Năng lực quan trọng với cái mới là khả năng bỏ đi cái cũ

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Xã Nga Thắng, 14/12/17.

  1. Tháng 10 năm 2016, tôi được thuê nửa ngày để tư vấn cho một nhà đầu tư nước ngoài về cơ hội đầu tư vào thị trường viễn thông Việt Nam. Họ dự kiến mua phần lớn cổ phần của nhà mạng nhỏ nhất trong 5 thương hiệu di động hiện đang vận hành của Việt Nam và sẽ tham gia vào cuộc chơi 4G. Họ đã nghiên cứu và gặp mặt đối tác nhiều lần trước đó (Sau đó họ đã quyết định không thực hiện deal này nên tôi mới chia sẻ ở đây. Dĩ nhiên, quyết định đó là từ cả quá trình nghiên cứu đàm phán dài của họ).

    Trong buổi họp này, đã có nhiều điều về thị trường, khách hàng, mô hình kinh doanh được thảo luận, chủ yếu là ở các khía cạnh và góc nhìn chiến lược cơ bản như chúng tôi vẫn thường trao đổi. Tuy nhiên, có một câu hỏi từ Giám đốc điều hành người Ấn Độ làm tôi rất chú tâm. Anh ta hỏi: “các sáng kiến, ý tưởng mới có dễ dàng được triển khai và đi vào thực tế trong các doanh nghiệp như Viettel, mobifone hay Vinaphone không?”

    Câu hỏi đơn giản nhưng làm tôi giật mình nhớ đến nhiều sự kiện, nó khiến tôi nghĩ rằng đây là một câu hỏi lớn. Không nói riêng cho ba doanh nghiệp vị Giám đốc trên đã hỏi, tôi muốn nói chung cho tất cả:

    Ở một số tổ chức và công ty, các ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới được đưa ra khá nhiều, song phần lớn chỉ dừng lại trong phòng họp, một số được triển khai, phần lớn là nửa vời và không đi đến đâu, vài sản phẩm tồn tại ở dạng trung bình.

    Có nhiều nguyên nhân khác nhau; có thể là do không có một định hướng chiến lược rõ ràng, vì vậy các ý tưởng phân mảnh, rời rạc và không đưa ra được ưu tiên để chú tâm và đầu tư đến cùng; và cũng có thể là do họ có mục đích khác…; Nhưng có một lý do khá rõ ràng đã níu kéo nó, đó là chúng ta bị gắn chặt vào những điều cũ; như lối nghĩ cũ, cách làm cũ, lợi ích cũ, nguồn thu cũ,…

    Một người bạn, đang rất nỗ lực trong việc xây dựng chính phủ điện tử, đã lắc đầu lè lưỡi khi nói đến những cản trở về tư duy và lề lối của một số bên liên quan trong dự án hiện đại hóa ngành Hải Quan bằng công nghệ thông tin mà anh muốn triển khai.

    Điều này còn đúng cả cho cá nhân. Một người bạn của tôi, từ rất lâu, mỗi lần gặp nhau đều kêu ca và rất mong muốn thay đổi công việc mà anh cho là quá nhàm chán của mình; nhưng rồi đã hơn mười năm, anh vẫn thấy mình ngồi chỗ cũ, làm việc cũ và vẫn chán với cái “chán cũ” năm nào.

    Tôi nhận ra rằng, điều khó nhất không phải các tổ chức này hay anh bạn tôi không tiếp cận hay tiếp thu được cái mới, vì ngày nay cơ hội tiếp cận đó gần như nhau và khá dễ dàng với mỗi người.

    Điều khó nhất chính là ở chỗ chúng ta không “quên” được những điều cũ. Nhiều tổ chức Nhà Nước ngại hiện đại hóa vì người thực hiện sợ mất đi quyền lợi của mình; nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ quan tâm chính đến nguồn thu cũ đang thoái trào, vì nó còn đóng góp chính vào KPI hàng ngày của họ; nhiều cá nhân vẫn lưu luyến với “công sức” đã bỏ ra cho công việc cũ, món đầu tư cũ nên không thể rời xa. Sự thực là để có thể thay đổi, chúng ta cần nhìn vào điều mình sẽ đạt được từ cái mới thay vì tính toán điều mất đi khi bỏ cái cũ; bởi quan trọng là giá trị nó sẽ mang lại chứ không phải chúng ta đã bỏ ra cho nó bao nhiêu trước đây. Nó như một cái bẫy vậy.

    Câu hỏi của vị Giám đốc trên rõ ràng nó đã đi thẳng vào vấn đề mà tôi nghĩ nó thể hiện rất rõ năng lực cạnh tranh, không chỉ của một doanh nghiệp mà còn thể hiện sức cạnh tranh của một cá nhân, của một đất nước trong thời đại cuộc sống số và CMCN 4.0

    Trong một bài phát biểu gần đây của Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng có đoạn “Người giỏi, người nhiều kinh nghiệm thực ra lại đang sống trong một cái hộp có 6 tấm ngăn….Những người giỏi, người nhiều kinh nghiệm, người đã có tuổi đều sống trong 6 vách ngăn ấy. Càng giỏi bao nhiêu thì các vách ngăn đấy càng cứng bấy nhiêu. Càng nhiều năm bao nhiêu thì các bức tường càng khó vỡ bấy nhiêu”.
    Đây là đoạn tôi cực kỳ tâm đắc vì nó rất sâu sắc, một triết lý rất thực tế, tôi cảm nhận nó đã và đang diễn ra như vậy quanh chúng ta. Nhận định này của Tổng giám đốc Viettel cũng gợi mở ra một giải pháp rất hay để chức công ty và bố trí nhân sự dành cho những vấn đề mới, tôi nghĩ nhiều người có thể học.

    Vì vậy, một trong những thách thức lớn nhất để ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, thực tế ảo…của cuộc CMCN 4.0 hay những vấn đề mới khác vào thực tế, theo tôi, không chỉ nằm ở việc hiểu về những cơ hội mới này như thế nào, mà thách thức lớn hơn nằm ở việc chúng ta có năng lực thay đổi hay không. Thay đổi khó không phải vì cái mới cần làm mà khó ở chỗ phải bỏ đi cái cũ, đi ngược lại với lề lối, cách nghĩ và cách làm hiện tại.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng

Chia sẻ SEO tới mọi người