Những năm gần đây chúng ta hay nhận được thông tin "năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam rất thấp", "mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng 23 người Việt cộng lại". Nghe mà xót xa, đau quặn thắt lòng. Thế nhưng thật sự chúng ta có hiểu chính xác và hiểu giống nhau về "năng suất lao động" là gì không? Theo định nghĩa tổng quát thì: NSLĐ là sản lượng sản xuất ra trong một đơn vị thời gian, được mô tả như sau: NSLĐ = Q (sản lượng sản xuất) / T (thời gian sản xuất). Thời gian sản xuất thì tất cả đều hiểu giống nhau, nhưng sản lượng sản xuất lại được hiểu khác nhau. Có định nghĩa sản lượng là số lượng sản phẩm, có định nghĩa lại là giá trị sản phẩm (tiền), có định nghĩa lại là doanh thu, lợi nhuận của sản phẩm. Nếu định nghĩa sản lượng là số lượng sản phẩm thì chắc chắc một thợ may Singapore không thể may được số áo gấp 23 lần một thợ may Việt Nam. Một lập trình viên Singapore không thể viết một phần mềm nhanh gấp 23 lần lập trình viên Việt Nam. Thực ra Tổng cục thống kê (TCTK), đơn vị cung cấp thông tin về NSLĐ đã lấy định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). ILO định nghĩa NSLĐ như sau: NSLĐ = tổng GDP/tổng lao động. Điều này có nghĩa rằng theo ILO và TCTK thì NSLĐ được hiểu chính xác là NSLĐ trung bình quốc gia tính theo giá trị tiền (GDP). Nếu vậy thì thực ra NSLĐ cũng gần giống với thu nhập trung bình trên đầu người (GDP per capita), nếu tỷ lệ người già và trẻ em của các quốc gia gần giống nhau. Theo định nghĩa của ILO thì NSLĐ của Mỹ, Anh, Pháp, Đức sẽ thấp hơn NSLĐ của Quata, Macau, Luxemburg. Vẫn theo định nghĩa của ILO thì khi TCTK đưa ra thống kê vẫn chưa nói đến các yếu tố tác động đến NSLĐ. Thực chất NSLĐ của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia còn phụ thuộc vào số vốn trên một lao động, chất lượng lao động và các yếu tố tổng hợp khác. Ví dụ 1: cùng xúc đất, san đất, nếu có tiền mua máy xúc thì một công nhân lái máy xúc có thể có NSLĐ cao gấp 30-50-100 lần công nhân lao động thủ công. Như vậy vấn đề vốn đầu tư đã tác động lớn đến NSLĐ. TCTK đã không đưa ra số vốn đầu tư cho một lao động. Theo thống kê thì trong khi một LĐ Việt Nam cần đầu tư 1,0 đơn vị vốn (ĐVV) thì 1 LĐ Singapore cần 17,3 ĐVV, 1 LĐ Hàn quốc cần 9,6 ĐVV, 1 LĐ Malaysia cần 6,8 ĐVV, 1 LĐ Thailand cần 2,7 ĐVV. Ví dụ 2: Cùng cắt tóc nam, cùng dùng kéo, tông đơ và lược... anh thợ cắt tóc Việt Nam cắt mất 25 phút một người, anh thợ Singapore cắt mất 30 phút một người. Thế nhưng giá cắt tóc ở Singapore là 40$, giá cắt tóc ở Việt Nam chỉ 2$. Nếu tính theo số lượng sản phẩm thì NSLĐ cắt tóc Việt Nam cao hơn Singapore, nhưng tính theo tiền thì Singapore cao hơn. Như vậy lẽ ra TCTK khi nói NSLĐ Việt Nam thấp, phải nói là NSLĐ theo định nghĩa của ILO, tức là sản lượng được tính bằng tiền. Còn nếu NSLĐ theo định nghĩa sản lượng tính bằng số lượng sản phẩm thì chênh lệch giữa Việt Nam và Singapore, Âu, Mỹ, Hàn Quốc không nhiều như thế. Ông PTGĐ Samsung Việt Nam nói NSLĐ của công nhân Việt Nam ở nhà máy Samsung Bắc Ninh, Thái Nguyên bằng 80% - 98% NSLĐ của công nhân Hàn Quốc là hoàn toàn chính xác, vì khi ấy ông ấy tính theo số lượng sản phẩm. Ngay cả khi tính theo giá trị tiền thì vẫn vậy vì giá bán sản phẩm của Sansung là giống nhau. Vì vậy chúng ta đừng buồn, đừng dè bỉu nhau, chỉ vì NSLĐ của Việt Nam thấp, bởi nói thấp là nói theo tiền (GDP), theo định nghĩa của ILO, tức phụ thuộc vào số vốn bỏ ra để đầu tư cho sản xuất, phụ thuộc vào tài bán sản phẩm của người bán nữa. Còn buồn và dè bỉu nhau cũng chẳng có ích gì vì chúng ta buồn một lần về nghèo, về GDP đầu người thấp là đủ rồi. Cứ nỗ lực làm cho đất nước giàu lên, NSLĐ tự khắc sẽ tăng.