Luận án áo ngực và tiêu chuẩn FINER

Thảo luận trong 'Bệnh Viện, Phòng Khám, Công Ty Dược Phẩm' bắt đầu bởi Dịch vụ SEO, 6/10/22.

  1. Dịch vụ SEO

    Dịch vụ SEO Active Member

    Một trong những tranh cãi chung quanh luận án ‘áo ngực’ là nghiên cứu đó có xứng tầm tiến sĩ. Có người nói rằng nghiên cứu đó chỉ xứng tầm học sinh trung học. Nói vậy e rằng quá đáng. Trong cái note này tôi xin chia sẻ tiêu chuẩn FINER để đánh giá một nghiên cứu khoa học
    Nếu các bạn tìm một bộ tiêu chuẩn cho luận án tiến sĩ thì sẽ thấy rất ... chung chung. Chẳng hạn như ở Đại học UNSW (Úc), qui định chung của một luận án cấp tiến sĩ là có đóng góp nguyên thuỷ vào kiến thức chuyên ngành (original contribution to knowledge). Đóng góp 'nguyên thuỷ' ở đây có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Đại khái, khái niệm 'original contribution' bao gồm những khía cạnh sau đây:
    (a) ứng viên phải là người tự tạo ra dữ liệu mới từ một ý tưởng mới (chớ không lấy dữ liệu của người khác); hoặc
    (b) ý tưởng nghiên cứu mới nhưng dùng dữ liệu cũ [có thể là] của người khác; hoặc
    (c) phương pháp mới hay cách làm mới nhưng ý tưởng thì không mới; hoặc
    (d) phương pháp mới nhưng dùng dữ liệu thứ phát; hoặc
    (e) cách diễn giải mới mà trước đây chưa ai nghĩ tới.
    Có khi người ta thêm một câu rằng luận án tiến sĩ phải là một 'showcase' rằng ứng viên đã gặt hái được kĩ năng nghiên cứu khoa học và kĩ năng này sẽ giúp cho ứng viên trở thành một nhà nghiên cứu độc lập trong tương lai. Tóm lại, hiểu một cách khái quát, luận án cấp tiến sĩ phải thể hiện một sự đóng góp nguyên thuỷ và kĩ năng nghiên cứu khoa học.
    Tiêu chuẩn FINER
    Riêng cá nhân tôi thì hay bàn đến 5 tiêu chuẩn của một nghiên cứu cấp tiến sĩ được tóm gọn bằng 5 chữ cái FINER. Đây là ý tưởng của một người bạn và đồng nghiệp của tôi và đã được đề cập trước đây trong cuốn "Cẩm nang nghiên cứu khoa học" do tôi soạn và xuất bản ở Việt Nam. Vậy FINER là gì? Xin trả lời ngắn gọn:
    F là viết tắt của chữ feasibility (tính khả thi): Một công trình nghiên cứu cấp tiến sĩ phải mang tính khả thi, hiểu theo nghĩa có thể làm trong thời gian 3 năm với nguồn lực và tài nguyên đang có. Đây là tiêu chuẩn quan trọng nhứt cho đề cương nghiên cứu, bởi vì nếu nghiên cứu không khả thi thì rất không công bằng cho nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu sinh có thể tham gia vào một chương trình nghiên cứu dài hạn và tập trung vào một lãnh vực chuyên biệt trong vòng 3 năm thì cũng có thể xem là mang tính khả thi.
    I là interesting (thú vị): Một nghiên cứu thú vị có nghĩa là câu hỏi nghiên cứu mang tính thách thức, một ý tưởng mà đồng nghiệp có khi thấy giật mình và thốt lên 'Wow' (vì họ chưa nghĩ tới). "Thú vị" còn có nghĩa là cách tiếp cận câu hỏi nghiên cứu được xem là 'đẹp' hay 'elegant'.
    N là novelty (cái mới): Những nghiên cứu có giá trị thường đóng góp thông tin mới, dữ liệu mới. Một nghiên cứu chỉ đơn thuần lặp lại những gì người khác đã làm (tiếng Anh gọi là nghiên cứu 'me too') không xứng đáng để tốn tiền và công sức. Cái mới trong nghiên cứu có thể là mới về ý tưởng, mới về cách tiếp cận, mới về phương pháp, mới về kết quả, hoặc mới về cách diễn giải. Ngày nay, rất khó có một nghiên cứu hoàn toàn mới, mà chỉ mới trong một hay hai khía cạnh trên. Do đó, một câu hỏi nghiên cứu không cần phải hoàn toàn mới và nguyên thủy, nhưng cần phải có cách tiếp cận hay phương pháp mới.
    E là ethics (đạo đức): Nghiên cứu khoa học phải đáp ứng tiêu chuẩn về đạo đức (hay y đức nếu là nghiên cứu y khoa). Nếu nghiên cứu mang tính quá xâm phạm cơ thể bệnh nhân, hoặc phơi nhiễm bệnh nhân với các yếu tố nguy hiểm khó chấp nhận được thì không thể là có đạo đức được.
    R là relevance (tác động): Đây là tiêu chuẩn quan trọng, nhứt là đối với khoa học ứng dụng. Một trong những đặc điểm của một nghiên cứu tốt là tính liên quan, có ảnh hưởng, có tác động. Có thể nói rằng tác động là tiêu chuẩn quan trọng nhất của một nghiên cứu ứng dụng. Một cách tốt nhứt để xác định nghiên cứu có tác động hay không là tưởng tượng đến những kết quả có thể thu thập được, và xem xét các khả năng mà kết quả đó có thể đóng góp vào sự phát triển kiến thức, hay ảnh hưởng đến thực hành lâm sàng, ảnh hưởng đến chánh sách y tế, hay đóng góp vào việc soạn thảo phác đồ điều trị mới, hoặc mở ra một định hướng nghiên cứu mới.
    Về luận án áo ngực
    Quay lại câu hỏi luận án 'áo ngực' mà báo chí làm ồn ào có đáp ứng tiêu chuẩn của một luận án tiến sĩ. Tôi đã đọc luận án và nghĩ là nội dung luận án (dữ liệu, cách tiếp cận, phương pháp) có thể đáp ứng tiêu chuẩn một luận án tiến sĩ. Tại sao tôi nghĩ vậy? Tại vì:
    (a) Chủ đề nghiên cứu hợp lí, dù mới nghe qua thì có vẻ 'lạ'. Thật ra, dã có hàng trăm nghiên cứu trong chủ đề này đã được xuất bản trên thế giới. Có thể nó lạ đối với vài người, nhưng rất chánh thống đối với giới khoa học. Cứ đọc phần Dẫn nhập của luận án sẽ thấy trên thế giới đã có vài luận án tiến sĩ trong chủ đề áo ngực rồi.
    (b) Thiết kế nghiên cứu cũng rất đúng chuẩn mực khoa học, có thể trả lời những câu hỏi mà tác giả nêu ra. Tác giả dùng mô hình 'cross-sectional' cho nghiên cứu, và như thế là hoàn toàn khả thi. Tác giả có lí giải rõ ràng về số lượng nữ sinh theo công thức thống kê chuẩn.
    (c) Nghiên cứu đã tạo ra những dữ liệu mới cho Việt Nam. Dữ liệu khoa học là vàng, và dữ liệu mới càng quí báu. Trong nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng các phương tiện đo lường như GE Druck DPI (Mĩ), máy Scan3D MB2019, và software Geomagic Design X với những thông số kĩ thuật nghiêm chỉnh. Những dữ liệu thu thập được từ nghiên cứu này xứng đáng một luận án tiến sĩ (chứ không phải như vài người nhận xét là chỉ đáng nghiên cứu của học sinh phổ thông -- nói như vậy là quá đáng).
    (d) Phương pháp phân tích ok. Tác giả đã sử dụng một số mô hình phân tích dữ liệu như phân tích thành phần (principal component analysis), phân tích cụm (cluster analysis), mô hình Bayesian Model Averaging để chọn các đặc điểm quan trọng. Nói chung, tôi thấy tác giả đã dùng các phương pháp phân tích hoàn toàn thích hợp và hiện đại.
    (d) Cách trình bày kết quả phân tích nói chung là ok, nhưng tôi nghĩ có thể làm cho tốt hơn. Có khá nhiều dữ liệu và kết quả mà tôi không thể mô tả hết ở đây (không cần thiết), một số kết quả mang tính mô tả còn lại là các kết quả phân tích tương quan bằng [chủ yếu] mô hình hồi qui tuyến tính.
    Cách viết cũng có thể cải tiến cho dễ hiểu hơn. Những mệnh đề như "độ tiện nghi áp lực của áo ngực", "kích thước ngực đặc trưng", "Ứng dụng phân tích thành phần chính PCA", "vector kỳ vọng", v.v. không phải dễ hiểu và có thể diễn tả rõ ràng hơn. Chẳng hạn như công thức tính 'hiệp phương sai' (trang 67) cũng có thể viết lại cho dễ hiểu hơn.
    Trong phần mô tả phương pháp phân tích mô tả (trang 69), tác giả có vẻ lẫn lộn giữa các tham số trong quần thể (parameter) và chỉ số thống kê tính toán từ mẫu (gọi là statistic) nên đã dùng kí hiệu chưa đúng qui ước.
    Ngoài ra, còn có những cách viết như "Kết quả phân tích ANOVA Pr(>F) < 0,05" là rất khó hiểu. Trong thực tế Pr(>F) không có ý nghĩa; chỉ có "P < 0,05" là có ý nghĩa. Cũng cần nói thêm rằng khi tác giả kiểm định nhiều giả thuyết thì ngưỡng P < 0.05 là khá dễ dãi; đáng lí ra nên là P < 0.05/k (k là số giả thuyết) thì mang tính thuyết phục hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là những điểm nhỏ, và những điểm này không làm thay đổi nội dung và kiết luận của luận án.
    Tóm lại, tôi thấy luận án án “Ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực” chẳng có vấn đề gì phải ồn ào, mà đáng lí ra là nên khen tác giả đã thực hiện được một nghiên cứu / thí nghiệm rất khó khăn. Dữ liệu khoa học là vàng. Trong luận án này, tác giả đã cung cấp những dữ liệu quan trọng về nhân trắc học liên quan đến ngực của phụ nữ Việt Nam (chứ chẳng riêng gì miền Bắc Việt Nam). Tôi nghĩ những kết quả này nên đúc kết thành một bài báo khoa học để công bố trên các tập san có bình duyệt trong chuyên ngành.
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng

Chia sẻ SEO tới mọi người