Đôi điều thú vị về người Mỹ khi làm việc!!!

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Xã Nga Thắng, 20/12/17.

  1. Chào các anh chị và các bạn trong group Quản Trị và Khởi Nghiệp. Trong chuyến đi này, Trang gặp khá nhiều người Mỹ đứng đầu các quỹ đầu tư khởi nghiệp hoặc giữ vị trí quan trọng trong các tổ chức công nghệ, nhưng họ đều giản dị. Trang rất bất ngờ và ấn tượng vì cách làm việc chuyên nghiệp của họ - không phải kiểu chuyên nghiệp áo comple, cà vạt mà là chuyên nghiệp trong tác phong, suy nghĩ và thực thi công việc. Mong anh chị kiểm duyệt cho Trang chia sẻ những điều này với mọi người ạ.
    [​IMG]
    1. Giờ giấc và địa điểm chính xác
    Mọi người rất chính xác về mặt giờ giấc. Dù ở vị trí cao nhưng chưa có giáo sư hay mentor nào để Trang phải đợi vì họ phải họp hành thêm hay có việc đột xuất khác. Điều này cho thấy họ quản lý thời gian rất chuẩn và hiệu quả. Họ cũng tôn trọng thời gian của bản thân và đối tác.
    Họ không thay đổi địa điểm gặp nhiều lần và các cuộc gặp thường diễn ra tại office hoặc co-working space. Rất ít khi họ hẹn gặp gỡ cà phê vì quán cà phê thường ồn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc gặp.
    Thời gian và địa điểm gặp sẽ thường được gửi qua email và google calendar, kèm bản đồ hướng dẫn địa điểm gặp, làm cho người được hẹn có muốn nhầm cũng ko nhầm được. [​IMG]

    2. Luôn tìm hiểu trước các vấn đề và câu hỏi trước buổi gặp
    Các buổi gặp của Trang với giáo sư, mentor hay nhà đầu tư chẳng bao giờ kéo dài quá 2 tiếng nhưng luôn cân não khủng khiếp. Vì họ hỏi và hỏi liên tục. Họ không bao giờ bắt Trang phải trình bày lại vấn đề của ngày hôm trước hay giải thích về Elight là gì, tất cả những gì tìm hiểu được trên Internet họ đều làm cả rồi. Họ sẽ đặt câu hỏi về những thứ họ không tìm thấy hoặc họ thấy chưa hiểu. Những câu hỏi được đưa ra rất logic và có sự kết nối chứ không kiểu hỏi hời hợt cho có. Kết thúc buổi gặp sẽ luôn là 1 danh sách những câu hỏi mới hoặc vấn đề họ muốn mình suy nghĩ và tìm ra câu trả lời trước khi hẹn buổi gặp tiếp theo.
    Điều này khiến Trang thấy chất lượng mỗi cuộc gặp quan trọng hơn nhiều so với thời gian mỗi cuộc gặp. Để có 1 cuộc gặp chất lượng thì cả 2 bên đều cần bỏ công sức để tìm hiểu và chuẩn bị cho nội dung gặp cẩn thận. Đôi khi cuộc gặp 1 tiếng nhưng thời gian tìm hiểu và chuẩn bị nội dung có thể là 1 ngày hoặc thậm chí cả 1 tuần.

    3. Ghi nhận, động viên và khích lệ
    Văn hoá động viên được nhìn thấy ở hầu hết người Mỹ. Không phải là họ không biết chê hay nhận ra điều chưa tốt, mà là họ luôn cố gắng nhìn ra điểm tốt và khen ngợi đúng lúc. Bản thân Trang trong những lần thuyết trình khi thì bị quá giờ, khi thì bị quên ý,…và tự mình trách mình. Nhưng lúc nào cũng nhận được lời khen “Good Job!” cộng với nụ cười tươi từ người đối diện. Điều này khiến Trang cảm thấy ấm lòng hơn rất nhiều. Tất nhiên sau đó họ luôn có feedback kèm đề xuất mình nên làm gì để cải thiện những vấn đề tồn tại. Tức là ở đây họ không bao giờ chỉ đưa ra vấn đề và chỉ trích mà luôn là vấn đề đi kèm luôn với giải pháp.

    4. Trang phục thoải mái và thể hiện cá tính:)
    Vị giáo sư đại học Stanford Trang làm việc cùng đeo cà vạt có hình Mickey.
    Anh mentor đứng đầu quỹ đầu tư luôn mặc áo phông và quần jeans.
    Ban giám khảo các cuộc thi có người mặc vest, có người mặc áo len.
    Trang cũng thắc mắc tại sao lại như vậy, thì anh mentor của Trang bảo là: Ở Silicon Valley mọi người sẽ mặc sao cho thoải mái nhất và khi thoải mái nhất thì làm việc mới hiệu quả được. Ở đây mọi người không đánh giá nhau qua trang phục. Khi nói chuyện này là Trang đang mang giày cao gót và mặc vest, anh bảo “How can you wear that high heels all day?” và khuyến khích Trang mặc thoải mái trong ngày hôm sau đi làm. Thế là hôm sau Trang cũng tự tin đi giày thể thao, mặc jeans và áo phông với tâm trạng rất phấn chấn.

    5. Làm việc tập trung
    Các công ty thường bắt đầu làm việc từ 9h sáng, họ chỉ nghỉ trưa khoảng 45 phút đến 1 tiếng để ăn trưa và sau đó tiếp tục làm việc tới 5h hoặc 6h chiều. Nếu có nhiều việc họ có thể sẽ ở lại làm tới 8h hoặc 9h tối. Dù làm việc cả 1 ngày dài nhưng lúc nào Trang cũng thấy họ tập trung, không bao giờ thấy họ đi ra đi vào, ăn vặt hay tám chuyện gì cả. Họ thường sẽ có khu phục vụ trà, cà phê ở góc phòng. Khi nào mệt mọi người ra đó uống trà, cà phê và tám chuyện ở đấy luôn. Xong xuôi họ lại về chỗ ngồi và tập trung làm việc.

    6. Làm việc với tình yêu và sự quan tâm thực sự tới công ty
    Thật tuyệt vời vì ở đây bạn cũng có thể thấy được một người trực lễ tân bình thường đang yêu và quan tâm đến “số phận” công ty của mình như thế nào. Ví dụ khi Trang hỏi các bạn nhân viên ở Udemy và Google Launchpad, thì điều khiến họ tìm đến và gắn bó với công ty là vì sứ mệnh của công ty. Họ nói về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị, văn hoá với niềm tin và sự tự hào rất lớn. Và họ luôn nắm được tình hình công ty đang như thế nào, cổ phiếu ra sao, họ cần phải làm gì trong các tình huống đó để đóng góp cho công ty.

    7. Trao đổi thông tin một cách thẳng thắn và trung thực
    Mọi người sẽ thẳng thắn hỏi: Vấn đề lớn nhất mà công ty bạn đang gặp phải là gì? hay vấn đề nào có thể xảy ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng?
    Và thật bất ngờ: mọi người đều thành thật trả lời các vấn đề chứ không hề giấu giếm hay nói giảm nói tránh gì cả.
    Các thông tin đưa ra đều được dựa vào các báo cáo hay thu thập data chứ không bao giờ có câu “I think…”, “I guess...”
    Ví dụ khi mình tham gia buổi thuyết trình tại Google Launchpad tối vừa rồi, có 1 nhóm có ý tưởng làm dịch vụ y tế cho trẻ con. Và khi được hỏi rủi ro có thể xảy ra là gì, cô bác sỹ cũng là Founder của tổ chức đã không ngần ngại trả lời: “The death” - tức là khả năng dẫn đến tử vong ở trẻ con.
    Hay một nhóm có ý tưởng xây dựng 1 hệ thống để kết nối các spa với người dùng, khi được hỏi về doanh thu, chị ấy sẵn sàng trả lời câu hỏi: “How to make money and how much money do you have from that business model?”, kèm theo bảng số liệu chi tiết. Cái này Trang thấy rất choáng, vì với Trang các thông tin tài chính luôn cần bảo mật, vậy mà họ không ngần ngại chia sẻ với ban giám khảo. Nhưng sau đó mình biết là các thông tin được chia sẻ trong buổi ngày hôm đó chắc chắn sẽ không được đưa ra ngoài vì khi tham gia mọi người đều ký vào biên bản bảo mật thông tin:)

    8. LinkedIn, Twitter và Whatsapp luôn là những ưu tiên số 1.
    Đương nhiên ngoài email để làm việc như bao đất nước khác. Tại Mỹ, thay vì gửi cái CV thì mọi người lại thường xuyên hỏi LinkedIn, thay vì dùng facebook thì họ lại thich Twitter, thay vì dùng viber thì họ lại ưu tiên liên lạc bằng Whatsapp. Bản thân mình ở Việt Nam cũng không quen sử dụng những thứ này, vậy mà sang đến Mỹ phải cài đặt hết đơn giản vì đối tác, mentor,...ai cũng dùng. Câu hỏi hay được hỏi là "Do you use LinkdedIn?" Wow, nếu bạn muốn làm việc với người Mỹ thì cũng sắm ngay những công cụ này nhé, và đừng quên xây cái LinkedIn đẹp đẽ như xây CV vậy.

    9. Tuyển dụng trước cả năm trời!
    Đây có lẽ là điều khiến mình mắt chữ O mồm chữ A nhất. Chuyện là mình có 1 người chị (không họ hàng đâu chỉ là chị vì hơn tuổi thôi:)), chị ấy đang học thạc sỹ năm 2 mà đã được nhận full time job từ Adobe ở Silicon Valley rồi. Tò mò mình hỏi: chị vừa đi học full time mà lại nhận job full time thì làm kiểu gì. Và câu trả lời là: Adobe tuyển dụng trước 1 năm ạ. Không chỉ vậy, hầu hết các công ty ở SV đều tuyển dụng trước cả năm trời vì họ sợ người giỏi bị tuyển sớm, họ cần có đủ nhân sự để xây dựng kế hoạch cho năm tới, họ cần thời gian để luật sư nhảy vào tìm hiểu đối tượng và có thể chuẩn bị working visa nếu đó không phải người Mỹ. Vậy nên bạn nào muốn kiếm job ở Mỹ thì nên tìm hiểu và apply thật sớm nha.
    ----
    Đây là 9 điều Trang thấy ấn tượng về cách người Mỹ làm việc, các bạn hoàn toàn có thể đọc và áp dụng cho chính business của mình. Mọi người có điều gì cảm thấy thú vị, ấn tượng và hữu ích thì cũng hãy chia sẻ cho Trang nữa nhé:)

    P/s: Ảnh là Trang chụp tại buổi thuyết trình ở Google Launchpad hôm trước. Mỗi cô gái ở đây đều là founder hay CEO của 1 startup đó ạ, nhưng trông họ giản dị nhỉ.
     

    Các file đính kèm:

    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...