HỢP

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi tháng 10, 19/10/17.

  1. tháng 10

    tháng 10 Member

    Khoảng hơn 5 năm trước, khi tôi còn làm trưởng phòng kinh doanh một công ty tài chính, tôi có đăng tuyển nhân viên kinh doanh (nhân viên sales). Ban đầu, tôi chỉ chọn các ứng viên là sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi của các trường top trên như Kinh Tế, Ngân Hàng… Và sau một thời gian ngắn làm việc, hầu hết các bạn ấy đều xin nghỉ. Không phải các bạn ấy không làm được việc, mà là công việc không phù hợp với những gì các bạn ấy kỳ vọng. Các bạn ấy mong muốn có một công việc lương ổn định, ngồi văn phòng máy lạnh, xử lý những thứ thuộc về con số, phân tích, lên chiến lược… hơn là bôn ba ngoài đường, hẹn gặp khách và “bán nước bọt”. Mức lương thì bèo bọt, bởi lương của sales phụ thuộc vào doanh số các bạn bán ra. Sau đó, tôi rút kinh nghiệm, tuyển các bạn không cần tốt nghiệp điểm cao chót vót, cũng không cần các trường top trên, mà tôi nhìn vào những hoạt động ngoại khóa các bạn ấy đã tham gia khi còn sinh viên. Tôi nghĩ, các bạn ấy năng động như vậy thì có lẽ sẽ hợp với việc đi ra ngoài sales hơn. Và lần này tôi đã may mắn, hầu hết các bạn ấy ở lại với tôi cho đến hơn 1 năm sau, thời điểm khi tôi xin nghỉ việc (vì một số quan điểm trái ngược với lãnh đạo công ty).

    Lớp CEO SG1 chúng tôi vẫn thường tổ chức các buổi workshop để các thành viên chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân mình cho mọi người. Tuần trước, tôi có trình bày một buổi workshop Nâng Cao Năng Suất Làm Việc Cho Cá Nhân Và Doanh Nghiệp trước lớp (là những kiến thức mà khi tôi áp dụng những kiến thức đó, doanh thu của tôi đã tăng hơn gấp đôi) Trong đó, tôi có đưa ra một công thức mà tôi được học từ một tổ chức huấn luyện doanh nghiệp SME hàng đầu thế giới. Đây là công thức mà tổ chức đó đã rút ra từ hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới, giúp nâng cao lợi nhuận mà không cần bỏ chi phí marketing. Có một anh trong lớp đưa ra ý kiến, anh nói công thức này không đúng đối với doanh nghiệp của anh. Bởi doanh nghiệp của anh là B2B, mỗi năm chỉ có 4-5 khách hàng, nhưng mỗi khách hàng trị giá mang lại doanh thu vài tỷ tới vài chục tỷ, và nếu áp dụng công thức này thì sẽ sai. Và gần 20 người chúng tôi cùng thảo luận sôi nổi. Cuối cùng, chúng tôi đồng ý với kết quả: Đây là kết luận được rút ra từ rất nhiều doanh nghiệp SME trên toàn thế giới, nhưng nó không có nghĩa là phù hợp với tất cả các doanh nghiệp, tất cả các ngành nghề. Và mỗi doanh nghiệp khi dùng công thức này, cần phải có sự biến đổi sao cho phù hợp với doanh nghiệp của mình hơn. Cũng giống như các công ty nước ngoài, khi vào mỗi nước khác nhau đều có chiến lược địa phương hóa (Localization Strategy) sao cho phù hợp với văn hóa vùng miền ở đó.

    Trong một buổi gặp mặt lớp CEO Chuyên Sâu, vừa vào đầu buổi, Thầy hỏi có muốn nghe kể chuyện không. Và Thầy kể cho chúng tôi câu chuyện về con thỏ và con lạc đà: Con lạc đà nhìn thấy ở phía bên kia sa mạc có một đồng cỏ mênh mông rộng lớn, và nó băng qua sa mạc để đến được đồng cỏ đó. Nó có bướu để chứa lương thực, có da có thể chống chọi được nhiệt độ hàng chục độ ban ngày và âm độ ban đêm, có những khả năng khác để có thể đi trong sa mạc, tìm đến MỤC TIÊU của nó. Còn con thỏ, muốn đến được đồng cỏ, thì hành vi của con thỏ phải khác hành vi của con lạc đà. Con thỏ phải đi theo cách của nó. Nó phải chạy dọc theo suối, theo cỏ để đến đích. Con thỏ không có khả năng băng thẳng qua sa mạc được, nếu muốn băng thì chỉ chạy được một đoạn ngắn rồi phải tìm nước và cỏ bổ sung. Và con thỏ phải chạy tốc độ thật nhanh, nhanh hơn con lạc đà. Thầy nói, đó là số phận của con thỏ. Chúng ta là startup, chúng ta không có nguồn lực mạnh sẵn có như con lạc đà, mà chúng ta là con thỏ. CHÚNG TA PHẢI CÓ TẦM NHÌN CỦA CON LẠC ĐÀ, NHƯNG CHÚNG TA PHẢI ĐI NHƯ CON THỎ. Đại ý của Thầy là Ước Mơ phải lớn, nhưng phải Hành Động linh hoạt, phù hợp với nguồn lực của mình. Tầm nhìn cao xa, nhưng phải chạy theo những đơn hàng nhỏ để sống trước đã!!! Đừng chỉ vì đọc những quyển sách quản trị, chiến lược cao siêu cho tầm vóc những công ty, tập đoàn lớn, hay những kiến thức hàn lâm của những lý thuyết gia mà ứng dụng máy móc rồi sập.

    Cuộc đời chúng ta, doanh nghiệp của chúng ta, như một trò chơi xếp hình. Mỗi một giai đoạn, chúng ta cần tìm những mảnh ghép PHÙ HỢP nhất, chứ không phải mảnh ghép tốt đẹp nhất. (àh, ý tôi là “trò chơi xếp hình” như hình minh họa, không phải kiểu xếp hình kia nhé)

    P/S: Bài viết này tôi xoay quanh 1 chữ HỢP, và nó Hợp với cá nhân tôi. Cho nên có thể sẽ khác quan điểm của bạn, bởi mỗi ngành nghề và môi trường khác nhau sẽ có những quan điểm khác nhau. Nếu có gì sai sót, hãy góp ý giúp tôi. Xin cám ơn.

    Nguyễn Hoàng Nam
    Thành viên CEO SG1
     
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...