Founder của startup và tư duy chiến lược

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Y Dược, 14/6/17.

  1. Y Dược

    Y Dược Member

    Có một tác giả của một cuốn sách viết về tư duy phản biện mở lời rằng: “Chất lượng cuộc sống của chúng ta được quyết định bởi tư duy của ta. Chất lượng tư duy của ta, đến lượt nó, được quy định bởi chất lượng của những câu hỏi của ta, bởi lẽ câu hỏi là động cơ, là lực truyền động nằm đằng sau tư duy. Không có câu hỏi, chúng ta không có gì để tư duy”.

    Tôi thì nghĩ đơn giản, kết quả của doanh nghiệp startup phụ thuộc rất nhiều số câu hỏi mà các founder/co-founder đặt ra. Chất lượng hỏi và câu trả lời là tiền đề để tạo ra kết quả như kỳ vọng. Tôi mang rất nhiều câu hỏi đến với lớp học CEO KN SG3 để học lại bài học “Quản trị chiến lược” của thầy Tran Kim Thanh và cô Bắc (Bac Pham). Tôi vốn đã được học ở lớp SG2 nhưng vẫn còn nhiều mơ hồ nên xin thầy chủ nhiệm Lâm Minh Chánh học lại môn này. Học xong hai buổi nữa vẫn còn thấy nhiều mơ hồ. Thôi thì viết ra “những câu hỏi” xem như là recap theo cách hiểu của bản thân để được học hỏi tiếp từ các thầy và mọi người trong group.

    Khi nói đến chiến lược thì câu hỏi đầu tiên bật ra là: Chiến lược định hướng là gì? Theo cách hiểu của bản thân thì đó là cách xác định cái đích mà mình muốn đến với các mục tiêu giả định kỳ vọng đạt được trong tương lai. Từ đó dựa trên các nguồn lực hiện có hoặc huy động nguồn lực để hành động hướng đến các mục tiêu tương lai ấy.

    Nhưng để có được một định hướng chiến lược tốt thì các founder của startup cần sự chọn lựa của mình.

    1) “Chọn” ngành:
    - Ngành nào mình có thể làm tốt nhất?
    - Chuỗi giá trị của ngành là gì?
    - Với nguồn lực hiện có và khả năng huy động nguồn lực thì mình làm được công đoạn nào tốt nhất trong chuỗi giá trị của ngành?
    - Mỗi công đoạn ấy cũng có nhiều phân khúc, vậy phân khúc nào mình cần hướng đến?
    - Để làm tốt phân khúc đó thì cần phối hợp với đối tác nào? Đối tác ở đây có thể là nhà cung cấp nguyên vật liệu, đối tác cung cấp công nghệ, đối tác phân phối, đối tác cung cấp tài chính,... và cả những nhân sự chủ chốt.
    - Cần có phương pháp, công cụ nào hỗ trợ mình để đưa ra quyết định chọn lựa phù hợp?
    - Liệu ngành, công đoạn, phân khúc mình có ý định chọn thì mình có khả năng làm giỏi nhất không?

    Nhiều khi các founder của startup chỉ nghĩ rằng mình sẽ làm tốt, nhưng liệu việc chọn lựa này có phù hợp với bối cảnh thị trường? Chính thị trường là một trong những yếu tố chính quyết định đến sự tồn tại và phát triển của startup.

    2) Vào ngành:
    - Ngành mình chọn có quy định ràng buộc gì không?
    - Có quy định, pháp lý nào liên quan đến địa phương mà mình chọn làm thị trường?
    - Khách hàng của mình tập trung ở đâu?
    - Độ lớn của thị trường như thế nào?
    - Nhân khẩu học của khách hàng mình đang hướng đến như thế nào?
    - Văn hoá của khách hàng mục tiêu có gì đặc biệt?
    - Đối thủ có sản phẩm trong phân khúc và phạm vi mình cung cấp dịch vụ là ai? Năng lực của họ như thế nào? Lợi thế cạnh tranh mà họ có là gì?
    - Công nghệ nào đang áp dụng trong ngành mình chọn? Công nghệ nào phù hợp nhất?
    - Điểm mạnh và điểm yếu của con thuyền của mình là gì?
    - Đối tác mình cần phối hợp là ai?
    - Đội ngũ nhân sự chủ chốt mình cần là như thế nào? Ở đâu?

    Nhiều lúc, ta có xu hướng suy nghĩ một cách chủ quan. Cứ nghĩ mình đã nhớ và không thèm ghi ra và đi tìm hiểu. Cho đến khi những vướng mắc phát sinh khiến startup gặp nhiều thách thức. Hãy viết ra và phân tích để có một góc nhìn rõ ràng để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp startup của mình.

    3) Phải và muốn:
    Theo lý giải của thầy Thành thì Mission – sứ mệnh, nghĩ đơn giản gắn với chữ “Phải”, cái công việc phải làm để đạt được Vision - tầm nhìn (cái mình “Muốn”). Có một vài câu hỏi mà founder cần trả lời:
    - Những công việc nào doanh nghiệp mình cần phải làm?
    - Cái kết quả mình muốn hướng đến là gì?
    - Mối liên hệ giữa cái “muốn” cái “phải làm” và cái “chọn” có liên quan gì với nhau? Đây là một câu hỏi khó nhưng nó giúp các founder đánh giá lại những quyết định chọn lựa của mình.

    4) Chọn lựa chiến lược:
    Phân tích các kiểu để hiểu được ngành, thị trường và cả mong muốn dựa trên nguồn lực nội tại để đưa ra chiến lược cho doanh nghiệp startup của mình. Lại tiếp tục đặt ra những câu hỏi mang tính quyết định, ANSOFF là một công cụ hữu hiệu để chọn vào ngành.
    - Chiến lược sử dụng sản phẩm hiện có để thâm nhập sâu vào thị trường hiện hữu có phù hợp? Tại sao?
    - Chiến lược sử dụng sản phẩm hiện có để phát triển thị trường mới có phù hợp? Tại sao?
    - Chiến lược phát triển sản phẩm mới trên thị trường hiện có phù hợp không? Tại sao?
    - Chiến lược đa dạng hoá sản phẩm có phù hợp? Tại sao?

    5) Quản trị danh mục đầu tư:
    Điều mà các founder của startup hay thần tượng hoá về sản phẩm của mình. Nhưng thị trường mới chính là nơi quyết định sự thành công của sản phẩm đó. Việc quản trị danh mục đầu tư cực kỳ quan trọng, nó quyết định dòng máu (cashflow) của doanh nghiệp mình chảy như thế nào. BCG là một công cụ hữu hiệu để giúp founder đánh giá.
    - Doanh nghiệp có bao nhiêu sản phẩm đang mang lại nguồn máu chính? (Con bò sữa) Mỗi sản phẩm đó đang ở giai đoạn nào trong vòng đời?
    - Doanh nghiệp có bao nhiêu sản phẩm ngôi sao đang lên và hứa hẹn mang nhiều nguồn máu mới cho doanh nghiệp? Dự kiến bao lâu sản phẩm đó trở thành con bò sữa cho doanh nghiệp?
    - Doanh nghiệp có bao nhiêu sản phẩm đang xây dựng và phát triển thị trường? Dự kiến sau bao lâu sản phẩm trở thành sản phẩm ngôi sao đang lên hoặc trở thành con bò sữa?
    - Doanh nghiệp có bao nhiêu sản phẩm sắp hết vòng đời? Khi nào cần loại bỏ chúng?

    6) Thời điểm chọn vào thị trường: Thời điểm phù hợp là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một startup.
    - Làm sao biết được thời điểm tung sản phẩm nằm ở giai đoạn thị trường chấp nhận?
    - Làm sao biết thời điểm nào thị trường hết cơ hội cho sản phẩm của ta?
    - Nếu chọn thời điểm tung sản phẩm ở thời điểm thị trường còn mới, chưa chấp nhận sản phẩm thì liệu doanh nghiệp có đủ nguồn lực để thực hiện công việc giáo dục thị trường?
    - Mỗi giai đoạn phát triển của thị trường thì nguồn lực cần là gì? Bộ máy tổ chức ra sao? Năng lực lãnh đạo và thực thi của đội ngũ như thế nào? Công nghệ liên quan như thế nào? Hệ thống quản lý cần như thế nào?...

    Có quá nhiều câu hỏi mà founder của startup cần trả lời. Có thể bạn có nhiều câu hỏi hơn tôi. Nhưng ngay từ đầu founder đặt ra các câu hỏi trọng tâm tốt và có câu trả lời rõ ràng thì startup chạy sẽ tốt hơn. Mỗi câu trả lời sẽ phụ thuộc vào bối cảnh của mỗi founder, năng lực của mỗi founder,... và dường như rất khó để tìm được câu trả lời bằng cánh vay mượn của người khác.

    Bạn hãy hình dung, founder của startup giống như những phi công là người lái chuyến bay của mình, trong chuyến bay ấy có nhiều đội ngũ, đối tác. Điều gì xảy ra khi định hướng chuyến hành trình không rõ ràng? Điều gì xảy ra khi các hoạch định các chặn đường của chuyến bay không được suy nghĩ một cách thấu đáo, không lên kế hoạch trước khi máy bay cất cánh?

    Bởi vậy, sự thành công của startup phụ thuộc rất nhiều ở tư duy chiến lược và cách thực thi của các founder.

    Cao Trần – CEO | Apex Global Corporation
    14/6/2017

    Tái bút:
    - Cảm ơn ban quản trị group QTvKN đã tạo ra những lớp học CEO tuyệt vời.
    - Thầy Trần Kim Thành chia sẻ 1 đại ý mà tôi rất tâm đắt “Những gì anh đứng đây và chia sẻ với các em là những thứ anh đã áp dụng, áp dụng hiệu quả. Các em viết recap và truyền thông tin này đi thì thông tin sẽ được lan toả ra cộng đồng.”.
    - Đối với tôi, đây là những câu hỏi tôi đã và đang đối diện để trả lời cho startup của mình. Tôi tin bạn vào lớp CEO thì bạn sẽ học được nhiều hơn.
    - Những câu hỏi của tôi đưa ra có thể không bao phủ hết các startup. Thật tuyệt khi bạn bổ sung và đưa ra quan điểm của bạn thông qua comment.
    - Hình ảnh của thầy Thành (một trong nhiều người thầy đáng kính của tôi) và nội nội dung thầy dạy cho lớp – nguồn từ các bạn CEO KN SG3.
    - Lần đầu viết về startup .

    Link bài viết: Founder của startup và tư duy chiến lược
     
    Last edited by a moderator: 14/6/17
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng

Chia sẻ SEO tới mọi người