ISO, HSE là gì?, có lợi ích gì?, dễ hay khó thực hiện?...có rất nhiều người còn chưa có cách hiểu đúng đắn về ISO, HSE, vì đó tôi quyết định viết loạt bài “ISO VÀ CUỘC SỐNG” để nêu lên một góc nhìn mới dễ dàng hơn, thân thiện hơn, gần gũi hơn thông qua các hành động, suy nghĩ hàng ngày, từ đó mọi người sẽ yêu quý hơn, dễ dàng hơn áp dụng vào cuộc sống, công việc hàng ngày để không ngừng cải thiện. Tôi sẽ trình bày loạt bài này dựa theo nguyên lý và các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001:2015 “9K” vì: 9K là nền tảng để áp dụng các loại tiêu chuẩn khác. Trước tiên tôi muốn chúng ta có sự thống nhất chung 03 khái niệm sau để dễ dàng áp dụng vào cuộc sống mà tôi sẽ lấy ví dụ trong loạt bài này: 01. Chất lượng “Q”: là đặc tính, giá trị vô hình hoặc hữu hình của sản phẩm mà khách hàng có thể sử dụng được, cảm nhận được (cái sử dụng được, cảm nhận được của khách hàng có thể ngay khi mua mua sản phẩm hoặc phải một quá trình dùng sản phẩm mới có được). 02. Khách hàng “C”: là những người, đối tượng xung quanh chúng ta hàng ngày, có thể bỏ tiền ra mua hoặc đơn giản chỉ là tiếp xúc với chúng ta hàng ngày (“C” là: bố/mẹ, anh/em, vợ/chồng, con, đồng nghiệp, hàng xóm, cấp trên/cấp dưới…). 03. Sản phẩm “P”: là những thứ chúng ta tạo ra hàng ngày (theo khái niệm này thì mỗi chúng ta đều là một người bán hàng và mỗi lời nói, suy nghĩ, công việc chúng ta đang thực hiện hàng ngày đều là một sản phẩm “P” chúng ta đang tung ra thị trường). Ví dụ 01: Một Công ty đào tạo A bán “lớp kỹ năng giao tiếp” cho cô B thì : Khách hàng của A là cô B, sản phẩm của A là “lớp kỹ năng giao tiếp”. Chất lượng của “lớp kỹ năng giao tiếp” là sự hài lòng, khả năng vận dụng của cô B sau khi học xong lớp đó (có thể là ngay khi hoặc cũng có thể là một thời gian sau cô B mới đánh giá hết được chất lượng sản phẩm đó) Ví dụ 02: Khi nhìn thấy con mình bị điểm 4 môn toán - Anh C nói lớn tiếng với con mình D - “Tại sao con học dốt quá vậy???”. Thì C là người bán hàng, D là khách hàng, sản phẩm là “câu nói” và “cách thức nói” Tại sao con học dốt quá vậy???. Chất lượng của sản phẩm là ý nghĩa, cảm nhận của đứa bé D khi nghe câu nói đó (trường hợp này thường thì khách hàng sẽ có cảm xúc không tốt) - Nhưng vẫn trường hợp đó nếu mà anh C ngồi xuống với ánh mắt dịu dàng, một tay có thể đặt nhẹ vào vai con (D) và nói. “Tốt con, 4 là hơn 3 rồi con và bố tin con sẽ làm tốt hơn lần sau”. Trường hợp này thì Khách hàng vẫn là D, Người bán hàng vẫn là C còn sản phẩm là Cử chỉ và câu nói “Tốt con, 4 là hơn 3 rồi con và bố tin con sẽ làm tốt hơn lần sau” thì Chất lượng của sản phẩm thường sẽ mang lại giá trị và cảm xúc tốt hơn cho đứa bé. Chú ý: Vì mục tiêu của tôi là trình bày cách áp dụng 9K để gia tăng chất lượng cuộc sống, dễ dàng giải thích các tiêu chuẩn phức tạp ra ngôn ngữ bình dân mà không phải với mục tiêu là học thuật, nên các khái niệm trên không có trong một tài liệu chính thống nào mà chỉ là một cách nhìn mới khái quát hơn mà thôi. Cám ơn các bạn đã theo dõi và ủng hộ, hẹn gặp lại tại bài 02 07 nguyên tắc quản lý chất lượng.