Thật tình mà nói rằng học thì mệt và chán hơn vui chơi và giải trí! Bản thân tôi khá tự hào là người có kỷ luật và quyết tâm học hỏi, nhưng cũng có lúc bị hết “xăng” và “xao lãng”. Tôi đang tìm hiểu một video của chuyên gia nói về xu hướng Youtube dùng trí tuệ nhân tạo thay thế cho thuật toán, thì không hiểu sao tôi bị trôi dạt vào Vietnam Next Top Model vòng chung kết; kế tiếp là Hồ Ngọc Hà sắp lấy Kim Lý, người yêu cũ của của Trương Ngọc Ánh; kế tiếp là Bước Nhảy Ngàn Cân… Đến khi “thoát” ra được thì mới nhận ra đã hơn 1:00 giờ sáng. Và đến lúc này cũng quên luôn là mục tiêu đầu tiên của mình là tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo. Học thì mệt và chán vì khi học ta dùng phần pre-frontal cortex (phần não trước trán) để tập trung, chú ý, phân tích, suy nghĩ, ghi nhớ và quyết định. Phần pre-frontal cortex này có giới hạn như một bình xăng. Càng dùng thì xăng sẽ cạn. Trái lại, khi ta chơi và giải trí thì hầu như pre-frontal cortex không làm việc nhiều; mà phần limbic ( hệ viền) điều khiển cảm xúc vui buồn, hưng phấn, lo giận được tác động nhiều nhất. Và phần cảm xúc thì hoạt động rất “hăng say” và không bị giới hạn “hết xăng” như pre-frontal cortex. Ngày nay chúng ta rất may mắn sống trong thời kỳ mà thông tin để đọc, học và giải quyết một vấn đề nào đó đều có thể tìm ra trong tích tắc: qua sách vở, ebook, tìm kiếm Google, internet, Facebook, groups, youtube videos và rất nhiều nguồn miễn phí khác. Vấn đề còn lại là chúng ta học được bao nhiêu, tiếp nhận được bao nhiêu và áp dụng được chừng nào. Chúng ta muốn học một ngoại ngữ, một nhạc cụ, lập trình coding, SEO tối ưu hóa từ khóa, internet marketing, content marketing, làm website, trở thành chuyên gia facebook, vlog, blog, thông thạo excel, làm youtube, trở thành tác giả viết sách… Có rất nhiều diều muốn học, muốn làm … nhưng thời gian có hạn và não của con người cũng có công suất có hạn riêng. Đút kết nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy cho người lớn, lẫn hai nhóc con ở nhà, và bản thân cũng là một học trò không bao giờ ngừng học hỏi, tôi chia sẻ một trong những bí quyết học nhanh, hiệu quả như sau: 1. Bạn phải vạch ra mục tiêu/ mục đích chính của việc học đó là gì Ví như tôi muốn thành lập kênh youtube. Mặc dù tôi thuê người làm một số việc, nhưng tôi phải tự học làm rất nhiều điều chung quanh mục tiêu đó. Cách đọc analytics, cách làm thumbnail, cách tìm SEO, hiểu backlink, cách dùng ánh sáng, cách dùng app thay cho studio, cách biên soạn edit video, làm sao biết được người xem quan tâm điều gì, animation, Facebook ghét youtube đến mức độ nào… Đây chỉ là phần kỹ thuật. Đó là chưa kể đến phần xây dựng nội dung, xây dựng hệ thống nối kết… Cần rất nhiều mãnh nhỏ để tạo một bức tranh lớn. Bạn phải biết được bạn muốn bức tranh lớn như thế nào, thi bạn sẽ tìm ra những mãnh nho nhỏ để ghép lại. 2. Kỹ thuật học hiệu quả POMODORO Kỹ thuật Pomodoro do Francesco Cirillo sáng tạo cuối 1980s. Tiếng Ý Pomodoro có nghĩa là quả cà chua. Khi còn là sinh viên, Cirillo đã dùng cái đồng hồ hình quả cà chua để canh giờ học cho hiệu quả Các bước như sau: • Quyết định những việc gì cần làm, cần học, cần viết. • Đặt đồng hồ báo thức trong vòng 25 phút. • Bắt đầu tập trung 100% vào việc đó. Không điện thoại, không mạng xã hội, không nên có một điều gì làm bạn bị chi phối trong 25 phút đó. • Khi đồng hồ báo 25 phút đã qua, bạn ngưng và đánh dấu trên một trang giấy, Nghĩ giải lao 5 phút. • Mỗi lần bạn được 4 cái dấu thì bạn tự thưởng cho mình 20 phút. • Tùy theo sức của mình, hay bản chất phức tạp sự khẩn cấp của công việc, bạn có thể tiếp tục chu kỳ này. Theo tôi nghiên cứu về não, thì kỹ thuật Pomodoro rất khoa học. Vì sau khoảng 25 phút, phần pre-frontal cortex giảm lượng xăng đáng kể. Đến lúc này, bạn nên ngưng dành thời gian bơm thêm “xăng” cho não. Chúc các bạn nhiều thành công trong việc học một kỹ năng mới và hoàn thành công việc nhé. Lan Bercu Tác giả 36 Kế Trong Kinh Doanh Hiện Đại Sáng lập LanBercu TV