Nhận nhiệm vụ “dạy” đọc hiểu và phân tích báo cáo tài chính lần này, tôi thấy rất là băn khoăn bởi vì hầu hết dân tài chính chúng tôi, các bạn kế toán trưởng, kế toán tổng hợp hay các giám đốc tham gia khóa học thì hầu hết đều biết về báo cáo tài chính, đã từng chuẩn bị báo cáo tài chính, hoặc đã từng đọc, nghe kế toán trưởng phân tích, hoặc sử dụng các số liệu báo cáo trong nhiều năm để đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ai cũng ái ngại vì nó khó hiểu và càng ngày càng khó đọc báo cáo tài chính, khó phân tích. Tại sao 1. Đối tượng đọc/ hiểu và phân tích báo cáo tài chính và mục đích phân tích Câu hỏi đặt ra là các anh chị cần gì ở báo cáo tài chính thì câu trả lời sẽ hoàn toàn khác nhau: Tôi xem báo cáo lãi lỗ của công ty Tôi xem tình trạng dòng tiền của công ty Tôi xem tình trạng tài sản của công ty Tôi xem các tỷ lệ tài chính của công ty Rõ ràng là mục đích của từng người đọc sẽ khác nhau thì việc mọi người quan tâm tới các số liệu cũng khác nhau. Người làm CEO sẽ cân nhắc khác với HĐQT, khác với các nhà đầu tư, hay khác hẳn với các nhân viên/ bộ phận kế toán tài chính Trước khi bước vào đọc hiểu và phân tích BCTC, các anh chị hãy xác định vị trí của mình và mục đích của mình nhé. 2. Đọc hiểu thế nào cho dễ? Để giúp các bạn đọc hiểu báo cáo tài chính dễ dàng đặc biệt đối với những người không có quen thuộc với các chính sách kế toán, các con số …, cách đọc hiểu một báo cáo tài chính dễ dàng là cách như sau: Ngành nghề hoạt động của công ty: để các con số có nghĩa, đầu tiên bạn phải hiểu công ty đang hoạt động trong ngành nghề gì bởi vì các ngành nghề sẽ dẫn tới các con số khác nhau. Ví dụ: công ty bán lẻ thì sẽ có các chỉ số phải thu rất là thấp, trong khi lượng hàng tồn kho có thể cao. Công ty sản xuất thì có thể phải đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị đất đai có thể nhiều. Công ty đã hoạt động được bao lâu: rất cần để hình dung được công ty đang ở giai đoạn đầu, giữa hay đang giai đoạn cuối của chu trình phát triển Các thông tin trên các bạn đều có thể nhìn thấy trong các báo cáo tài chính trong phần thông tin về doanh nghiệp. Sau khi hiểu về công ty, chúng ta sẽ bắt đầu với các thứ tự trình bày trên báo cáo tài chính: Bảng cân đối kế toán: có trình bày đủ tài sản của công ty, các khoản nợ, các khoản vốn. Xem xét mức độ tăng giảm và tương quan trong tổng thể nhé. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: tình hình doanh số, chi phí, lợi nhuận gộp, lợi nhuận thuần … Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: nhìn kỹ về dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính, hoạt động đầu tư. Các con số này có phù hợp với các kế hoạch kinh doanh mà các bạn tìm hiểu ở trên không? Báo cáo về tăng giảm vốn của công ty: trong các báo cáo theo chuẩn mực quốc tế thì thường Báo cáo về tăng giảm vốn là 1 báo cáo riêng biệt, còn theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và hê thống kế toán Việt Nam thì chúng ta chịu khó tìm trong phần thuyết minh về vốn để biết thêm về các cổ đông của công ty, về tổng vốn đã góp trong năm hoặc đã hoàn thành… Các công ty niêm yết/ có lợi ích công chúng thì còn có báo cáo kiểm toán: Ai kiểm toán, có ý kiến ngoại trừ hay nhấn mạnh gì không? Nếu có thì đó là vấn đề gì, liên quan tới thuyết minh nào? Các thuyết minh: các bạn thường quan tâm tới các thuyết minh nào tùy thuộc vào ngành nghề cũng như các số liệu được trình bày, nhưng để hiểu các công ty thường chúng ta cần lưu ý tới: Các chính sách kế toán: xem có chính sách nào bị thay đổi hay không? Thuyết minh liên quan tới thuế: thường thì báo cáo tài chính luôn có thuyết minh về thuế Thu nhập doanh nghiệp, có số thuế đã nộp cần phải nộp cũng như các chi phí loại trừ … Tùy mục đích đọc hiểu báo cáo tài chính mà chúng ta sẽ quan tâm tới chính sách này hay không Thuyết minh về doanh thu theo bộ phận: phần này có thể cho chúng ta bức tranh rõ ràng hơn về tỷ lệ lợi nhuận đóng góp của từng bộ phận, ví dụ DN mà có nhiều mảng hoạt động thì phần này sẽ giúp chúng ta có bức tranh cụ thể hơn. Thuyết minh về các bên liên quan: phần này cho chúng ta bức tranh tổng thể về DN trong các mối quan hệ Các khoản nợ tiềm tàng: thường thì các phần nợ tiềm tàng này mọi người ít quan tâm, vì nó “tiềm tàng” – nhưng khi phân tích chúng ta cần quan tâm tới để ước tính trong tương lai 3. Phân tích thế nào cho dễ dàng? Các chỉ số đơn giản cho ngành là các chỉ số chúng ta thường hướng tới. Ngắm nghía một vài chỉ số có thể giúp chúng ta rất nhiều điều, ví dụ khi tôi làm việc với 1 công ty bán lẻ, các chỉ số mà tôi thường đưa ra phân tích khá đơn giản: Tăng trưởng doanh thu trên hệ thống vs tăng trưởng doanh thu trên từng cửa hàng Doanh thu/ cửa hàng/ tháng Doanh thu/ nhân viên Tỷ lệ lợi nhuận gộp của toàn hệ thống vs tỷ lệ lợi nhuận gộp của từng cửa hàng Chi phí nhân sự/ tổng doanh thu Chi phí quảng cáo/ doanh thu Chi phí thuê mặt bằng/ doanh thu Tiền mặt – Dòng tiền tự do (Free cash flows) Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn sử dụng (ROCE) Có rất nhiều các tỷ lệ nhưng tùy từng thời điểm mà chúng ta sẽ có những đánh giá và yêu cầu các chỉ số – xem xét các chỉ số trên tương quan với các doanh nghiệp cùng ngành, trên tương quan của các năm trước/ năm sau/ dự toán. Theo các chuyên gia trong ngành tài chính thì các chỉ số tài chính mà các DN lớn niêm yết các thị trường nước ngoài cũng chỉ từ 3-10 chỉ số, mức trung bình chỉ là 5.8, các bạn cũng nên cân nhắc các chỉ số này để không phải bị sa đà vào quá nhiều chỉ số mà bức tranh càng rối rắm nhé. 4. Các vấn đề khi đọc hiểu và phân tích báo cáo tài chính Việc đọc hiểu báo cáo tài chính phải gắn với doanh nghiệp và các chiến lược và thời kỳ phát triển của doanh nghiệp, trước mỗi thay đổi của doanh nghiệp sẽ cần có các điều chỉnh cách đọc hiểu và phân tích cho phù hợp. Ví dụ một doanh nghiệp trước khi niêm yết thì cách đọc/ hiểu cũng sẽ khác với một doanh nghiệp đã niêm yết từ lâu. Nếu là doanh nghiệp nhỏ mới thành lập thì cách đọc hiểu cũng khác vơi DN đã thành lập từ lâu. Hiểu rõ mục đích của Ban giám đốc và hội đồng quản trị của công ty sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Doanh nghiệp. Chúng ta không thể đọc/ hiểu báo cáo tài chính mà cắt ra khỏi ngữ cảnh hoạt động của công ty. Các phân tích tài chính nên có những điều chỉnh cho phù hợp sau khi đọc hiểu báo cáo tài chính, ví dụ xem xét các khoản chi phí đang “treo” trên các khoản mục Phải thu khác, hay phân tích Lợi nhuận gộp cần xem xét các khoản mục Hàng tồn kho đang có thể treo trên Bảng cân đối kế toán. Tùy từng trường hợp cụ thể mà cần có những điều chỉnh số liệu trước phân tích để đảm bảo việc phân tích số liệu một cách hợp lý. Trường hợp kiểm toán ngoại trừ 1 số khoản mục có thể cần điều chỉnh các khoản mục trước khi phân tích để đảm bảo việc phân tích đưa ra các giá trị hợp lý cho các quyết định sản xuất kinh doanh, hoặc đưa ra nhiều tình huống phân tích để có các chỉ số khác nhau (low/high) trong quá trình phân tích và đưa vào sử dụng. Việc đọc hiểu báo cáo tài chính cũng nên nhìn tới các số liệu của các năm khác ngoài năm hiện tại, so sánh và hiểu thêm các năm để có trend/ xu hướng để có thể giúp chúng ta hình dung rõ ràng về tương lai hơn.