Tôi có đọc khá nhiều bài viết nói rằng rất khó để khởi nghiệp từ 0 đồng. Đa số đều cho rằng nếu khởi nghiệp từ 0 đồng sẽ phải làm mọi việc 1 mình, từ việc lo sản phẩm, marketing, bán hàng, ship hàng...như kiểu siêu nhân và thường thất bại. Về mặt lý thuyết và logic trong các bài viết đó thì tôi đồng ý 100% luôn, nhưng về mặt thực tế thì tôi lại có một cái nhìn hoàn toàn khác. Từ chính kinh nghiệm và thực tế khởi nghiệp của mình, tôi thường xuyên nói với các bạn có ý định khởi nghiệp rằng: tiền không phải là vấn đề, khả năng kiếm tiền mới là vấn đề! Khởi nghiệp 0 đồng hay nhiều đồng không thành vấn đề, vấn đề là khởi nghiệp như thế nào. Thực tế là tôi đã dựng lại sự nghiệp từ những con số âm vĩ đại 2 lần rồi, nên cũng có chút ít kinh nghiệm thực tế có thể chia sẻ với các bạn mới nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ chẳng có gì ngoài một ý chí. 0 ĐỒNG CHỨ ĐỪNG KHỞI NGHIỆP 1 MÌNH Người Việt có cái dở là làm việc nhóm, nhưng đó là cái dở của số đông thôi. Nếu bạn tìm kiếm thành công những người có “máu” khởi nghiệp thực sự thì kết hợp làm việc cùng nhau sẽ tăng cường nội lực, tránh sai lầm và cộng hưởng được nhiều thứ với nhau. Ngoài ra như tôi vẫn duy trì thói quen gần 20 năm nay là 1 tuần phải cafe với những người bạn đã thành công ít nhất 1 lần (thành công thực chiến, thực sự chứ không phải kiểu tô vẽ; dù thành công nhỏ thôi nhưng thực tế thì vẫn tốt hơn nhiều lần sự tô vẽ hào nhoáng, về vấn đề này chúng ta phải cực kì sáng suốt để nhìn ra ai là người thành công thực, ai chỉ là cái vỏ bọc hào nhoáng) Khi làm việc cùng nhau thì một trong những kinh nghiệm xương máu của tôi là phải cực kì rõ ràng và dứt khoát. Dù trên giấy tờ hay nói miệng với nhau thì cũng phải nói trước cho rõ, đừng để khi chuyện đã rồi mới bắt đầu...cãi lộn. Tranh cãi, kiện tụng mất thời gian vô ích vô cùng! Mặc dù nói thế nhưng tiêu chí đầu tiên tôi chọn làm việc cùng là người phải đặt công việc lên hàng đầu. Thái độ sẽ quyết định thành công và tôi trung thành với nhận định đó vô điều kiện. Có nhiều bạn mà tôi gặp gần đây có trình độ, có kiến thức, kĩ năng, thậm chí có tài năng nhưng chỉ cần thử lửa 1 lần là tôi biết các bạn ấy có làm cả đời cũng không ngóc đầu lên nổi. Dấu hiệu để nhận biết dạng người thất bại này là luôn có lí do để...không làm được cái này, không làm được cái kia. Đặc biệt nhất là họ không bao giờ chịu thiệt, họ luôn nghĩ, luôn trong tư thế hình như ai đó sắp ăn mất phần của họ vậy. Chính vì vậy mà họ không chịu cống hiến, không chịu cống hiến thì không bao giờ có tinh thần tự giác làm việc. Không có tinh thần tự giác thì sẽ không thể nâng cấp bản thân họ lên được. Không có tinh thần tự giác làm việc thì loại người này là tai họa cho bất kì công ty nào chứa chấp họ. Chia tay dạng đó càng sớm càng tốt, để họ ở gần thì họ sẽ kéo bạn xuống bùn đen luôn đấy! Quan điểm của tôi là chọn đúng người để cùng nhau làm việc, cùng nhau kiếm được tiền rồi sau đó có đánh nhau chia tiền cũng được. Còn hơn chẳng kiếm được đồng nào thì lấy cái gì để chia? Mà để kiếm được tiền thì tốt nhất phải tìm ra người cộng tác có thái độ làm việc tốt. Năm ngoái tôi có dịp ra Hà Nội trong một chuyến Caravan và gặp một bạn trẻ mà tôi định tài trợ cho nhóm xuyên Việt của bạn ấy. Sau khi nghe tôi “chém gió” về khởi nghiệp và về CNTT thì anh bạn nhỏ này đòi vào Sài Gòn khởi nghiệp với tôi. Thực tế thì tôi chỉ muốn sống an nhàn chẳng muốn làm thêm cái gì nữa. Tôi chẳng đồng ý thế mà bạn đó cứ ngang nhiên vào Sài Gòn rồi cứ kiên trì bắt tôi phải khởi nghiệp CNTT cho bằng được. Tôi hỏi: - Em có bao nhiêu tiền mà đòi vào đây khởi nghiệp? Bạn đó bảo không có tiền nhưng dù cỡ nào cũng sẽ làm cho bằng được. Cuối cùng thì chính tôi phải bị khuất phục bởi ý chí của anh bạn nhỏ này. Giờ đây thì tôi phải rất ngạc nhiên để nói rằng chính tôi cũng không ngờ mới 3 tháng mà chúng tôi có thể làm được những chuyện...ngỡ như trong mơ! Nhiều bạn hỏi tôi tốn hết bao nhiêu tiền cho dự án này, tôi cười loay hoay tính toán hết chắc cỡ vài chục triệu tiền cafe chém gió và tiệc tùng cho cả 3 tháng. Ngoài những thành công bước đầu, chúng tôi đã giúp cho hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn doanh nghiệp có cái nhìn hoàn toàn khác về CNTT và ứng dụng nó vào kinh doanh như thế nào. Chúng tôi nỗ lực để sửa chữa những lỗ hổng về tư duy công nghệ mà một thị trường mới phải gánh chịu. Nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu chịu lắng nghe vì họ cũng cảm nhận được cơn sóng ngầm công nghệ đang âm thầm len lỏi vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế còn non yếu này! Tôi nguyện sẽ làm mọi việc có thể để những chủ doanh nghiệp không am hiểu công nghệ từ từ phải có kiến thức CNTT căn bản để những ông thầy, bà thầy và những thánh không thể lừa nổi họ nữa! Chính vì muốn sống an nhàn mà bị “bắt” phải khởi nghiệp nên tôi lại tìm ra cách để khởi nghiệp mà vẫn nhàn: tôi gọi là khởi nghiệp từ tốn! Hàng ngày tôi vẫn thoải mái cafe chém gió mà công việc khởi nghiệp vẫn có thể hiệu quả được. Công việc công nghệ thì đòi hỏi phải học hỏi nghiêm túc và tu dưỡng tinh thần để kích hoạt sự sáng tạo, mà học hỏi nghiêm túc thì là thói quen của tôi từ nhỏ rồi, nên cũng chẳng có gì phải bận tâm! KHỞI NGHIỆP 0 ĐỒNG THÌ CÓ GÌ ĐỂ MẤT! Có nhiều doanh nghiệp, thậm chí nhiều chính phủ vay nợ rất nhiều nhưng có sử dụng tiền đúng cách đâu. Vậy thì tiền không phải là vấn đề, khả năng làm ra tiền mới là vấn đề! Mà khả năng làm ra tiền thì phụ thuộc vào việc học hỏi không ngừng và thực hành trong chính công việc khởi nghiệp cụ thể. Tôi cho rằng không có gì tốt hơn là vừa kiếm tiền vừa học hỏi. Nếu bạn để ý thì sẽ thấy tất cả những gì chúng ta chủ động học thì sẽ nhớ lâu, ăn sâu vào chính bản thân chúng ta. Còn những gì người khác cố nhồi nhét vào thì rồi chúng ta sẽ quên đi một cách nhanh chóng, thậm chí quên trước khi kịp ứng dụng vào cuộc sống. Trong thời đại này, học hỏi là tiêu chí bắt buộc để chúng ta nâng tầm của mình lên. Tất cả mọi lối kinh doanh chiêu trò, khôn lỏi, tiểu xảo...đều sẽ bị đánh bại bởi kiến thức, bởi công nghệ và sự sáng tạo. Tôi thấy rằng chưa bao giờ việc học hỏi lại rẻ như hiện nay, nếu không muốn nói là miễn phí, miễn là chúng ta có tinh thần tự học thì sẽ học siêu nhanh. Khởi nghiệp theo quan điểm vừa học, học cực kì nghiêm túc trong quá trình khởi sự chính là cách để chẳng phải mất tiền oan vào những mục tiêu tưởng ngon ăn mà lại toàn đưa chúng ta đến bờ vực thẳm! Trong số những người đọc bài này, bao nhiêu bạn đã khởi nghiệp thất bại rồi? Tôi gặp những bạn khởi nghiệp thất bại nhiều đến nỗi tôi nghĩ không lẽ tình hình lại tệ đến thế. Rồi cứ gặp hết ngày này qua ngày khác những “tấm gương” thất bại đang thoi thóp, mất tinh thần, hoặc cố ngoi ngóp tìm hướng đi, thế là tôi nghĩ thôi thì cố viết một bài dài dài về vấn đề này vậy. Mặc dù tôi chẳng là gì trong thương trường nhưng ít ra mười mấy năm nay vẫn còn “sống sót” và tôi nhận nhận ra khi khởi nghiệp thì cần định nghĩa lại sự thành công: lấy bản thân chúng ta và chất lượng cuộc sống đặt lên số 1, muốn chất lượng cuộc sống nâng cao và bản thân chúng ta ngày càng lên tầm cao mới thì cần bình thản mà khởi nghiệp, khởi nghiệp 0 đồng càng tốt, để không phải bấn loạn vì mất sạch tiền, thậm chí ôm nợ nần! Sách vở và nhiều người vẫn nói “Thất bại là mẹ thành công” còn tôi thì hay đùa “Thất bại là mẹ của thất bại lớn hơn”! Hãy cẩn thận bởi vì những kì vọng thành công hoành tráng ở tương lai chẳng quan trọng bằng những trải nghiệm hàng ngày đâu bạn ạ. Khởi nghiệp từ từ, học hỏi nghiêm túc, trải nghiệm cảm giác trồng cây và thấy được sự trưởng thành của cái cây mình trồng, đó chính là điều quan trọng nhất. Nói vậy không có nghĩa là khởi nghiệp không cần đến tiền. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà chúng ta sẽ hoạch định cẩn thận việc sử dụng tiền trong khởi nghiệp. Nhưng tôi nghĩ một khi bạn bình thản thì sẽ rất ít khi để xảy ra sai lầm. Vả lại nếu bạn có đủ trình, chứng minh được tiềm năng của bạn thì thiên hạ sẽ mang tiền đến cho bạn làm, đến lúc đó có khi bạn lại chẳng muốn nhận tiền của họ đâu! Không có gì để mất mà lại còn được kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm và có thể sẽ tìm thấy những cơ hội cho mình. Đó chính là cách khởi nghiệp mà tôi thích làm. Chẳng áp lực, chẳng nóng vội, chẳng mong chờ thành công hoành tráng, chỉ thong thả làm những việc cần thiết. Chúng ta liệu có muốn thay đổi theo cách này? Tôi tin nếu chúng ta chịu học hỏi một cách nghiêm túc và hành động khác đi trong khởi nghiệp thì vài chục năm nữa mới mong có một thế hệ khởi nghiệp ở tầm cao mới, có thể sánh ngang Israel chẳng hạn! Còn bây giờ, chúng ta hãy tự vấn bản thân mình.