Một số công ty khởi nghiệp do những phụ nữ Mỹ lập, cho ra đời những kiểu trang phục phù hợp với nữ lao động chân tay, vào lúc những việc làm đòi hỏi sức lực không còn của riêng nam giới nữa. Các công ty khởi nghiệp này nhắm vào thị trường trang phục lao động không có kiểu dành cho phụ nữ Mỹ vốn đang nhảy vào những việc làm trước đây dành cho nam giới, như làm nông, mở trang trại… Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho biết phụ nữ tham gia nhiều vào các ngành liên quan nông nghiệp, 18,3 % lao động nữ ở kho bãi, 20,4% ở mảng luyện kim… Các số liệu này cho thấy phụ nữ cần có trang phục lao động riêng, không còn phải trông nhờ vào quần áo lao động dành cho nam vốn vừa không thoải mái vừa có thể mất an toàn lao động, ví dụ nguy cơ tay áo quá dài bị cuốn vào máy. Sarah Calhoun từng có nhiều năm làm những việc đòi hỏi sức lực, từng phải dùng băng keo “vá” đáy chiếc quần nam cô mặc bị rách toạc. Cô đã tìm đến nhiều công ty may trang phục lao động nam, để biết liệu họ có sản xuất trang phục lao động cho nữ, nhưng câu trả lời là sự thờ ơ của lãnh đạo các công ty này. Sau hai năm học may - vá ở một công ty sản xuất túi ba-lô, năm 2006, Calhoun lập công ty trang phục lao động nữ “Quần Kiến Đỏ” (Red Ants Pants). Nay, công ty Red Ants Pants có 10 nhân công, sản xuất nhiều kiểu trang phục, và kiểu quần “Kiến Đỏ” gốc có giá 139 USD. Doanh thu của công ty khoảng 500.000 USD/năm. Bà Taylor Johnson giám đốc mảng nhà kính - vườn của bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston, cần có loại quần áo giúp bà thoải mái khi làm việc, đồng thời giúp thể hiện rõ vai trò của bà. Bà không thể mặc quần áo lao động dành cho nam vì không vừa và khiến bà có vẻ không chuyên nghiệp. Đó là lý do bà lập công ty Gamine năm 2014, với mục tiêu sản xuất quần áo lao động cho nữ, gồm quần, quần áo mặc ngoài và quần yếm (may liền với miếng che ngực của công nhân) Như cô Calhoun, bà Johnston chẳng hề có kinh nghiệm về quần áo khi quyết định mở công ty Gamine. Bà học nghề may suốt 2 năm trước khi tạo ra sản phẩm nổi tiếng của Gamine: chiếc quần lao động bằng vải trúc bâu thô. Phải mất nhiều mẫu mới ra được mẫu đầu tiên, vừa khít thân thể một người mẫu khi hai người làm việc với nhau. Bà chọn cách thử nghiệm mẫu này ở trong nhà, ngoài trời, lúc trời nóng hoặc ướt. Rồi bà ngưng bán kiểu quần này để cải tiến theo phản ánh của những người mua đầu tiên. Nay, quần này có 14 kiểu, giá 150 USD/chiếc. Trước đây, người lao động thích chi nhiều tiền mua trang phục lao động, với suy nghĩ họ có thể khâu chúng để sử dụng lâu dài. Để xóa nỗi lo về giá cả, Gamine hứa bảo đảm sửa sản phẩm miễn phí, chịu cả chi phí nhận - giao các trang phục mà khách hàng cần sửa. Sharon Moore ghi nhận 70% các nông trại nhỏ ở Mỹ có nhiều lao động nữ, và cô nhìn ra một cơ hội cho công ty khởi nghiệp Rosies Workwear do cô lập năm 2003, sau khi cô cần một bộ quần áo mặc ngoài cho lớp dạy hàn mà tìm không ra bộ nào dành cho thợ hàn nữ. Hai năm qua, doanh số công ty tăng gấp đôi. Công ty có 4 người, vừa chuyển đến một tòa nhà mới, to hơn. Hàng bán chạy nhất của Rosies Workwear là bộ áo liền quần, nhiều màu - như màu hồng - và có vẽ hoa. Moore nói: “Tôi thật sự muốn màu hồng hoặc xanh lá cây, vì tôi đã phát chán việc mình luôn giống bọn con trai. Các kiểu trang phục của chúng tôi như nói lên “ê, tôi là đàn bà mà làm việc này đó nhe”. Đấy là một tuyên ngôn thật sự quan trọng cho vài người phụ nữ”. Gần đây, Rosies Workwear phải chuyển khâu sản xuất từ Mỹ qua Trung Quốc để giảm giá thành, nhằm thu hút được nhiều khách mới có thể trở thành thương hiệu lớn. Theo Moore, kênh tiếp thị hiệu quả nhất của dòng sản phẩm này là truyền miệng qua mạng xã hội: Không ít phụ nữ chụp ảnh tự sướng khi mặc trang phục lao động rồi tải lên mạng, như biểu tượng của sức sống, sự thoải mái trong công việc. Theo New York Times Bài viết được đăng tải trên diễn đàn SEOTime.edu.vn Link bài viết: Nhiều phụ nữ Mỹ khởi nghiệp với "thời trang xù xì"