Khởi nghiệp trong thế giới phẳng

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Bằng Mã, 23/5/17.

  1. Bằng Mã

    Bằng Mã Member

    Một đề tài cũng khá thú vị nữa mà nhiều em du học sinh Việt Nam có nêu lên trong buổi nói chuyện tổ chức tại trường Đại học Sydney vừa rồi: Đó là nên về Việt Nam khởi nghiệp hay nếu có cơ hội thì khởi nghiệp tại nước ngoài rồi vài năm sau hãy về Việt Nam. Cái nào tốt hơn, lợi hại như thế nào. Đây là một câu hỏi lớn vì nó không chỉ liên quan đến chuyện khởi nghiệp mà còn liên quan đến nhiều chuyện khác nữa. Và nó không chỉ liên quan đến du học sinh Việt Nam tại Úc mà còn tại Mỹ, Anh, Canada, New Zealand, Singapore hay bất cứ nước nào trên thế giới.

    Quan điểm của tôi đối với người khởi nghiệp thì trước hết lúc nào cũng phải nên đi làm thuê rồi mới đứng ra tự mở công ty cho mình hay đầu quân về điều hành cơ ngơi của gia đình, cha mẹ.

    Vì kinh nghiệm là thứ mà người nào cũng có thể có nếu muốn, không như tài năng hay khả năng bẩm sinh. Vậy tại sao không? Một người đứng ra lập công ty mà thiếu kinh nghiệm thì cũng giống như một chiến binh ra trận mà thiếu vũ khí đầy đủ. Mới ra trận lần đầu mà thất bại nặng nề thì có khi nhục chí bỏ luôn con đường kinh doanh. Coi như lãng phí thêm một lần nữa đối với người có nhiều tiềm năng.

    Còn trong trường hợp ý tưởng kinh doanh quá hay mà không thể chờ đợi được nữa thì sao? Vì nếu chờ thì cơ hội không trở lại lần thứ hai, kiểu như Mark Zuckerberg bắt đầu dự án facebook từ khi còn nằm trong căn phòng nội trú của Đại học Harvard. Nhưng cần nên nhớ rằng Mark Zuckerberg đã không cần đến nhiều tiền để đầu tư cho trang web lúc khởi đầu mà nó được giới sinh viên hưởng ứng rồi lan toả nhanh qua nhiều trường đại học khác của Mỹ và Canada. Đến lúc này thì các nhà đầu tư mới thấy tiềm năng kinh doanh to lớn của nó mà nhảy vô, giúp facebook trở thành facebook của ngày hôm nay. Nói cách khác, Mark Zuckerberg đã không bỏ ra nhiều tiền của chính mình hay của gia đình để bắt đầu, rủi ro gần như không có gì - đúng với hoàn cảnh của một sinh viên.

    Có nhiều trường hợp do gia đình khá giả, hậu thuẩn tiền bạc, quan hệ, cơ sở hạ tầng đầy đủ nên nghĩ mình có thể “đi tắt đón đầu”, nhảy một phát ra làm chủ luôn cho lẹ. Cứ làm trước, nếu thất bại thì có dịp học hỏi rồi lại tiếp tục bắt đầu một dự án mới. No problem. Nhưng đúng ra cái “problem” nằm ở chỗ người khởi nghiệp mà chưa từng được đứng trên đôi giày của người làm thuê thì sau này khó mà thấu hiểu nhân viên của mình để điều hành một cách thành công. Chưa kể không có kinh nghiệm cũng đồng nghĩa với không có uy tín đối với nhân viên, những người cần một ngọn cờ lãnh đạo để noi theo, để học hỏi, để chết sống và để làm nên một thương hiệu thành công.

    Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có một con đường để đi mà trên thực tế đã có những trường hợp khởi nghiệp thành công rực rỡ mà không cần đến kinh nghiệm trước đó.

    Vấn đề là xác suất rất thấp.

    Nhắc đến Facebook, thử tượng tượng điều gì xảy ra nếu Mark Zuckerberg không khởi nghiệp từ nội trú trường ĐH Harvard mà là ở đâu đó ở Châu Á hay ở Việt Nam. Liệu chúng ta có Facebook của ngày hôm nay? Chắc là khó. Vì để Facebook có được như ngày hôm nay, nó đã được chào đời trong một thị trường đầy thuận lợi, một thị trường với 320 triệu dân có thu nhập bình quân đầu người hơn 50.000 đôla Mỹ/năm. Nhưng quan trọng hơn hết là thị trường này đã có sẵn một cơ sở hạ tầng quá tốt để một ý tưởng startup xuất sắc có cơ hội phát triển và phát huy hết tiềm năng. Cơ sở hạ tầng này bao gồm cả một hệ thống liên đới với nhau về ngân hàng, tài chính, pháp lý, tư vấn, kỹ thuật, cung ứng, nhân sự…

    Nói khác đi, một ý tưởng mang tính cách mạng như facebook phải được sinh ra và lớn lên tại một môi trường thích hợp với nó mới đơm hoa kết trái. Cộng thêm mặt tâm lý, thương hiệu nữa. Hễ cái gì “hot” ở các nước có nền kinh tế phát triển và có sức ảnh hưởng quốc tế thì có vẻ như sẽ “hot” luôn ở các nước khác, có khi ở tận đầu bên kia của trái đất. Thử hỏi trong trường hợp ngược lại thì sao, cái gì “hot” ở Việt Nam có dễ gì sẽ “hot” ở các nước phát triển hay không? Chắc là không. Nên thật không sai khi nói thành công ở một nước có nền kinh tế phát triển lúc nào cũng lớn hơn rất nhiều so với thành công tương tự ở một nước có nền kinh tế nhỏ hơn, đặc biệt là đối với các ý tưởng kinh doanh có tham vọng lớn.

    Trở lại chuyện nên khởi nghiệp ở đâu đối với các bạn trẻ du học sinh Việt Nam, nếu sở hữu một ý tưởng kinh doanh phù hợp với thị trường nước ngoài, với thị trường thế giới hơn là thị trường Việt Nam - thì tại sao không - khởi nghiệp luôn ở nước ngoài, dĩ nhiên là nếu khả năng và điều kiện cho phép. Khi thành công rồi thì chuyện lan toả sang các nước khác hay trở về Việt Nam cũng đầy thuận lợi. Thế giới hôm nay đã phẳng hơn rất nhiều, suy cho cùng thì khởi nghiệp ở đâu cũng không thành vấn đề, miễn sao nó phù hợp với khả năng và ý tưởng kinh doanh của mình. Miễn sao nó cùng đồng hành với người khởi nghiệp để đi đến tận cùng của tiềm năng.

    Tác giả: Lý Quí Trung
    Link bài viết: Khởi nghiệp trong thế giới phẳng
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng

Chia sẻ SEO tới mọi người