IPHONE X VÀ QUẢN LÝ DÒNG TIỀN

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Người đưa tin, 2/11/17.

  1. Ngồi lướt Facebook chờ đến giờ gặp khách, đọc thấy một cái iPhone X có giá bằng tới nửa năm lương (26 tuần) của người Việt mà vẫn được “order” rào rào, tự nhiên có vài suy nghĩ như sau:

    Một, nếu người đặt mua là người có thu nhập bình quân, tức mất 26 tuần làm việc không ăn không ở, không quan hệ, không tiêu xài, chỉ uống nước lã và hít không khí để sống, thì họ quả là siêu nhân. Buồn nhiều hơn vui.

    Hai, nếu những người đặt mua là người có thu nhập cao, thì khoảng cách giàu nghèo thật kinh khủng, khi nửa năm của người này bằng mấy tuần của người kia. Lo nhiều hơn buồn.

    Ba, trường hợp này tôi nghĩ là thực tế và phổ biến hơn hai trường hợp trên: người mua mê công nghệ, mê đẳng cấp và hoàn toàn mù tịt về quản lý dòng tiền (cash-flow).

    Họ quên mất rằng khoản tiền mặt đang có trong túi, hoặc lương sắp được chuyển vào cuối tháng sẽ phải gánh trả cho rất nhiều chi phí thường xuyên nhất định sẽ phát sinh: tiền ăn, tiền nhà, tiền điện nước, tiền xăng xe, tiền điện thoại, tiền quần áo, tiền kem đánh răng-dầu gội đầu, tiền sinh nhật-cưới hỏi-ma chay, tiền cho lúc ốm đau bệnh tật, v.v...

    Rất nhiều người biết rõ mình một tháng thu nhập bao nhiêu nhưng lại khá mù mờ khi trả lời câu hỏi: ngày nào, giờ nào bạn phải chi tiền gì?

    Quản lý dòng tiền (cash-flow management) không chỉ là chuyện của các doanh chủ. Nó là chuyện của mọi cá nhân.

    Đáng tiếc ở ta việc giáo dục cách sử dụng tiền, quản lý tiền, đang được lơ là (tôi không biết giờ ở trường đã có môn nào, tiết nào hay hoạt động gì để dạy học sinh về tiền chưa - nếu có mong các bạn cập nhật giúp), thậm chí không được khuyến khích. “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan.” Chúng không được cầm tiền, thậm chí bị cấm đụng đến tiền. Mọi việc đã có bố mẹ lo.

    Kết quả là chúng ta rất biết mua sắm, nhưng nhận thức không sâu về giá trị đồng tiền (=một đồng tiền đáng giá bao nhiêu mồ hôi) và hình dung khá mờ nhạt về sự chảy vào và ra khỏi túi của tiền (cash inflow and outflow).

    Tình trạng “vung tay quá trán” phổ biến ở người Việt (trẻ) có gốc rễ từ sự kém cỏi về hiểu biết dòng tiền.

    Không nhìn được xa, không tiên liệu được lúc nào sẽ cần bao nhiêu tiền cho việc gì, chúng ta thoải mái tạm ứng các khoản dành cho chi phí thường xuyên (chi phí bắt buộc) để chi tiêu cho những thứ không bắt buộc!

    Kết quả là để có iPhone X thời thượng, tôi cá sẽ có bạn phải nhịn ăn, nhịn chơi, nhịn xem, nhịn cả đánh răng lẫn gội đầu, nếu không muốn nói là có thể liều lĩnh làm những việc không đáng khi đã trót rơi vào bẫy “cash-flow”.

    Tôi đang sống ở một xã hội tiêu dùng, xã hội của “credit card”. Việc mua xe, mua điện thoại đắt tiền, mùa hàng hiệu là khá dễ dàng kể cả khi không một xu dính túi. Thế nhưng người ta không vì thế mà có nhiều đồ chơi hay hàng hiệu đẹp như các bạn quê ta.

    Bởi họ biết “tín dụng” tức là chi tiêu bằng lợi tức, thu nhập sẽ có ở tương lai, điều không phải bao giờ cũng diễn ra một cách suôn sẻ.

    Vài chia sẻ với các bạn trong một buổi sáng khá mát mẻ tại Sydney. Chúc các bạn quản lý tốt dòng tiền của mình để luôn thấy đầy đủ, hạnh phúc.

    Viết từ Sydney, Australia.
    Tuấn OZ
     
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng

Chia sẻ SEO tới mọi người