NGƯỜI HỢP TÁC KHỞI NGHIỆP – CHUYỆN NHỎ?

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Khởi Nghiệp, 25/8/17.

  1. Tính đến thời điểm này, tôi đã có ba lần khởi nghiệp với nhiều thăng trầm cùng những bài học vinh quang có, xương máu có. Hai lần khởi nghiệp đầu tiên lúc tôi còn khá trẻ. Thời ấy, tôi chưa đủ chững chạc, đủ tinh tế, đủ trải nghiệm để nhìn nhận và hiểu thấu được con người, để giải quyết hiệu quả khủng hoảng, nên dù mọi việc kinh doanh của tôi khá trôi chảy nhưng tôi vẫn buộc phải đóng lại. Mẫu số chung của hai lần khởi nghiệp sai lầm này là chọn người hợp tác không phù hợp.

    [​IMG]

    Đọc đến đây, chắc hẳn sẽ có nhiều đọc giả nhận định rằng, lần thứ ba này chắc tôi sẽ không còn dám hợp tác với ai. Thực tế là, tôi vẫn tiếp tục hợp tác với những người bạn cho lần khởi nghiệp thứ ba này. Tại sao ư? Vì chúng tôi hiểu được nguồn lực, thế mạnh và yếu điểm của nhau, nên nếu phối hợp, chúng tôi sẽ tận dụng được thế mạnh, bổ khuyết những điềm yếu để cùng nhau lập nghiệp. Việc phối hợp với nhau tôi tin rằng sẽ tạo ra sức mạnh, tối đa hóa giá trị và tạo ra nhiều cơ hội phát triển và thành công cho doanh nghiệp của mình. Đến thời điểm này, mọi thứ vẫn đang diễn ra khá trôi chảy và tôi nhận ra một số nguyên tắc căn bản cho việc tìm người hợp tác làm ăn với mình. Ở đây tôi muốn nói đến khía cạnh góp vốn cùng hợp tác vận hành doanh nghiệp (hay còn gọi người đồng sáng lập) chứ không đơn thuần chỉ là đầu tư. Vậy bạn sẽ sẵn sàng để hợp tác với những người như thế nào?

    1. Có chung niềm đam mê trong lĩnh vực kinh doanh:

    Bạn sẽ chẳng thể hợp tác lâu dài với người không có niềm đam mê trong công việc, trong ngành bạn đã chọn. Nếu họ chấp nhận hợp tác với bạn vì thấy lợi nhuận trước mắt mà chẳng có chút đam mê nào thì khi gặp những khó khăn, thử thách, bất trắc thì họ sẽ khó có thể cùng bạn theo đuổi đến cùng. Họ sẽ khó cùng bạn chung tay trên tinh thần “chiến là phải thắng” vì niềm đam mê của mình. Khởi nghiệp thứ hai của tôi liên quan đến nghệ thuật mà tôi vô cùng đam mê. Thế nhưng, người hợp tác với tôi thì chỉ đơn thuần là yêu thích. Thế nên, khi bắt đầu gặp những khó khăn trong việc kinh doanh, bạn tôi cũng dễ dàng buông xuôi, muốn chuyển hướng sang một lĩnh vực khác hấp dẫn hơn. Thế là chúng tôi phải chia tay.

    2. Có cùng hệ giá trị:

    Hệ giá trị ở đây được hiểu là những người có chung quan điểm, chung lẽ sống, chung lý tưởng, chung phẩm chất, tầm nhìn, đạo đức… Khi có chung hệ giá trị, chúng ta sẽ hiểu rõ về nhau, đủ niềm tin để làm việc cùng nhau, để dễ dàng đạt tiếng nói chung, để tôn trọng và cùng nhau phát triển. Với lần khởi nghiệp đầu tiên, tôi và người bạn đồng sáng lập đã phải đường ai nấy đi khi càng làm việc hợp tác thì lại càng lộ rõ những quan điểm khác biệt, gây ra khá nhiều mâu thuẫn trong việc đưa ra quyết định cho công việc kinh doanh của mình. Thế nên, mọi việc dần đi vào bế tắc, có những sự việc không thể giải quyết được vì cái tôi quá lớn của nhau, vì không thể đạt được tiếng nói chung về quan điểm kinh doanh. Thế là tôi đành phải bán lại phần vốn góp của mình để ra đi.

    3. Có đủ năng lực tài chính:

    Trong quá trình kinh doanh và vận hành doanh nghiệp chắc chắn sẽ có những lúc chúng ta gặp khó khăn về tài chính, về vốn, về dòng tiền và khả năng thanh khoản, về nhu cầu cần được duy trì, phát triển và mở rộng,.. Thế nên, việc đảm bảo người hợp tác với mình có năng lực về tài chính sẽ giúp cho chúng ta vượt qua được những vấn đề trên một cách dễ dàng và thuận lợi hơn.

    4. Có kiến thức và năng lực, sở trường phù hợp để có khả năng bổ khuyết cho nhau:

    Việc bạn tìm được những người hợp tác có những kiến thức, sở trường và kỹ năng bổ sung được cho bạn nghĩa là bạn được ví như “hổ mọc thêm cánh”. Bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn trong việc kinh doanh và điều hành doanh nghiệp của mình. Tôi không có thế mạnh về sản xuất và marketing nên việc tôi chọn được người đồng sáng lập có thế mạnh này đã giúp tôi hoàn thiện và giảm thiểu rủi ro trong quá trình khởi nghiệp của mình. Chúng tôi phân chia rõ ràng vai trò, nhiệm vụ cho nhau dựa vào năng lực, sở trường cũng như cả sở đoản của nhau. Và cứ thế chúng tôi cùng làm, cùng học hỏi và cùng hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, đảm bảo cho sự gắn kết lâu dài và bền vững.

    5. Đảm bảo có thời gian cho công việc chung:

    Việc cùng nhau khởi nghiệp cần có sự cam kết, toàn tâm toàn ý cho công việc chung. Ngoại trừ có những thỏa thuận đặc biệt khác liên quan đến vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, lợi ích của nhau hoặc thống nhất tìm người bên ngoài điều hành, các startup vẫn thường dành rất nhiều thời gian với nhau để cùng bàn thảo, chuẩn bị, lập kế hoạch, xây dựng mô hình kinh doanh, hoạch định chiến lược, hình thành cơ cấu tổ chức và cùng nhau điều hành doanh nghiệp. Mỗi người mỗi việc để tiết kiệm chi phí ban đầu. Việc dành thời gian cho công việc chung cũng ít nhiều cho thấy sự cam kết và tâm huyết của người hợp tác đối với doanh nghiệp chung của mình.

    6. Chọn người hợp tuổi:

    điều này nghe có vẻ hơi tâm linh và mê tín. Tuy nhiên, ông bà ta vẫn thường hay nói “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” và việc đang dần có rất nhiều người tin vào Kinh dịch và Phong thủy trong việc lựa chọn người hợp tác đã cho thấy yếu tố này cũng cần được xem xét và nghĩ đến nhiều hơn. Xét theo Kinh dịch và Phong thủy thì nếu bạn chọn được người hợp tác hợp tuổi như: thiên can, ngũ hành phải tương sinh; mệnh cung, địa chi phải hợp,… thì công việc sẽ trôi chảy, thuận lợi, phát triển hơn. Ngược lại, nếu người hợp tác không hợp (hoặc khắc với bạn) thì công việc kinh doanh sẽ trở nên khó khăn và trắc trở hơn rất nhiều. Bạn có quyền không tin, nhưng nếu có thể thì sao bạn không làm nhỉ.

    Khi đã chọn được người hợp tác như ý, điều quan trọng lúc này là hãy cam kết cùng nhau đồng hành trên chặng đường khó khăn và thách thức phía trước. Hãy hợp tác cùng nhau trên tinh thần tôn trọng, công bằng, bình đẳng. Hãy cùng thỏa thuận và ký kết bằng văn bản với nhau một cách rõ ràng các quy định số vốn góp, tỉ lệ chia lợi nhuận, quy tắc ứng xử phù hợp, quy định điều lệ, chức năng nhiệm vụ, thù lao (nếu có) cho từng thành viên trong quá trình hợp tác làm ăn. Có như vậy, việc hợp tác cùng nhau mới được dựa trên nền tảng cho sự ổn định và lâu dài.

    Tôi rất tâm đắc câu nói: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình - muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Tôi vẫn quyết định chọn đi cùng những người mà tôi yêu quý và tin cậy. Những người mà tôi tin rằng sẽ cùng tôi tạo ra được nhiều giá trị, cùng tôi chia ngọt xẻ bùi, vượt qua những gian nan thử thách trên hành trình lập nghiệp của mình.

    Vậy còn bạn, bạn chọn khởi nghiệp một mình hay tìm người cùng hợp tác? Dù bạn có đi một mình hay đi cùng những người hợp tác, tôi vẫn cầu chúc bạn thành công trên mọi bước tiến lập nghiệp nhé.

    Trần Thị Ngọc Hạnh
     

    Các file đính kèm:

    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...