Mới tối nay thôi, trong lúc tôi đang mua đồ tại siêu thị, thì xuất hiện 2 bạn nữ trẻ đẹp, duyên dáng đứng bên cạnh, vừa lựa đồ vừa tán dóc. Tất nhiên, tôi không đủ xấu tính và tò mò để nghe lén câu chuyện của 2 bạn, nhưng 1 câu nói trong cuộc đối thoại đã khiến tôi chú ý: “Kinh doanh buôn bán cũng phải có cái ‘duyên’ mày ạ!”. Câu nói này đã gợi nhớ lại cho tôi khá nhiều câu chuyện thú vị về “cái duyên” trong quá khứ, và dẫn đến nội dung của bài post mà mọi người đang đọc này. (P/s: Các câu chuyện bên dưới rất đời thường thôi. Tuy nhiên tôi hy vọng chúng có thể mang lại nhiều giá trị cho mọi người hơn việc chỉ đơn thuần là câu chuyện) Câu chuyện số 1: Hồi đó, tôi còn là cậu học sinh cấp 3, và được lũ bạn rủ đi ăn cháo trong ngõ chợ gần trường sau giờ tan học. Quán ăn được lựa chọn là một quán cháo nhỏ bên vệ đường của một bà cụ, chỉ có một nồi cháo, đôi ba bát nguyên liệu và chồng ghế nhựa đỏ cho khách ngồi, và đồng thời là quán tủ của một cậu chàng trong nhóm (tất nhiên cũng là người lựa chọn quán ăn). Điều này được thể hiện rõ ràng trong màn PR không ngừng của cậu ta suốt buổi hôm đó, đại loại như: “Cháo bà cụ này ngon nhất khu chợ này, cũng là quán đầu tiên ở đây đấy!”. Và trong buổi PR trá hình, tôi nhớ cậu có chỉ sang một quán cháo ngay sát cạnh, chật ních khách hàng: “Thế mà quán kia ra đời sau, cháo không ngon bằng, lại còn đắt hơn, nhưng lúc nào cũng đông khách, thậm chí còn cướp hết khách của bà cụ nữa. Bên đó họ có duyên bán hàng thật!”. Tất nhiên, việc chính của tôi là ăn, nên tôi cũng chả quan tâm mà ý kiến ý cò gì (và cũng công nhận là cháo ngon thiệt!). Nhưng trong tôi vẫn xuất hiện nhiều suy nghĩ. Thứ nhất, tôi nghi ngại về sự so sánh của cậu bạn này. Liệu cháo của bà cụ có thực sự ngon hơn hay không? Liệu cậu bạn đó, hay bất cứ vị khách nào, tìm được phương pháp hoặc thước đo chứng minh một cách khoa học và đầy sức thuyết phục, không thể chối cãi được đối với tất cả mọi người rằng cháo của bà cụ ngon hơn hay không? Hay sự so sánh đó đơn giản xuất phát từ NIỀM TIN của cậu bạn này? TIN rằng cháo của bà cụ là ngon nhất ở đây? Và nó điều khiển mọi giác quan, suy nghĩ và hành động của cậu ta tương ứng với NIỀM TIN đó? Nhưng nếu thế, liệu có dám đảm bảo rằng phần lớn thị trường sẽ chia sẻ NIỀM TIN đó với cậu ta không? NIỀM TIN của thị trường là thế nào? Thứ hai, ngay cả khi thị trường có TIN rằng cháo của bà cụ ngon hơn đi chăng nữa, thì việc đa phần trong số họ lựa chọn quán của đối thủ cũng chẳng có gì lạ. Hãy nhìn lại quán của cụ. Cụ không có bàn cho khách ăn, nghĩa là khách hàng phải bê tô cháo vừa to, vừa nặng, vừa nóng để ăn. Kể cả đặt tô lên chiếc ghế khác, câu chuyện cũng chẳng dễ dàng hơn trong cảnh ăn bị gập bụng và cực kỳ mỏi lưng. Ngoài ra, quán của cụ ở vệ đường trong ngõ chợ, nghĩa là ở địa điểm rất đông đúc, chật chội, ồn ào và, tất nhiên, vệ sinh môi trường xung quanh chẳng tích cực chút nào! Như vậy, có phải bà cụ không “duyên” bằng đối thủ hay không? Hay chất lượng sản phẩm (cụ thể ở đây là hương vị) không phải là yếu tố duy nhất cung cấp giá trị cho khách hàng? Và phải chăng khách hàng họ ra quyết định mua thứ mà họ TIN là mang lại GIÁ TRỊ TỔNG tối ưu nhất, thay vì chỉ 1 giá trị nhất định? (Tuy nhiên, từng giá trị sẽ có tầm quan trọng khác nhau đối với mỗi cá nhân và cũng khác nhau đối với từng cá nhân. Thế nên mới có chuyện phải “phân khúc khách hàng”). Dù vậy, cháo của cụ thực sự ngon với tôi, và cũng trở thành lựa chọn mặc định của tôi mỗi khi đi ăn với bạn bè. Cũng bởi cụ đã già rồi, và tôi muốn ủng hộ cụ nữa! (Đáp ứng cả nhu cầu xã hội và tự tôn trọng của bản thân thay vì chỉ nhu cầu ăn uống – Hey, tôi cũng đâu có xấu tính lắm đâu?). ---------------------------------------------------------------- Câu chuyện số 2: Tôi có quen 1 ông chú. Chú nấu ăn cực kỳ tuyệt vời, và rất đam mê việc bếp núc. (Dạ vâng, lại là ăn uống!). Chú thường xuyên mời bạn bè, người thân quen (có tôi) tới nhà thưởng thức những tuyệt phẩm mà tôi cam đoan rằng không nhiều người đủ bản lĩnh cưỡng lại sự hấp dẫn tuyệt đối của chúng. Bên cạnh đam mê và tài năng ấy, theo như tôi được biết, chú còn từng có kinh nghiệm làm phụ bếp tại một nhà hàng ở Liên Xô ngày chú còn thanh niên nữa, nên chú chẳng lạ gì cách thức vận hành trong lĩnh vực ẩm thực cả. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là thay vì tiếp tục đi theo ngành ẩm thực khi về nước, chú lại dành phần lớn cuộc đời kinh doanh một ngành mà chú chẳng có đam mê gì, cũng chẳng đem lại lợi ích đáng kể nào về tài chính gia đình hết. Khi tôi thắc mắc về điều này, câu trả lời tôi nhận được từ chú là “Vì chú không có “duyên” trong ngành đấy”. Và theo như lời chú kể lại, hóa ra chú cũng từng mở một nhà hàng trong quá khứ. Nhưng sau khi khai trương được một thời gian ngắn, mới bắt đầu quen khách thì đột ngột xuất hiện đại dịch H5N1. Sự hoang mang của người tiêu dùng đã gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến doanh số của chú, và khiến chú phải đóng cửa không lâu sau đó. Thất bại ấy, từ ngày đó đến giờ, sau hơn một thập kỷ trôi qua, vẫn còn ám ảnh chú và bắt chú phải chấp nhận số mệnh trớ trêu “không có duyên làm trong lĩnh vực mình đam mê” đến suốt cuộc đời. Tất nhiên, đó đã là quyết định của chú, và tôi tôn trọng quyết định đó cũng nhiều như tôi tôn trọng chú vậy. Vì thế, tôi cũng không nỡ hỏi thêm câu nào, nhưng cũng không khỏi băn khoăn: Dù khi đại dịch H5N1 mới xuất hiện, tôi còn là đứa trẻ nên chẳng để ý lắm, nhưng tôi nhớ là virus này chỉ lây lan từ gia cầm thôi, còn gia súc với hải sản thì có sao đâu nhỉ? Tôi nhớ hồi đó, gia đình tôi vẫn dùng bữa với thịt heo, bò, cá, tôm, đủ các thứ với tâm thế tự tin và mạnh mẽ ghê gớm lắm luôn! Vì thế tôi nghĩ, nếu chú không thể chế biến các sản phẩm từ gia cầm thì thay thực đơn bằng các món ăn với nguyên liệu khác là ổn rồi mà? Tổn thất mất mát thì chắc chắn là có, nhưng đâu đến mức khiến chú phải thảm bại và chấp nhận buông xuôi đầy cay đắng đến mức đó đâu? Ngay cả khi chú có trót xây dựng thương hiệu xoay quanh các món từ gia cầm đi chăng nữa, thì cùng lắm bên cạnh việc xây dựng thực đơn mới, chú xây dựng lại thương hiệu mới cũng có sao đâu? Dù sao thương hiệu chú đang có cũng mới ra đời thôi mà, đâu có giá trị thương hiệu đáng kể nào đâu? Thành phố chúng tôi sinh sống lại là điểm du lịch, nên số lượng nhà hàng và quán ăn vô kể lắm, nhưng cũng thấy ai, cả doanh nghiệp và khách hàng, lăn ra chết ằng ặc đâu? Như vậy, chú thất bại vì chú không có “duyên”, hay vì khả năng thích nghi với điều kiện môi trường vĩ mô cực kỳ có vấn đề? ---------------------------------------------------------------- Ban đầu tôi dự tính kể vài mẩu chuyện nữa để phân tích thêm, nhưng nhìn lại thấy dài quá rồi, và 2 câu chuyện trên cũng đủ truyền tải đại ý tôi muốn đề cập đến. Tôi từng nghe rất, rất nhiều người giải thích lý do thành công và thất bại trong kinh doanh đều xuất phát từ cái “duyên” bán hàng (hay còn gọi là duyên số, số phận chi đó). Dù vậy, giống 2 trường hợp trên, sau khi tìm hiểu và phân tích gốc rễ nguyên nhân vấn đề, tôi lại chả thấy cái “duyên” nó nằm ở đâu cả. Phải chăng phần lớn chúng ta có xu hướng bị thúc đẩy đi tìm lý do cho mọi vấn đề của mình, nhưng lý do đó phải rất khách quan và không được phép xuất phát từ bản thân vì điều đó giống như hàm ý rằng mình chưa đủ tốt? Vì thế chúng ta đặt niềm tin vào một thứ gọi là “cái duyên”, và coi đó như đối tượng để đổ lỗi và bào chữa cho mọi thất bại của mình? Và nguy hiểm nhất là khi chúng ta đổ lỗi cho “duyên số” sẽ đồng nghĩa với việc chúng ta tin rằng không thể có giải pháp nào thay đổi được tình hình (và dẫn đến hệ quả như 2 mẩu chuyện nêu trên). Mà điều đó chẳng khác gì cánh cổng rộng mở chào mừng cá nhân kinh doanh hay điều hành doanh nghiệp đến với thất bại cả! ---------------------------------------------------------------- P/s: Mặc dù tôi không tin vào “duyên số” nhưng tôi cam đoan trong kinh doanh, cũng như trong cuộc sống, có một thứ na ná như thế, gọi là “rủi ro”. Giống “duyên số”, rủi ro tiềm ẩn trong sự biến động không ngừng của mọi yếu tố khách quan, như môi trường kinh doanh, điều kiện thị trường, hay thậm chí cả môi trường nội bộ doanh nghiệp. Đồng thời, rủi ro cũng là cội nguồn của hầu hết vấn đề gây đau đầu và nhức nhối đối với người quản trị, mang đến nguy cơ tổn thất nguồn lực, thậm chí cả thất bại, nhất là những rủi ro không thể lường trước (như dịch H5N1 trong câu chuyện chẳng hạn). Hơn nữa, rủi ro cực kỳ đa dạng (chuyên môn, bộ phận, quy trình hay yếu tố nào cũng tồn tại rủi ro hết) và không thể xóa bỏ hoàn toàn. Tuy vậy, khác biệt lớn nhất so với “duyên số” là rủi ro vẫn có thể quản trị và kiểm soát được phần nào! Chúng ta vẫn có thể hạn chế, khắc phục được rủi ro cũng như hệ quả khi rủi ro xuất hiện. Chúng ta có thể dự báo trước các rủi ro tiềm năng, xác định khả năng và điều kiện xuất hiện các rủi ro đó, xác định những rủi ro có thể chấp nhận, hạn chế khả năng xuất hiện của những rủi ro không thể chấp nhận, hạn chế tổn thất khi rủi ro phát sinh, xây dựng kế hoạch và nguồn lực dự phòng khi rủi ro phát sinh,… Tôi cũng dự tính viết thêm về rủi ro trong bộ máy doanh nghiệp và chi tiết cách thức quản trị rủi ro trong post này luôn (Vâng, tôi rất tham lam), nhưng với độ dài thế này rồi, có lẽ tôi nên ngừng ở đây và đành hẹn mọi người ở post sau thôi! (Tất nhiên nếu được nhiều người kỳ vọng. Hí hí :”>).