Bạn mua rất nhiều sách nhưng cứ mãi cất chúng trên kệ hoặc bạn đọc nhiều nhưng lại chẳng đúc kết được gì. Nên nhớ rằng, không quan trọng bạn đã đọc bao nhiêu cuốn sách mà quan trọng bạn đọc những gì và đọc như thế nào. Vào ngày cuối tuần, ngoài việc dọn dẹp lại nhà cửa, đi chơi với bạn bè, hãy thử dành chút thời gian để nhìn lại những ngày đã qua và lập kế hoạch cho tuần tới. Nhìn lên giá sách xem cuốn nào mình đã đọc, cuốn nào mình mua lâu rồi nhưng vẫn chưa động tới. Nhiều người sau khi làm việc này sẽ thấy số cuốn chưa đọc còn rất nhiều, thậm chí áp đảo số sách đã đọc. Nhiều người khi mua sách về thường rất quyết tâm sẽ dành thời gian để đọc, để hiểu tác giả muốn nói gì. Nhưng rồi khi cầm trên tay thì lại bị phân tâm, để dành lại; càng ngày càng lười đọc lại và tìm cớ để ngụy biện cho sự lười biếng đó. Bên cạnh đó, lại có kiểu người đọc sách vội vã, đọc rất nhanh để rồi lại chẳng nhớ gì. Bạn có đang mắc phải tình trạng trên không? Bạn có đang tìm cách khắc phục không? Hãy đọc vài điều dưới đây nhé! XEM LẠI MÌNH ĐỌC SÁCH VÌ MỤC ĐÍCH GÌ, ĐỪNG MUA CHỈ ĐỂ KHOE. Sách là một người thầy vĩ đại của con người, là nguồn cung cấp kiến thức vô tận. Nếu bạn yêu thích đọc sách và thường xuyên chụp ảnh chia sẻ tình yêu đó với mọi người thì đó là một điều rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, cần biết phân biệt xem việc mình chia sẻ là đang lan tỏa sở thích đọc sách với mọi người hay đó chỉ là việc khoe mẽ màu mè để cho xã hội thấy mình là người ham học và có kiến thức. Nếu bạn đang thuộc tuýp người màu mè kia thì hãy dừng lại ngay nhé. Thật quá lãng phí, vì bạn đang sở hữu một nguồn tài nguyên khổng lồ mà không chịu khai thác chúng; thay vì cứ mua sách bừa bãi thì nên đọc hết những cuốn mình đã mua đã. Chỉ có kiến thức, năng lực thật sự của bản thân mới khiến cho người khác phải nể phục, những thứ màu mè sẽ chỉ che mắt được những kẻ ngu ngốc hơn mình thôi, còn những người thông minh sẽ nhanh chóng nhận ra và có cách nhìn rất khác về bạn đấy! THAY ĐỔI CÁCH ĐỌC HIỆU QUẢ. Mỗi người lại có một cách đọc sách khác nhau, người thì đọc đến đâu, ghi chép ra tới đó, có người lại hay đọc rồi tóm tắt lại. Số lượng không bằng chất lượng, đọc nhiều không quan trọng bằng đọc sao cho hiểu, rút được bài học rồi áp dụng. Hãy cố gắng rút ra ít nhất 5 bài học từ mỗi cuốn sách bạn đã đọc, sau đó nỗ lực rèn luyện để thành thạo chúng, như vậy mới là thành công. Nếu đọc nhiều mà chẳng nhớ được gì thì điều bạn cần làm là ngay lập tức thay đổi cách đọc sách, miễn sao để mình cảm thấy hiểu, hứng thú và vận dụng được là được. TÌM VÀ THAM GIA MỘT NHÓM ĐỌC SÁCH. Tham gia vào một đội nhóm là cách để bạn có thể thúc đẩy bản thân, ép mình rèn luyện nhiều hơn. Đọc sách cũng vậy, nhìn thì có vẻ nhẹ nhàng nhưng để duy trì nó thì đòi hỏi rất nhiều cố gắng và tự kỷ luật bản thân. Khi tham gia vào một đội nhóm, cùng nhau đọc một cuốn sách và trao đổi, bạn sẽ được tiếp cần nhiều cách nhìn khác nhau về cuốn sách đó; những điều mới mẻ thì bao giờ cũng rất hấp dẫn. Ngoài ra, những người cùng tham gia sẽ đóng vai trò như một người giám sát, thúc đẩy việc đọc sách của mình. Mỗi ngày một vài trang sách, dần dần bạn sẽ đọc hết cuốn sách; đó chính là phương pháp duy trì vô cùng hiệu quả giúp bạn vừa không cảm thấy chán nản vừa có thể tiếp thu nhiều kiến thức. Đọc xong bài viết này hi vọng bạn đọc có thể tìm được cho mình cách khắc phục hiệu quả cho triệu chứng màu mè, mua sách chỉ để khoe mẽ. Hãy thay đổi và duy trì kỷ luật với bản thân, rồi sau một thời gian hãy so sánh lại với hiện tại và cảm nhận nhé!