Doanh nhân xã hội - You là ai?

Thảo luận trong 'Quản trị - Khởi nghiệp' bắt đầu bởi Ẩn Danh, 5/9/17.

  1. Ẩn Danh

    Ẩn Danh Member

    Forbes Việt Nam - Tờ báo uy tín của giới doanh nhân, số gần nhất lại vừa dành gần như toàn bộ số trang để nói về "Trách nhiệm xã hội". Nói là "lại vừa" bởi cách đây hơn nửa năm họ cũng đã thực hiện điều tương tự.

    Trong đó, khái niệm doanh nhân, doanh nghiệp xã hội được làm rõ qua các mô hình thành công, kéo dài từ Việt Nam, Châu Á và cả thế giới.

    Cụm từ "trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp" Corporate Social Responsibility hay gọi tắt là CSR cũng được làm nổi bật, với sự lạc quan nhất định bởi các doanh nghiệp tại Việt Nam mà tiên phong là các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động lâu năm tại Việt Nam (kéo theo các doanh nghiệp nội) ngày càng quan tâm hơn đến trách nhiệm của mình từ bảo vệ môi trường đến việc tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng.

    1 khái niệm mới rất thú vị vừa được nêu bật: CSV (Creating Shared Value) - tạo dựng những giá trị chung; được khởi xướng từ Michael Porter - Nhà nghiên cứu kinh tế xã hội người Mỹ và gây được sự chú ý của giới kinh doanh trong việc xây dựng chiến lược phát triển.

    Forbes Việt Nam viết " Lý thuyết CSV cho rằng doanh nghiệp có thể gắn thành công của công ty với sự tiến bộ của xã hội bằng việc tìm ra các giải pháp cho các nhu cầu và thách thức của xã hội, tham gia vào việc cung cấp giải pháp đó, từ đó có thể tạo ra cả lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và lợi ích cho xã hội".

    Việt Nam hiện tại: có khoảng 25 triệu người được cho là "yếu thế" cần được hỗ trợ như công nhân nghèo, thanh niên nông thôn, miền núi, khuyết tật, HIV. Có đa phần dân số trong 90 triệu người là nông dân nghèo khó. Có 30 triệu thanh niên ở tuổi vàng lao động và sáng tạo nhưng vẫn "thất nghiệp đều đặn". Y tế, giáo dục, nông nghiệp...hình như cũng còn rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, 1 lượng lớn người già bắt đầu ít có đất sống, cô đơn hơn trong thế giới loạn nhịp này.

    Có quá nhiều việc cần những cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp yêu thích con đường hoạt động xã hội dấn thân hơn nữa.

    Tại Việt Nam, mô hình nào đang thành công?

    Hơn 3 năm trước, Koto - 1 doanh nghiệp xã hội Việt Nam đã nhận Giải thưởng Ilga là một hoạt động hàng năm của Quỹ Ilga nhằm vinh danh sự cống hiến của những cá nhân trên khắp thế giới đang nỗ lực làm việc vì sự phát triển tốt đẹp hơn của đất nước và con người tại châu Á - Bởi Koto với sự điều hành của Jimmy Phạm đã giúp đỡ hàng trăm trẻ em đường phố được học nghề đầu bếp, thực tập ở các nhà hàng khách sạn sang trọng. Các nhà hàng Koto tại TPHCM và Hà Nội rất đông khách, là nguồn thu chính đáng để họ mở rộng hoạt động và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng yếu thế này.

    Cũng mới đây, Lotus Impact - 1 quỹ đầu tư tác động đã quyết định đầu tư vào Koto 13 triệu USD để tạo ra KOTO Catering thương hiệu cung cấp thực phẩm cho Starrbucks và các công ty F&b khác.

    Ngoài KOTO, chỉ cần 1 cú nhấp chuột, chúng ta cũng sẽ dễ dàng tìm kiếm được danh sách hơn 200 doanh nghiệp xã hội hoặc theo định hướng xã hội có những đóng góp nhất định.

    Con đường theo đuổi "doanh nghiệp xã hội" của tôi.

    Ngày 1/10/2010 tức gần 7 năm về trước, sau khi xuyên Việt qua khắp các tỉnh thành, tổ chức nhiều chương trình từ thiện, xã hội khắp dọc miền đất nước, đứng trước con đường: hoặc trở thành 1 bộ phận làm CSR của doanh nghiệp, tập đoàn, hoặc trở thành 1 trung tâm/thành viên của nhà nước theo kiểu đoàn hội ... Tôi với sự cố vấn giúp đỡ của GS TS Phạm Đức Dương - Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Phương Đông (Thầy đã mất) quyết định dấn thân vào con đường trở thành 1 "doanh nhân doanh nghiệp xã hội".

    1 công ty theo định hướng doanh nghiệp xã hội với tên viết tắt VTVCorp (dot vn) được ra đời từ đó. 3 tuần nữa là tròn 7 năm, 1 khoảng thời gian đủ để nhìn và cảm nhận được những biến chuyển lớn lao, trong đó có sự thừa nhận của Việt Nam trong việc luật hóa mô hình doanh nghiệp xã hội.

    Đêm nay viết những dòng này tôi chợt nhớ đến những lời căn dặn của Thầy từ những ngày đầu tiên: " Con sẽ cô đơn, doanh nghiệp của con sẽ rất cô đơn. Chính quyền sở tại với định hướng đặc biệt, đa phần sẽ xem con là đối tượng cần xem xét đặc biệt vì cơ bản ăn sâu trong tâm trí họ rằng có những việc vốn không giải quyết được, hoặc nếu có thì đó là trách nhiệm của nhà nước. Doanh nghiệp truyền thống sẽ xem con là 1 "dị bản" bởi từ muôn đời 2 chữ "lợi nhuận" phải được đặc lên hàng đầu của mỗi doanh nghiệp. Truyền thông ư? Sự nghi ngờ về các mối quan hệ PR cho doanh nghiệp hay tệ hơn là "thực hiện thúc đẩy xã hội dân sự" cho 1 cá nhân hay nhóm đối tượng nào đó là điều họ hiển nhiên nghĩ đến. Còn người dân? Khái niệm sợ các hệ giá trị kiểu "cho và tặng kiểu tư bản" sẽ khiến họ hoàn toàn không tin tưởng - Nhưng nếu đứng vững qua năm thứ 5, con sẽ thấy tìm thấy được những con đường thú vị".

    Con đường thú vị ấy có bao nhiêu chông gai và nước mắt? Những khó khăn và thuận lợi của 1 người đã thành lập mô hình doanh nghiệp định hướng xã hội được hơn 7 năm với nhiều dự án mang tầm quốc gia, trải dài trên cả nước và tác động đến hàng triệu người ...tôi xin phép được chia sẻ ở 1 bài sau. Qúy ACE có thể tìm hiểu qua các từ khóa tìm kiếm có liên quan.

    Nhưng: với kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy có quá nhiều cơ hội cho các cá nhân hay doanh nghiệp có ý định theo con đường này (không nhắc khó khăn và thách thức bởi từ trước đến nay là rất rất khó khăn). 1 mô hình doanh nghiệp xã hội phát triển tại Việt Nam sẽ rất gần với các loại hình kinh tế sẻ chia sharing economy mà thế giới đang cổ vũ.

    Có rất nhiều Qũy đầu tư tác động (như Lotus Impact) đang tìm kiếm các cá nhân hay doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam để hợp tác cùng phát triển - Nhưng dường như họ đang bắt đầu nản, bởi nói như mr Lê Chí Thành - Phụ trách đầu tư và nghiên cứu của Qũy Lotus là dù trân trọng những giá trị đóng góp của doanh nghiệp xã hội bởi đa phần các doanh nghiệp này đều cố gắng cải thiện cuộc sống của 1 số lượng người nhất định, Và dù một số công ty nhận mình là doanh nghiệp xã hội nhưng không xây dựng được bộ chỉ số đo ảnh hưởng tạo ra cho xã hội và môi trường - điều mấu chốt ảnh hưởng đến quyết định rót vốn hỗ trợ của các nhà đầu tư".

    Phải chăng đây chính là điểm khó khăn nhất của 1 doanh nghiệp xã hội hiện nay?

    P/S: Bài này được viết trong lúc tôi và các cộng sự đang thức trắng nhiều đêm để thực hiện tiếp 1 dự án về cộng đồng có liên quan đến "phát triển hệ sinh thái gắn kết doanh nghiệp nhỏ và vừa" và đặc biệt có cảm hứng khi vừa đọc xong chuyên đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của Forbes - Trên tinh thần sẻ chia, kết nối những người có đam mê với các hoạt động xã hội - Tôi chỉ định viết trên trang cá nhân, nhưng cũng do được Bố Long Do khuyến khích đăng vào Group; nhận thấy với vị trí Trưởng ban Văn hóa xã hội - Phụ trách các vấn đề thúc đẩy và kết nối hỗ trợ cộng đồng của CLB Quản trị và Khởi nghiệp ; tôi mạnh dạn đăng "bài viết có phần lộn xộn cảm xúc này" vào Group với mong muốn được connect với các ACE có cùng chí hướng để thúc đẩy các hoạt động cộng đồng của CLB được phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa. Đặc biệt, là chuyến công tác xã hội hỗ trợ Bệnh viện Nhân ái - Nơi cưu mang những phận người có H ở Bình Phước vào đầu tháng 10 tới.

    Trân trọng!

    Nguyễn Tuấn Khởi
    Trưởng Ban VHXH CLB QTKN
    CEO VTVCorp
     
    Tags:
    danh sách diễn đàn rao vặt gov chất lượng
Đang tải...