"Leadership is not a popularity contest", đại ý: lãnh đạo không phải là 1 cuộc thi hoa hậu thân thiện. Vì đơn giản làm lãnh đạo không phải chỉ là để được yêu mến, để làm soái ca trong lòng dân chúng. (Trích Stt của anh Trần Vũ Hoài - Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại Unilever Vietnam) Leadership trong doanh nghiệp cũng vậy thôi. Để làm "soái ca" trong lòng nhân viên thật ra cũng không quá khó. Câu chuyện ở đây không phải là có muốn hay không muốn được yêu mến, mà là, lãnh đạo phải và nên làm gì. Có những trách nhiệm là phải làm dù có được yêu mến hay không như lương, thưởng, phúc lợi theo sự thoả thuận của DN và người lao động. Có những thứ nên làm dù có thể còn bị nhân viên ghét bỏ, như yêu cầu họ tuân thủ quy định, văn hoá công ty; hoàn thành chỉ tiêu, thời hạn công việc được giao; khuyên bảo, chia sẻ với nhân viên về ý chí, nghị lực, mục tiêu, ứng xử, phương pháp, năng suất... Trong thực tế, ở một thời điểm nào đó, với một số cá nhân nào đó, những quy định về quản lý hay những chiến lược, đổi mới sẽ không được đón nhận, ủng hộ, vì họ đang quen với một kiểu cách cũ, văn hoá cũ, hoặc họ sợ đánh mất những lợi ích cũ, họ sợ bị đe doạ bởi cái mới... Nếu người lãnh đạo chỉ mải lo việc yêu với ghét, chỉ quan tâm đến hình ảnh soái ca/ soái nương của mình có bị sứt mẻ gì không thì sẽ không có chiến lược và sự đổi mới nào tới đích. Để đạt được một điều gì đó người ta đều phải đánh đổi, thậm chí hy sinh một số thứ. Đó là lý do đâu đó vẫn có một số nhà sáng lập, chủ tịch, CEO được nhắc đến với những mô tả như là "khó tính", "kỹ tính", "quân phiệt", "độc đoán", "khô khan", "lạnh lùng", "rắn", "chặt",... nhưng họ vẫn lãnh đạo công ty tăng trưởng đều đặn, quy mô ngày một mở rộng, nhân sự có nhiều cơ hội phát triển. Những người này họ tập trung vào đại cục, vào mục tiêu và kết quả chung chứ không quá bận tâm tới sự yêu ghét cảm tính. Không phải họ không cần sự yêu mến (con người mà), nhưng họ hiểu đâu là thứ cần ưu tiên. Tất nhiên vẫn có những lãnh đạo giỏi quản trị chiến lược mà vẫn gần gũi, quan tâm tới từng nhân sự. Họ được yêu kính, thậm chí là tôn sùng. Nhưng số đó rất ít, và nó không phải là yêu cầu bắt buộc với mọi lãnh đạo. Đừng đòi hỏi phổ cập siêu nhân. Ngài Macron, Tổng thống đương kim của Pháp là một soái ca vạn người mê điển hình. Nhưng mới đây, sau khi phát hiện ra ngài đã chi 10.000$ mỗi tháng - từ tiền thuế của người dân - cho việc làm đẹp thì ngay lập tức họ hạ chỉ số ủng hộ soái ca xuống còn 36%. Một sự tuột dốc không phanh kể từ năm 1995 mới lặp lại tại Pháp. Trở thành soái ca hay tập trung lo cho "nồi cơm" của nhân viên luôn được đầy? Lựa chọn của bạn là gì? 1/9/2017 Bích Hịp (Vũ Trung Hiệp) CEO, LinkStar Communications Brand Director, Korloff Vietnam