu mình định xây dựng xưởng, tìm hiểu kỹ họ là ai? họ đi xe gì? họ thường đưa xe đi đâu sửa? họ chấp nhận mức giá nào? Thị phần có thực sự lớn hay không? tương lai như thế nào? họ cần dich vụ ở đẳng cấp nào? Và nếu có xưởng mọc lên ở vị trí này họ có sẵn sàng tới hay không? Rất nhiều câu hỏi phải đặt ra và ở giai đoạn này nhận được càng nhiều thông tin thì giai đoạn vận hành garage sẽ không bị mơ hồ. Tôi ví dụ : Trước tôi dựng xưởng tôi thường đo khoảng cách các garage đối thủ, tìm hiểu xung quanh khu dân cư bán kính 5 - 10 km xem có bao nhiêu Garage, họ làm những gì và loại xe thường đến là xe gì? Có những lúc tôi ngồi uống cà phê ở những khu đông dân cư để xem xét khá kỹ lưỡng lượng xe qua lại hàng ngày. Khi chúng ta không hiểu rõ về thị trường và nhu cầu thị hiếu khách hàng chúng ta sẽ dễ bị cái chủ quan về sản phẩm dịch vụ của chúng ta tạo nên sự ảo tưởng.

    Thứ tư: Lập kế hoạch và xác lập mục tiêu cụ thể
    Có một câu nói mà tôi rất tâm đắc ”Không lập kế hoạch là đang lập kế hoạch cho sự thất bại”. Đồng ý rằng đừng bao giờ chờ đợi sự hoàn hảo để bắt đầu thế nhưng cũng đừng bao giờ bắt đầu khi trong tay không có thứ gì để chiến đấu với vô vàn khó khăn có thể vấp phải ở phía trước. Có rất ít anh em chịu ngồi làm một bản kế hoạch bài bản và ước lượng được số xe hàng tháng, số dịch vụ và mình sẽ triển khai để xác lập điểm hoà vốn dẫn đến mục tiêu rất chung chung không cụ thể. Vì mục tiêu không cụ thể nên khi dựng xong xưởng rồi không hề có một động thái nào để lôi kéo khách về để cho đạt các con số mà mình mong muốn. Chính vì lẽ đó nhiều garage khi vận hành thì điểm hoà vốn bị kéo dài đến vài năm thậm chí lâu hơn nữa.
    Theo kinh nghiệm của tôi, trong một bảng kế hoạch sơ bộ cần có :
    - Giới thiệu sơ lược về dự án của mình (cái này để giúp mình hiểu rõ hơn những suy nghĩ của mình và khẳng định lại ý tưởng)
    - Mục tiêu, mục đích xây dựng garage (Cần cụ thể hoá bằng số hoặc đo lường được ví dụ : Sẽ sửa được 100 xe / năm chẳng hạn)
    - Nghĩ đến chiến lược tồn tại của Garage (Cái này cần phân tích kỹ thế mạnh, điểm yếu của mình, nhu cầu khách hàng, thị phần, phân khúc, giá trị trọn đời của khách hàng có khả năng mang lại để từ đó đưa ra những sản phẩm, gói dịch vụ và xây dựng hướng đi hợp lý.
    - Nguồn lực : Nguồn lực có nhiêu loại tuy nhiên hãy chú ý vào con người và các con số về tài chính để lường trước các khoản tính toán đầu tư.
    - Xây dựng điểm hoà vốn giả định : Ví dụ : Mỗi ngày 1 xe làm dich vu bảo dưỡng giá 500.000 lợi nhuận gộp là 50% . Chi phí vận hành của garage là 20 triệu => mỗi tháng phải có tối thiểu 80 xe vào bảo dưỡng mới hoà vốn được. Chẳng hạn như vậy, việc xây dựng điểm hoà vốn này là cơ sở để chúng ta cân nhắc triển khai dịch vụ và tìm kiếm khách hàng để đạt được mục tiêu kỳ vọng.
    - Lên list lộ trình các công việc dự kiến: Cần làm 1 cái bảng Dealine để tiên lượng các loại công việc sẽ diễn ra để thực hiện và hoàn thành tránh mông lung lạc đường. Bảng này rất đơn giản có thể ứng dụng công cụ kanban của nhật hoặc Gantt Chart để làm rất hiệu quả (tìm google nhé)

    Thứ năm: Tính toán kỹ các hạng mục đầu tư và nên đầu tư từng giai đoạn cụ thể, đừng chạy đua vũ trang
    Việc đầu tư sẽ bao gồm nhiều hạng mục, cái khốn nạn ở chỗ là nếu không biết kiềm chế sự nổi loạn của ý tưởng thì trong quá trình đầu tư sẽ luôn phát sinh và nhiều lúc vượt qua khỏi tầm kiểm soát là chuyện bình thường. Trên giấy tính là một chuyện nhưng thực tế là một chuyện trước đây tôi xây dựng xưởng kinh phí ước tính ban đầu chỉ tầm khoảng ba trăm triệu nhưng khi vào làm và hoàn thành thì con số lên đến hơn sáu trăm. Lý do là tính toán không kỹ hoặc tính toán rồi nhưng không kiểm chế được sự sung sướng tức thời của bản thân. Trước tính mua cái cầu nâng cũ loay hoay vài bữa không có quất luôn cầu mới, quất một cái xong thấy dựng garage lên trống quá nghe lời tư vấn quất thêm cái nữa …Rồi đến các dụng cụ thiết bị, nói chung chính cái “Chuyên nghiệp nửa vời”và sự “đồng bộ theo cảm tính” nó xui khiến con người ta vượt qua khỏi mọi tính toán. Chính vì vậy mong anh em trước khi mua sắm hãy tính toán kỹ, khảo sát kỹ và cam kết với những gì mình đặt ra dù đó là sự mách bảo từ trái tim hay một lời tư vấn ngọt ngào.
    Một phần nữa là chúng ta nên lưu ý chia ra các giai đoạn ra để đầu tư đừng nhốt trứng vào một rổ và cùng đừng mua sắm tập trung một lần. Nhiều anh em chúng ta bỏ tiền ra mua các máy chẩn đoán đắt tiền của Mẹc, BMW về nhưng cả năm mới có 1 xe ra vào garage cuối cùng khấu hao cái máy cả đời garage không hết nổi giá trị đầu tư.
    Nhớ nha anh em: Hãy tập trung vào cái gì thực sự cần thiết nhất, đừng đầu tư để dành. Nhiều cái để dành cộng lại sẽ ra một đống tiêu sản.

    Thứ sáu: Tìm kiếm mặt bằng phù hợp và cân nhắc thiết kế kỹ lưỡng
    Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là nghề anh em mình việc lựa chọn mặt bằng là hết sức quan trọng. Đừng nản chí hoặc tìm kiếm một vài điểm đã vội lựa chọn, việc chọn sai mặt bằng có thể trả giá bằng chính cơ nghiệp của anh em. Những hợp đồng mặt bằng làm xưởng cần rộng rãi, cổng vào ra tiện lợi, không cần trung tâm nhưng phải dễ tìm, chi phí càng thấp càng tốt, hợp đồng tối thiểu phải nên từ 4-5 năm vì chỉ có chừng đó thời gian may mắn mới kịp khấu hao cái đống tiêu sản mà anh em ta đã đầu tư.
    Khi có mặt bằng rồi hãy vẽ lại vị trí các khoảng cách, thiết kế mặt bằng tổng thể chi tiết, tính toán cụ thể các vị trí đặt cầu nâng, đặt tủ đồ nghề, đặt thiết bị để tránh làm đến đâu bố trí đến đó sẽ bị rối. Anh em có thể vẽ lên giấy sau đó nhờ các đơn vị biết vẽ Cad hoặc corel dựng lại cho anh em nhìn để dễ hình dung hơn.

    Thứ bảy: Các thủ tục pháp lý
    Mở garage thường thì sẽ vướng một số loại giấy tờ sau :
    - Giấy phép kinh doanh (Phần lớn đa số anh em không cần và không có giấy phép trong giai đoạn ban đầu) : Khi lập doanh nghiệp cũng có những cái lợi, cái hại nhất định. Ví dụ: Có những đơn vị họ cần xuất hoá đơn như bảo hiểm, đội xe thì buộc phải là công ty, hoặc đơn vị đăng ký kinh doanh thuế khoán (Cân nhắc việc lập công ty có nhiều cái lợi và cũng tốn kém phần chi phí nha anh em) Cái lợi nữa mình là doanh nghiệp nên cấp phường ít khi gây khó dễ và không ai giám xông vào mà không có giấy tờ gì. Cái hại thì anh em phải báo cáo thuế má hàng tháng phiền phức, ở TP lớn thì có dịch vụ lo hết mỗi tháng khoảng 500.000 nhưng ở huyện thì nhiều khi khó khăn nên anh em cân nhắc. Lời khuyên đưa ra ở đây là Tuỳ theo vị trí, quy mô, và hoàn cảnh địa phương, và dặc biệt là sự tính toán trong tương lai của mình mà anh em tự cân nhắc nên hay không)
    - Đề án môi trường: Vì kinh doanh dịch vụ sửa chữa đụng đến nhớt nhao, xăng dầu nên cần có đề án về đảm bảo môi trường. Cái này khi nào anh em lớn và ở Thành phố họ mới hay hỏi còn ở tỉnh lẻ nhiều khi họ không khó dễ lắm
    - Phòng cháy chữa cháy: Anh em cần phải có giấy chứng nhận tập huấn và mua các thiết bị phòng cháy chữa cháy (Cái này nên nha anh em, đừng chủ quan nhiều anh em trả giá vì sự chủ quan này rồi)
    - Điện 3 pha : Một số garage có nhiều thiết bị sử dụng điện ba pha như cầu nâng, máy nén, và khi sử dụng điện 3 pha có thể ổn định hơn. Nhưng muốn có thể sử dụng được điện này hình như phải cần giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp mới đăng ký được (Cái này không rành lắm)

    Thứ tám: Chuẩn bị nguồn lực thợ
    Khi mở xưởng phần đông anh em chúng ta rất tự tin về năng lực của mình và nghĩ rằng có thể tự làm hết mọi việc hoặc có thể tuyển được người cùng làm hay phụ việc dễ dàng. Nhưng sự thật đây chính là điểm giết chết nhiều Garage ở các khu vực xa thành phố nhất. Vì sao? Khi ở xa thành phố đặc biệt là các thành phố không có các trường đại học đào tạo ngành ô tô việc tìm kiếm nguồn lực phục vụ cho xưởng mình là không hề đơn giản, phần nữa là tư tưởng thợ mới luôn luôn muốn ở thành phố lớn để phụ việc và học hỏi. Ban đầu mở ra, cái cảnh nhiều anh em chủ garage chạy tìm khách, chạy tìm phụ tùng, chay tìm đồ bãi …lòng vòng suốt ngày mất hết thời gian. Có nhiều anh em mới mở xe vào đông nhưng cũng không đủ thợ để làm, hoặc có thợ nhưng trình độ non kém nên ông chủ phải một tay chấp hết. Và cái kết là một mình độc cô cầu bại kéo dài hết ngày này qua tháng khác …
    Có thời gian sau tôi sẽ phân tích kỹ hơn về câu chuỵện tại sao tuyển thợ thời này lại khó khăn để anh em tham khảo.

    Thứ chín: Chuẩn bị các mối lái phụ tùng, các nhà cung cấp linh kiện, phụ trợ
    Sài gòn có An Dương Vương, Hà Nội có chợ giời, các tỉnh khác thì toàn phải lên 2 đầu cầu này để mua. Ngày nay mạng xã hội và internet phát triển việc tìm kiếm ra các nhà cung cấp phụ tùng, Phụ kiện, phụ trợ không quá khó. Cái khó ở chỗ là họ có đủ uy tín, có dám cam kết, và sẵn sàng chia sẻ rủi ro khi gửi nhầm hàng và có khả năng gối đầu công nợ cho anh em một phần nào đó không thôi. Vì vậy khi bắt đầu khởi sự hãy luôn list một danh bạ thật nhiều các nhà cung cấp để tìm kiếm các cơ hội hơp tác với các nhà cung cấp có nhiều nhất các tiêu chí mà anh em cần nhé.

    Thứ mười: Cân nhắc các rủi ro
    Bất kể một dự án nào dù tính toán kỹ đến đâu đều sẽ gặp rủi ro. Nếu rủi ro được dự tính trước thì không có gì quá lo ngại, chỉ sợ mọi thứ ập đến quá bất ngờ. Các rủi ro thường gặp khi mở Garage là:
    - Đốt sạch tiền, không đủ để vận hành tối thiểu 3 - 6 tháng
    - Không tìm ra người làm hoặc ban đầu kéo được 1 số anh em nhưng khi làm vài tháng chia tay li biệt và tình trạng thiếu người triền miên. Còn có hiện tượng sống chung với lũ suốt ngày bị ông thợ cả ông hành hạ, lên mặt đau đầu nhức răng …
    - Không có xe vào làm, gặp xe gì cũng làm kể cả xe tải, xe máy cày (ở huyện) và khi xe tải vào nhiều rồi thì anh em phải chấp nhận rủi ro là xe con sẽ né anh em đi.
    - Làm chủ không như mình tưởng, nào lương nào xe nào cộ, nào phản tu nào nhà cung cấp… nói chung có rất nhiều thứ phải đối mặt
    - Chỉ giỏi nghề và không giỏi các công việc xung quanh dẫn đến điều hành và vận hành Garage khó khăn.

    Thứ mười một: Bạn có gì khác biệt?
    Thật khó để khác biệt giữa muôn vàn anh em thợ thuyền chúng ta đều mong muốn mở xưởng. Có nhiều anh em cứ nghĩ chỉ cần xưởng đẹp, treo lên các quy trình hoành tráng, các khẩu hiệu thật kêu thì sẽ tạo nên sự khác biệt. Tuy nhiên khác biệt đó chưa thực sự đủ tạo nên điểm nhấn trong lòng khách hàng. Sự khác biệt ở đây chính là điểm độc của mình, để trong lòng khách hàng luôn nhớ đến ta. Có thể đơn giản như thái độ phục vụ, phong cách chuyên nghiệp kiểu như luôn mặc áo sơ mi trắng sửa xe mà không vấy bẩn, hay làm điều hoà mát lạnh, hay chỉnh máy êm ru chẳng hạn. Đó chính là những thứ tạo nên cho ta sự khác biệt đủ lớn.
    Chúng ta thường muốn xe nào vào cũng làm tốt hết, điện máy gầm, đồng sơn gì cũng phải làm được hết nói túm lại là anh ta ai cũng tham cả. Tuy nhiên có một sự thật là nhiều anh em chuyên một mảng kiểu như điều hoà lại sống rất ổn, hoặc chuyên các dòng xe abc lại sống ổn. Ở các tỉnh chúng ta ít khi được quyền lựa chọn hay từ chối khách hàng nhưng chắc chắn sẽ có hiện tượng khách hàng kháo nhau khi làm điện thì đến chỗ thằng A này mà làm, khi làm điều hoà thì đến chỗ thằng B này mà làm vì vậy trên một bảng hiệu Sữa chữa điện máy gầm … có nên chăng để thêm một dòng màu đỏ CHUYÊN CÁI GÌ ĐÓ có khi lại sự khác biệt hiệu quả cho anh em chúng ta.

    Thứ mười hai : Kịch bản vận hành Garage tương lai.
    Khi hoàn thiện mọi thứ chuẩn bị cũng là lúc chúng ta cần ngồi ngẫm lại một kịch bản vận hành bài bản cho garage của mình. Đừng cố nguy hiểm hoá bằng hàng loạt quy trình dịch vụ không thể thực hiện nổi, cũng đừng quá sơ sài làm hời hợt để rồi mọi thứ rối tung lên.
    Theo kinh nghiệm bản thân tôi thì luôn lấy khách hàng làm trung tâm, Tôi không theo mô hình của hãng mà chỉ đơn thuần ngồi vẽ ra một con đường khách hàng mà thuật ngữ chuyên môn gọi là Customer Journey (tìm google nhé) hãy đơn giản hoá kiểu như : Hãy tưởng tưởng một khách hàng từ khi đến với Garage cuả chúng ta cho đến khi rời khỏi Garage sẽ qua bao nhiêu công đoạn, ở mỗi công đoạn đó chúng ta cần hành xử thế nào? có cần quy trình hay nghiệp vụ gì không? ai sẽ chịu trách nhiệm ở mỗi công đoạn? và cách thức đào tạo nhân viên tiếp nhận mỗi công đoạn đó như thế nào cho đơn giản và hiểu quả nhất? Ví dụ công đoạn của một khách hàng từ ngoài đường đến garage sẽ qua : 1 ngã tư A (Ta sẽ đặt quảng cáo ngay đây để hướng khách về garage của ta) -> Sau đó khách hàng sẽ đi vào garage ( Ta cần 1 người ra chào hỏi và lấy thông tin, vậy ta cần tác phong gì? thông tin gì? phiếu như thế nào? đồng phục ra sao?) -> Sau đó sẽ có kỹ thuật viên ra khám và thực hiện sửa chữa (Ta cần người sửa chữa kiểu nào?, ta cần những giấy tờ gì? cần kỹ năng gì? cần mặc đồ gì? cần chào nói kiểu gì? cần theo quy trình gì? ) -> Sau khi sửa chữa xong khách hàng cần được tư vấn thêm (ai sẽ tư vấn? kịch bản tư vấn là gì?) -> Sau đó khách hàng sẽ thanh toán (ai sẽ làm hợp đồng, hoá đơn? và biểu mẫu như thế nào? theo quy trinh nào? giải quyết khi khách hàng nợ tiền ra sao?… ) -> Sau đó khách ra về và chuyển sang chế độ hậu mãi (ai gọi chăm sóc? nội dung gì? kịch bản ra sao? bao nhiêu lâu một lần? thời lượng như thế nào …) Đó, tôi chỉ làm đơn giản vậy thôi . Tất cả chỉ làm từ thực tế, đừng bê một mô hình nào vào áp dụng cho chúng ta cả vì nó sẽ không phù hợp khi chúng ta mới bắt đầu.
    Trên đây chỉ là những công tác cần chuẩn bị theo quan điểm cá nhân của riêng tôi đã trải nghiệm, còn khi đi vào vận hành thực tế sẽ cần nhiều thứ khác thực chiến hơn và Tôi sẽ cố gắng tích luỹ để chia sẻ cho anh em . Hy vọng nhiều anh em đã gầy dựng xưởng thành công sẽ đóng góp tiếp các “Thứ mười ba” “Thứ mười bốn”… để anh em chuẩn bị khởi sự có thêm góc nhìn tham khảo.
    Thưa anh em, mọi sự chuẩn bị đều không bao giờ thừa. Chúng ta xuất thân từ kỹ thuật và chúng ta đang sở hữu một thứ năng lực mà nhiều người khởi nghiệp không có được đó chính là Năng lực lõi, nó vừa là điểm mạnh của anh em ta những nó cũng chính là điểm yếu. Thật khó để vừa giỏi nghề vừa giỏi quản lý vừa giỏi về xây dựng chiến lược. Nhưng bản thân tôi thiết nghĩ, mọi thứ đều là kỹ năng mà đã là kỹ năng thì chắc chắn đều có thể đạt được qua quá trinh rèn luyện. Chúc anh em thành công trên con đường khởi sự bằng đam mê của mình !
    Trân trọng cảm ơn đã đọc bài
    Nguyễn Thanh Đàm
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng

Chia sẻ SEO tới mọi người