Đây là câu hỏi mà tôi thấy hầu như chưa có một cuộc khảo sát hay nghiên cứu chính thức nào. Nhưng thông qua những cuộc tiếp xúc với giới trẻ, giới sinh viên ở Việt Nam cũng như ở Úc, tôi luôn có cảm giác rằng các bạn trẻ người Việt mình hình như đã có sẵn máu kinh doanh chảy trong người! Nội group Quản trị & Khởi nghiệp trên facebook mới thành lập được hai tháng mà nay đã có mười mấy ngàn thành viên đăng ký tham gia và có vẻ như con số này đang tăng mỗi ngày. Chắc cũng tại cái máu kinh doanh này mà dân làm nhà hàng tại Úc than quá, rằng thuê và quản trị nhân viên người Việt ở đây thiệt khó, hở ra là bị học nghề, gom đủ tiền là xin nghĩ nhảy ra mở tiệm luôn. Không biết ai sao chứ tôi thấy người Úc bản địa không có cái suy nghĩ này nhiều. Họ xem nghề phục vụ bàn, nghề pha chế rượu bartender, nghề làm cà phê barista…như một nghề dài hạn đàng hoàng và sống chết với nó. Còn người Việt mình có mấy người được như vậy (hoặc bị như vậy), cứ có điều kiện thuận lợi là nhảy ra làm chủ ngay. Nếu nhìn ở góc độ tích cực thì môi trường sống đặc thù ở Việt Nam, có lẽ đã góp một phần tạo nên “tố chất” kinh doanh cho người dân sống trong đó. Thử bàn về hai tố chất quan trọng của một doanh nhân là “take risk” (dám lấy rủi ro) và “flexibility” (uyển chuyển) , thì người Việt mình chắc là dư tiêu chuẩn rồi. Băng qua đường thôi mà không chấp nhận hai yếu tố này thì trở thành người nước ngoài liền tức khắc. Lái xe trên đường mà lúc nào cũng đem đúng luật ra mà chạy thì chỉ có làm ùn tắt giao thông hay trở thành người không giống ai. Và khi lỡ có cạ quẹt một chút thì tự giải quyết êm đẹp rồi dàn xếp đi tiếp chứ không ở đó mà cải nhau cả ngày. Đâu như ở Úc, ở Mỹ thì người ta sẽ làm lớn chuyện hơn và kêu bảo hiểm đến làm việc bài bản đâu đó thì mới xong. Còn vô số các ví dụ vui khác để nói lên chuyện người dân ở xứ mình phải take risk và uyển chuyển ghê lắm mới tồn tại được. Còn nếu phải lấy một ví dụ nghiêm túc, thì việc dân tộc Việt Nam dám đi vào và tồn tại rồi chiến thắng không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh trong suốt bề dày lịch sử mấy ngàn năm là một ví dụ hùng hồn nhất của khả năng take risk và quản trị nó khéo như thế nào. Rồi những cọ xát với việc buôn bán, kinh doanh hàng ngày nữa, người Việt mình cũng chắc thuộc loại top. Thời thế tạo anh hùng, trong các thời kỳ kinh tế khó khăn nhất gần như ai cũng trở thành “doanh nhân” để tìm kế sinh nhai. Có người thì sáng làm công nhân, dạy học, chiều về nuôi heo làm kinh tế cho gia đình. Có người nhảy ra lề đường sửa bút bi, vá xe đạp, hay ra chợ trời kiếm cái gì đó để buôn bán, trao đổi. Con nít thì phụ cha mẹ bán báo, bán bánh, bán mấy cục nước đá, bán hàng trong tiệm chạp phô. Ở dưới quê thì ra đồng mò cua mò cá đem ra chợ mà bán. Ai cũng làm cái gì đó để kiếm tiền hoặc ít ra cũng từng nghe ông bà cha mẹ kể lại họ đã từng bươn chãi như thế nào. Hoàn cảnh ít nhiều đã làm cho người Việt mình thấy gần gũi với việc buôn bán, kinh doanh, xem nó là chuyện bình thường, không có gì là to tát. Nên có dịp là máu kinh doanh này lại nổi lên! Do đó mà đề tài khởi nghiệp mới được đông đảo các bạn trẻ ở Việt Nam hưởng ứng như vậy, nhất là khi xã hội và nền kinh tế thị trường bắt đầu mở cửa rộng hơn. Đây là điều đáng mừng vì một đất nước mạnh lúc nào cũng cần một nền kinh tế mạnh, và một nền kinh tế mạnh lúc nào cũng phải được đặt trên nền tảng của một đội ngũ doanh nghiệp mạnh. Những người khởi nghiệp thành công của ngày hôm nay sẽ là những tế bào chủ lực trong cơ thể của nền kinh tế ngày mai. Nói như vậy để cho thấy tầm quan trọng của việc định hướng, chủ trương, chính sách liên quan đến đội ngũ khởi nghiệp của ngày hôm nay như thế nào. Nếu đội ngũ này được hỗ trợ đúng mức thì nó sẽ phát triển rất mạnh mẽ vì đã có sẵn nhiều tiềm năng, còn nếu không thì sẽ gây ra những thiệt hại và lãng phí không nhỏ cho nền kinh tế Tác giả: Lý Quý Trung Link bài viết: Người Việt có máu kinh doanh?