(Hồi âm bài viết của một trong những doanh nhân mà tôi kính trọng) Kính mong Ban Quản Trị Group duyệt đăng nội dung phản hồi dưới đây nhằm thể hiện tinh thần của group là nơi chia sẻ các góc nhìn đa chiều, trao đổi phản biện để cùng phát triển! Bài viết này có thể khiến nhiều người không thích, vì chỉ nêu lên sự thật trần trụi. Nhưng tôi vẫn mạnh dạn viết tiếp, vì nghĩ là người tốt vẫn luôn nhiều hơn người có tật, và vì luôn nhớ câu: “Thuốc đắng dã tật…” Đường link dưới đây là bài viết về sự chính trực của một doanh nhân nổi tiếng rất đáng đọc, nhất là đối với các bạn trẻ (tôi xin phép chia sẻ lên fanpage của doanh nghiệp tôi đang công tác). Nhiều người like và comment ủng hộ bài viết của tác giả, đơn giản vì anh viết súc tích và chạm vào “nỗi đau da cam” của nhiều người, nhất là các chủ doanh nghiệp! Tôi cũng comment cám ơn chia sẻ của anh ấy, nhưng có nói thêm với ý là ở VN rất khó, vì câu kết anh Sơn nhắc đến sự chính trực của một doanh nhân nổi tiếng ở Mỹ, về sự chính trực ở các xã hội văn minh (chứ không nói ở VN), đó như là mơ ước của anh ấy vậy (Cám ơn anh Sơn đã like đồng tình quan điểm của tôi). Nhưng hãy thẳng thắn nhìn nhận: Có ai đã, đang và sẽ ra làm riêng mà chưa từng lưu giữ (hoặc không có ý định lưu giữ) các contact cũng như các mối quan hệ riêng cho mình không? Xin vui lòng lên tiếng khẳng định là KHÔNG và SẼ KHÔNG BAO GIỜ. Nếu ai đó có quyền lên tiếng như vậy, thì tôi và những người đã gặp quá nhiều thực tế trần trụi có quyền không tin, hoặc tin theo một cách khác, tin bằng lý trí chứ không phải con tim (theo 3 lý do thực tế dưới đây). Là một người đã trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, từ nhà nước, tư nhân, liên doanh đến nước ngoài; qua đầy đủ các hình thức làm thuê full-time, part-time, làm dự án, hợp tác, cộng tác, làm chủ…; đã tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp hàng ngàn người khác nhau từ đồng nghiệp, đối tác, khách hàng, bạn bè, người quen ở khắp nơi… tôi nghiệm ra rằng: Nếu chỉ vì lấy thông tin khách hàng hoặc tận dụng mối quan hệ trong quá trình đi làm để ra kinh doanh riêng mà bị cho là người phi chính trực, gian dối, đáng xấu hổ thì chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến phần lớn những người ra làm riêng theo kiểu “phi chính trực” như thế, số còn lại thì chỉ có 1 trong 3 khả năng: 1/ Thấy không cần thiết làm như vậy (vì một số trong đó rất giỏi, có thể tự tạo ra lượng khách hàng mới dễ dàng; một số khác thấy không cần thiết do chuyển qua lĩnh vực khác hoặc thị trường khác); 2/ Không đủ khả năng làm thế; 3/Thực tế cũng đã làm như thế hoặc tương tự mà không hiệu quả và cũng không thừa nhận là đã làm! Lưu giữ và duy trì các mối quan hệ ngày nay được nhiều người xem là một trong những thành quả của quá trình đi "cày", cũng tương tự như những kỹ năng và kinh nghiệm thực tế mà người lao động có được, đáng có và đáng được hưởng qua quá trình làm việc, để làm đối trọng cho những thỏa thuận công bằng hơn với chủ doanh nghiệp, đồng thời cũng để phòng thân cho nguy cơ mất việc, cần phải chuyển qua doanh nghiệp khác hoặc nếu có điều kiện thì ra làm riêng sau này. Ông bà mình nói gì cũng đúng, như câu “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Rất nhiều chủ doanh nghiệp thường đổ lỗi cho đủ khó khăn nên thường không tăng lương cho nhân viên sau một vài năm, thậm chí có những doanh nghiệp tìm cách cắt lương/trừ thưởng và thường xuyên gặp nhất là trốn tránh đóng bảo hiểm, mà tôi từng là nạn nhân của không dưới 5 doanh nghiệp như thế. Gặp những DN như thế có nhân viên nào phải chấp nhận hy sinh trung thành và cống hiến trọn đời không? Chắc chắn là không! Tôi vốn không xuất thân theo nghề sale, nhưng có rất nhiều mối quan hệ bạn bè quen biết và có nhiều việc liên hệ với “dân sale”, tôi thấy hầu như ai cũng tìm cách giữ contacts khách hàng cho mình cả. Thậm chí có những Công ty quản lý không chặt, thì người làm sale khi gửi quà lễ tết mà Công ty tặng cho khách hàng (có kèm theo danh thiếp Công ty) họ sẽ bỏ danh thiếp Công ty ra để biến quà đó thành quà cá nhân của họ; với những người đã lập Công ty riêng mà giấu kín (tôi bảo đảm ở SG, HN rất dễ giấu qua việc nhờ người đứng tên, chưa hoạt động mà chủ yếu để lấy “tuổi” cho DN thì đố ai biết) thì họ còn gắn card visit cá nhân của họ vào. Có những vị GĐ không biết, cũng có vị biết thì cùng lắm là chia tay nhau, mà trước sau gì cũng chia tay nhau! Mấy vị GĐ đó cũng không thể oán trách gì cả, bởi họ luôn nhớ lời ông bà dạy (cũng câu “Tiên trách kỷ hậu trách nhân” đó), là do họ quản lý không tốt, hơn nữa nhiều người trong số họ thời đi làm thuê cũng làm như thế khi có cơ hội, thì bây giờ biết trách ai nữa. Thế thôi! Có thể nói, cái cách “biến của người thành của mình” thông qua hành vi đổi danh thiếp trên quà tặng đó mới là một trong những việc làm không chính trực, nhưng thực tế đang có rất nhiều hành vi phi chính trực nghiêm trọng hơn nhiều của chủ doanh nghiệp cũng như người làm thuê mà phải nhiều bài viết nữa sau này của nhiều người mà nói ra hết được (một trong số đó là bài viết tôi rất thích vừa mới đăng của anh Lâm Minh Chánh: “Đạo đức, uy tín, tính chính trực của người làm kinh doanh”). Còn lại, nếu khi đang làm thuê mà hết mình vì công việc và doanh nghiệp, giữ contacts list và mối quan hệ để hiện tại cũng như sau này có thể làm việc tốt hơn, giúp ích cho doanh nghiệp/khách hàng/đối tác/nhà cung cấp/nhân viên v.v… được tốt hơn, thể hiện sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng thì chưa hẳn đã đáng lên án, hơn nữa là hầu như không thể ngăn chặn được, đặc biệt là trong bối cảnh áp dụng nhiều phương tiện công nghệ hiện đại vào công việc ngày nay. Bản thân tôi làm qua nhiều Công ty, dù muốn dù không thì vẫn có danh sách khách hàng cũ, vì hầu hết các doanh nghiệp tôi từng làm không cấp số đt riêng. Nhưng có được danh sách khách hàng là một việc, khai thác được hay không và nếu được thì được cái gì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Không hề đơn giản đâu, thưa các bạn! Khi làm thuê ở cấp quản lý cũng như sau này ra làm riêng, tôi chẳng bao giờ phải mất thời gian lo lắng các nhân viên có được các contacts list và các mối quan hệ từ công việc tôi giao cả, vì thứ nhất là có lo cũng chẳng được, thứ hai là nếu muốn giấu kín không cho họ biết thì tự làm hết đi! Thật tình tôi cũng như các bạn, chẳng ai ủng hộ những người phi chính trực và những việc phi chính trực cả, nhưng vấn đề là cần phân biệt, định nghĩa lại khái niệm hành vi “chính trực” và “phi chính trực” trong làm ăn kinh doanh như thế nào cho chính xác, khách quan trong thời đại ngày nay? - Nhất là trong hoàn cảnh muốn tồn tại được phải dựa vào các mối quan hệ (Thậm chí không chỉ là các mối quan hệ với khách hàng sòng phẳng vì lợi ích của nhau, mà còn có những mối quan hệ bí mật hậu trường, chia chác cấu kết thất đức bất lương, kể cả bất hợp pháp – Đó mới thực sự là nhiều điều đáng lên án, và cần thêm nhiều bài viết với chủ đề liên quan sau này). Vậy đâu là phương án cốt lõi để giải quyết tình trạng phổ biến này? Nên xem xét, đánh giá và nếu có thể thì cần điều chỉnh hành vi này như thế nào cho phù hợp và "vui vẻ" hơn? Các bạn có ý kiến giống tôi hay ý kiến khác? Kính mong được lắng nghe ý kiến và sự chỉ giáo của các anh chị và các bạn. Xin chân thành cảm ơn.